Làm đường vành đai chậm nên kết nối chưa cao
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về hạ tầng giao thông TP.HCM.
Làm đường vành đai chậm nên kết nối chưa cao
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về hạ tầng giao thông TP.HCM.
Một đoạn đường vành đai 2 qua Q.2 (TP.HCM) đã thi công xong giai đoạn 1 và cho xe lưu thông – Ảnh: Quang Định |
* Tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP.HCM ngày 23-6, ông nhận định hạ tầng giao thông đường bộ của TP.HCM kém xa Hà Nội, ông có thể giải thích rõ hơn?
– Tôi muốn đính chính lại là tại cuộc làm việc đó tôi chỉ so sánh hạ tầng giao thông đầu mối kết nối các đầu mối chứ không phải là giao thông TP.HCM nói chung cả nội ô. Cụ thể là hạ tầng giao thông đầu mối của khu vực TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập.
Nếu so sánh thì giao thông kết nối đầu mối của Hà Nội hoàn chỉnh hơn vì đường vành đai 3 đã hoàn thành khép kín, kết nối với các cửa ngõ đều có đường bộ cao tốc để đi các nơi theo hình nan quạt.
Do đó, Hà Nội thuận lợi trong việc kết nối giao thông ngoại vi. Xe cộ đi các nơi khác mà không có nhu cầu vào Hà Nội sẽ không phải đi vào trung tâm TP mà đi theo đường vành đai 3 ở ngoại vi để kết nối đến các hướng khác nhau.
Trong khi đó, TP.HCM chưa hoàn thành các đường vành đai 2, vành đai 3 nên xe cộ muốn đi từ miền Tây ra miền Đông vẫn phải đi xuyên tâm TP làm cho giao thông TP phức tạp thêm và xe cộ đi chậm hơn.
Vì tiền đầu tư có hạn nên bây giờ TP.HCM phải tập trung cải thiện đầu mối giao thông kết nối để xe không có nhu cầu vào TP có thể đi theo đường vành đai đến nơi khác.
* Hà Nội có hệ thống giao thông kết nối ngoại vi tốt là do chủ trương đầu tư hay Hà Nội được tập trung nguồn lực nhiều hơn TP.HCM, thưa ông?
– Hiện nay, đường vành đai 3 Hà Nội đã khép kín kết nối với các đường cao tốc: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 18 đi Quảng Ninh, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình đi về phía Nam, đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng – Hoà Lạc) đi hướng Hoà Bình, Sơn Tây.
Hà Nội và các khu vực phụ cận cũng có những tập trung nhất định về nguồn lực đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng yếu tố đó cũng chỉ là một phần.
Đường cao tốc ở phía Bắc cũng đầu tư tương đối đồng bộ, nhưng phía Nam cũng thực hiện đầu tư được một số đường như TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, đường vành đai của TP.HCM làm chậm nên tính kết nối chưa cao.
* Ở phía Bắc hoàn thành nhiều đường cao tốc kết nối Hà Nội hơn so với phía Nam và TP.HCM. Theo ông, việc này là do yếu tố gì?
– Có thực tế là do vận tải đường thuỷ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận có ưu thế vận chuyển nhiều hàng hoá khối lượng lớn nên giảm tải cho đường bộ khiến áp lực đầu tư đường bộ cao tốc chưa bức bách trong thời gian qua. Nhưng việc thực hiện đường vành đai TP.HCM chậm cũng do chủ quan một phần.
Phía Bắc đường sông không đảm đương được năng lực vận tải nhiều. Trong khi đó, Hà Nội có vị trí địa lý là trung tâm của vùng, toả đi nhiều nơi nên việc làm nhiều tuyến cao tốc xong trước khu vực miền Nam cũng là do nhu cầu thực tế tương đối cao.
Trong khi TP.HCM có phần đường thuỷ gánh khá nhiều nên cũng ảnh hưởng phát triển đường vành đai. Còn Hà Nội có nhu cầu làm đường nan quạt kết nối từ các tỉnh tới rất bức thiết và rất cần đường vành đai ngoại vi.
* Nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa để đầu tư giao thông Hà Nội thế nào, thưa ông?
– Cũng tương quan như phía Nam. Ngoài Bắc làm đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thì TP.HCM cũng làm cao tốc đến Trung Lương từ sớm.
Đoạn cấp bách như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng đã làm. Nhưng những tuyến kết nối lên Mộc Bài, Bến Lức chưa có nên xe cộ đi từ phía Tây ra phía Đông đều đi xuyên tâm TP.HCM.
Nguồn lực dành cho phát triển ở khu vực TP.HCM cũng tương đương Hà Nội nhưng do điều kiện thực hiện nhanh chậm khác nhau và có cả yếu tố khách quan là vị trí địa lý cùng phương thức vận tải vùng miền khác nhau.
* Hiện nay TP.HCM đang thiếu nguồn vốn đầu tư cho giao thông. Theo ông, cần những giải pháp gì?
– Thiếu vốn đầu tư là khó khăn chung của cả nước chứ không phải riêng TP.HCM. TP.HCM cũng đã đưa ra các giải pháp tương tự Hà Nội là khai thác quỹ đất, đồng thời bán đấu giá tài sản cũ, bán cổ phần của một số doanh nghiệp nhà nước để đầu tư giao thông…
Bây giờ ngân sách nhà nước khó khăn chỉ hỗ trợ được một phần nào đó nên nỗ lực của TP là chính.
Cần hơn 13.000 tỉ đồng khép kín đường vành đai 2 Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay TP cần 13.115 tỉ đồng để xây dựng 3 đoạn đường vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 13km mới khép kín đường này. Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu (Q.9) nối dài đến xa lộ Hà Nội (gồm xây nút giao thông Bình Thái, Q.9) dài 3,8km, rộng 67m, có vốn đầu tư 5.732 tỉ đồng; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) dài 2km, rộng 67m, có vốn đầu tư 1.324 tỉ đồng; đoạn 3 từ nút giao thông An Lạc – quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, trong giai đoạn 1 xây 6 làn xe với tổng mức đầu tư 6.059 tỉ đồng. Theo quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 có tổng chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Việc chưa xây dựng khép kín đường vành đai 2 khiến áp lực giao thông trong nội thành TP.HCM rất căng thẳng. Còn đường vành đai 3 có tổng chiều dài 89km, đi qua Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An vẫn chưa được đầu tư xây dựng. |