28/11/2024

Vì sao chỉ liên thông xét nghiệm ở tuyến trên?

Từ 1-7, khoảng 30-40 bệnh viện thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh như Bạch Mai, Phổi T.Ư – Hà Nội, Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí – Quảng Ninh, Chợ Rẫy – TP.HCM sẽ sử dụng chung kết quả xét nghiệm.

 

Vì sao chỉ liên thông xét nghiệm ở tuyến trên?

Từ 1-7, khoảng 30-40 bệnh viện thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh như Bạch Mai, Phổi T.Ư – Hà Nội, Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí – Quảng Ninh, Chợ Rẫy – TP.HCM sẽ sử dụng chung kết quả xét nghiệm.

 

 

 

Vì sao chỉ liên thông xét nghiệm ở tuyến trên?
Từ 1-7, khoảng 30-40 bệnh viện thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh sẽ sử dụng chung kết quả xét nghiệm – Ảnh: VIỆT DŨNG

Các bệnh viện này có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189 có thể sử dụng chung gần 100 chỉ số xét nghiệm sinh hóa, huyết học và vi sinh. Trước 1-1-2018, toàn bộ bệnh viện hạng 1 và tương đương trên toàn quốc sẽ sử dụng chung kết quả xét nghiệm.

Mỗi năm số lượng xét nghiệm đều tăng, tăng nhanh hơn tỉ lệ gia tăng người bệnh, nếu giảm được hiện trạng đi đâu cũng phải xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, chưa kể giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh.

Chính phủ yêu cầu bắt đầu lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm từ 1-7 tới, tuy nhiên vì sao mới chỉ liên thông được ở tuyến trên?

Tại sao chỉ tuyến trên, không là tuyến quận?

Vì sao hai đợt liên thông kết quả xét nghiệm đầu tiên (1-7-2017 và 1-1-2018) đều chỉ liên thông kết quả ở bệnh viện tuyến trên?

Ông Tạ Thành Văn, giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm khu vực phía Bắc, cho hay chỉ có thể liên thông khi các phòng xét nghiệm được liên thông đều đạt một chuẩn mực nhất định, đều tham gia kiểm chất lượng xét nghiệm bên ngoài (ngoại kiểm), tức là được trung tâm kiểm chuẩn đánh giá chất lượng xét nghiệm.

“Hiện còn nhiều bệnh viện chưa tham gia kiểm chất lượng xét nghiệm bên ngoài, như Sở Y tế Bắc Kạn có 10 bệnh viện trực thuộc nhưng mới có một bệnh viện tham gia ngoại kiểm, Cao Bằng 1/21 bệnh viện tham gia, Thừa Thiên – Huế năm 2016 vừa qua không có bệnh viện nào gửi kết quả đến trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm phụ trách, Hải Phòng 8/50 bệnh viện tham gia…” – ông Văn cho hay.

Năm 2016 mới có trên 60% bệnh viện gửi kết quả về các trung tâm kiểm chuẩn, còn xấp xỉ 40% bệnh viện là chưa được đánh giá về tính chính xác của xét nghiệm.

Chất lượng xét nghiệm không tương đồng

Chất lượng xét nghiệm không đồng đều giữa các phòng xét nghiệm cũng khiến các bệnh viện tuyến trên e ngại khi dùng kết quả bệnh viện tuyến dưới. Qua kiểm tra năm 2016 cho thấy còn một tỉ lệ bệnh viện chỉ có 40% xét nghiệm chấp nhận được, 60% kết quả còn trục trặc và sẽ ảnh hưởng kết quả điều trị nếu dùng kết quả xét nghiệm này.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, khuyến cáo các phòng xét nghiệm có nội kiểm (tự kiểm định) và ngoại kiểm chất lượng (tự đánh giá và được phòng xét nghiệm chuẩn đánh giá chất lượng), có tỉ lệ xét nghiệm đạt chuẩn cao mới liên thông kết quả. “Vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng xét nghiệm” – ông Khoa cho hay.

Theo ông Khoa, yêu cầu của Chính phủ là liên thông kết quả xét nghiệm tại bệnh viện trực thuộc bộ từ 1-7, từ 1-1-2018 liên thông kết quả xét nghiệm của bệnh viện hạng 1 và tương đương. “Trước mắt sẽ thí điểm liên thông kết quả xét nghiệm vi sinh, sinh hóa và huyết học, trước mắt là 20-30 chỉ số/loại xét nghiệm. Từ 1-7, về nguyên tắc là các phòng xét nghiệm đã đạt tiêu chuẩn ISO 15189 có thể liên thông kết quả” – ông Khoa cho hay.

Ông Khoa phân tích rằng hiện toàn quốc có khoảng 50 phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189, số phòng xét nghiệm này nằm ở 30-40 bệnh viện, viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Phổi T.Ư…, đây là nhóm phòng xét nghiệm sẽ được liên thông kết quả đầu tiên. Các đoàn đánh giá chất lượng xét nghiệm của Bộ Y tế cũng sẽ bắt đầu các đợt kiểm tra từ cuối tháng 6-2017 để chậm nhất là từ 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng 1 và tương đương.

Như vậy đến 2018, hầu hết bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh sẽ liên thông kết quả xét nghiệm.

Vì sao chỉ liên thông xét nghiệm ở tuyến trên?
Người dân chờ lấy kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA

Số lượng xét nghiệm tăng cao hơn tỉ lệ khám bệnh

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy mỗi năm các bệnh viện, viện dự phòng thực hiện tới 475 triệu xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm, tăng cao hơn tỉ lệ gia tăng người bệnh khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cho rằng có thể do có nhiều máy móc thiết bị, các bệnh viện có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán cho người bệnh khiến chi phí xét nghiệm tăng nhưng cũng có thể bệnh viện có “quá tay” khi chỉ định xét nghiệm.

Nếu chỉ giảm 1% các xét nghiệm “quá tay”, không cần thiết hay trùng lặp vì đi đâu cũng phải xét nghiệm (tính trung bình chi phí mỗi xét nghiệm 50.000 đồng), thì mỗi năm đã tiết kiệm được trên 200 tỉ đồng chi phí xét nghiệm.

Nhiều người dân than phiền đối với những xét nghiệm chuyên sâu thì rất cần làm lại, nhưng xét nghiệm cơ bản thì việc làm đi làm lại gây mất thời gian, mệt mỏi thêm cho người bệnh.

LAN ANH – QUỲNH LIÊN