Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ngay từ nhỏ
Có thâm niên ở nhiều vị trí quản lý, chị Nguyễn Thuỵ Tình Ca (giám đốc đại diện của Resorts World Sentosa Singapore tại VN) cho biết cả IQ và EQ đều cần thiết cho sự thành công của một con người.
Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ngay từ nhỏ
Có thâm niên ở nhiều vị trí quản lý, chị Nguyễn Thuỵ Tình Ca (giám đốc đại diện của Resorts World Sentosa Singapore tại VN) cho biết cả IQ và EQ đều cần thiết cho sự thành công của một con người.
Các bạn trẻ tham gia một lớp học kỹ năng mềm trong kỳ nghỉ hè tại TP.HCM – Ảnh: Ngọc Hiển |
Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần thể hiện tình cảm, cảm xúc của bản thân đối với trẻ để trẻ có thể cảm nhận và thấu hiểu. Khi trẻ làm điều gì đó tích cực, cần dùng những lời khen ngợi đúng mực đi đôi với cảm xúc hài lòng dành cho trẻ |
TS tâm lý BÙI HỒNG QUÂN |
Tuy nhiên vai trò của EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) đang dần “nhỉnh” hơn, giúp đảm bảo sự thành công của một người. Các chuyên gia cũng như lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn khẳng định EQ là một yếu tố vô cùng quan trọng cho sự thăng tiến, thành công của một người trẻ.
Bạn chọn IQ hay EQ?
Chị Nguyễn Phương Mai (CEO Công ty tư vấn nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search) cho biết từ năm 1995 đến nay, rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng EQ đóng vai trò quan trọng không kém IQ (chỉ số thông minh) trong thành công của một người. Theo chị, tiêu chí để đánh giá ứng viên cho tập đoàn lớn trong quá trình tuyển dụng hiện nay chính là dựa trên “công thức”: IQ + EQ chứ không chỉ riêng IQ hay EQ.
Nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu chú trọng phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ ngay khi còn nhỏ. Mùa hè này, chị Nguyễn Thị Loan (36 tuổi, Q.Phú Nhuận) đưa cả hai con, bé 6 tuổi học kỹ năng để vào lớp 1, còn bé 9 tuổi tham gia lớp kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Ngoài ra, chị còn khuyến khích con tự chọn học và chơi những môn thể thao, năng khiếu con yêu thích mà không hề ép buộc.
“Tôi không cho con đi học thêm văn hóa bởi tôi thấy học trong trường kiến thức như vậy đã đủ, tôi chỉ cho con đi học thêm những điều mà ở môi trường giáo dục hiện tại chưa đáp ứng là dạy cho trẻ kỹ năng. Tôi muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con được phát triển toàn diện cả về tư duy lẫn kỹ năng xã hội” – chị Loan nói.
Phát triển EQ cho trẻ từ nhỏ
Chị Tình Ca chia sẻ: “Yếu tố về môi trường sống, giáo dục đều có tác động nhiều đến việc phát triển EQ của con trẻ. Chính vì vậy mà ngay từ những tháng đầu đời của con, tôi đã đặc biệt chú ý đến biểu hiện cảm xúc của con trong sinh hoạt hằng ngày”.
TS tâm lý Bùi Hồng Quân (cố vấn khoa học Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) cho biết có rất nhiều cách khác nhau để giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ nhưng điều quan trọng nhất chính là giáo dục bằng chính cảm xúc.
“Với những hành động chưa phù hợp ở trẻ, cha mẹ cần thể hiện sự không hài lòng đi kèm giảng giải nhẹ nhàng, không nên quá giận dữ để trẻ vừa nhận thức được lỗi của mình nhưng cũng học được cách bộc lộ cảm xúc” – TS Quân nói.
Còn bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh (hiện nghiên cứu về dinh dưỡng cho trẻ tại Bệnh viện ĐH Worcester và Bệnh viện ĐH Oxford, Anh) cho biết não bộ trẻ trước 5 tuổi phát triển với tốc độ rất nhanh (gần 85-90% cấu trúc não bộ đã được hoàn thiện trước 5 tuổi). Có một mạng lưới tế bào thần kinh vững chắc và dày đặc sẽ giúp trẻ trở nên toàn diện về mặt trí tuệ và cảm xúc.
Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ thêm: “Trong quyển Nguồn tư liệu tham khảo hoàn chỉnh về trẻ thơ của TS Pam Schiller, từ 14 tháng tuổi, trẻ có thể chính thức học EQ thông qua giao tiếp với cha mẹ, người thân. Nhưng trước độ tuổi này, việc tương tác của mẹ khi cho con bú, những câu chuyện cha kể cho trẻ nghe hoặc cách mà cha mẹ chơi cùng bé cũng là cách tạo tiền đề cho các cảm xúc của trẻ phát triển. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để phát triển EQ ngay từ khi còn nhỏ”.
Thành công nhờ cảm xúc được nâng niu
Từng là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, tốp 5 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Oxford (Anh) và tốt nghiệp thủ khoa MBA Học viện MIT (Mỹ)… nhưng chị Lê Diệp Kiều Trang (hiện là tổng giám đốc Fossil Việt Nam) cho biết thời đi học tại Việt Nam, chị không phải đi học hè. “Trong khi bạn bè cùng lớp đi học thêm thì tôi lại được gia đình cho đi học vẽ, hát và tham gia đội tuyển nhảy aerobic… Còn khi đi du học, mùa hè tôi thường về nước để thực tập hoặc làm tình nguyện viên cho một số dự án. Những kỹ năng có được từ các lớp học ngoài trường sau đó trở thành vốn quý, không chỉ bổ sung cho tri thức mà còn giúp tôi tự tin, bản lĩnh khi đi làm” – chị Kiều Trang chia sẻ với Tuổi Trẻ. |