Phải phục vụ quốc kế dân sinh!
Chủ trương của Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại TP.HCM được chính quyền, người dân TP.HCM rất ủng hộ. Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
ĐẤT QUỐC PHÒNG: CẦN QUYẾT SÁCH MỚI!
Phải phục vụ quốc kế dân sinh!
Chủ trương của Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại TP.HCM được chính quyền, người dân TP.HCM rất ủng hộ. Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Nhà hàng tiệc cưới và khách sạn trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TP.HCM) được xây trên đất quốc phòng – Ảnh: Q.ĐỊNH |
* Ông Trần Du Lịch (nguyên phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Bộ Quốc phòng làm gương cho bộ, ngành khác noi theo
Nếu thật sự Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện được chủ trương như thượng tướng Lê Chiêm đã
phát biểu về việc bàn giao đất quốc phòng không sử dụng vào mục đích quốc phòng cho chính quyền TP.HCM thì quá may mắn cho TP. Đây sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho TP.HCM phát triển.
Thực tế cho thấy không chỉ có những phần đất quốc phòng mà nhiều phần đất đai, mặt bằng của các cơ quan trung ương ở TP.HCM cũng sử dụng lãng phí, bất hợp lý.
Trước đây, Chính phủ đã nhiều lần chủ trương phải sắp xếp lại đất công, đã thành lập ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước ở các tỉnh thành, nhưng đến nay vẫn chưa sắp xếp được.
Do vậy, lần này, một lần nữa tôi hi vọng Chính phủ quyết tâm để thực thi một chủ trương đúng đắn.
Và lần này, nếu Bộ Quốc phòng mạnh dạn thực hiện chủ trương sắp xếp hợp lý đất quốc phòng thì các cơ quan, bộ ngành khác cũng có gương để làm theo.
Hiện nay, đất quốc phòng có hai phần, một phần đang sử dụng và phần đất dự phòng. Đối với những khu đất dự phòng cần quy hoạch rõ ràng.
Đối với những phần đất không sử dụng cho mục đích quốc phòng thì cần chuyển qua dân sự hoàn toàn. Như vậy sẽ không có sự nhập nhằng sử dụng đất quốc phòng cho các mục đích khác như lâu nay.
* Ông Nguyễn Văn Hiệp (nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):
Cần thống kê lượng đất quốc phòng
Theo tôi, chủ trương chuyển giao đất quốc phòng không sử dụng cho mục đích quốc phòng cần được Chính phủ, Bộ Quốc phòng đưa ra thành nghị quyết thể hiện quyết tâm, tiến độ thực hiện.
Và cần thống kê lại toàn bộ quỹ đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM để xác định quỹ đất thật sự phục vụ cho mục đích quốc phòng mà giữ lại. Ngoài ra, những mặt bằng nào không cần sử dụng cho quốc phòng cần xác định để chuyển giao cho TP.HCM.
Theo Luật đất đai, cần có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất định kỳ 5 năm. Mỗi năm phải có chi tiết sử dụng các loại đất. Tuy nhiên, chưa có năm nào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do TP.HCM lập đưa vào những khu đất quốc phòng đề xuất dự kiến điều chỉnh thành đất dân sự.
Nói như vậy để thấy TP.HCM cũng cần chủ động tìm hiểu, đưa vào quy hoạch sử dụng đất những khu vực đất quốc phòng mà rất cần để phục vụ cho quốc kế dân sinh. Từ đó có cơ sở đề xuất với Bộ Quốc phòng chuyển giao lại cho TP.HCM.
* Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (nguyên tham mưu trưởng Quân khu 7):
Đã từng lấy lại đất quốc phòng cho thuê không đúng
Nhiều người không hiểu đúng về đất quốc phòng, cứ tưởng đất quốc phòng là của quân đội. Đất
quốc phòng là đất quốc gia giao cho quân đội quản lý, chứ không phải là đất của quân đội.
Trước đây, khi tôi còn công tác ở Quân khu 7, việc cho thuê đất quốc phòng rất hạn chế. Thời trung tướng Lê Văn Dũng, trung tướng Phan Trung Kiên… làm tư lệnh đã từng lấy lại rất nhiều đất quốc phòng cho thuê không đúng.
Hiện đất quốc phòng tại TP.HCM rất rộng, có một số nơi được cho thuê làm kho chứa hàng, làm nhà hàng, khách sạn… Có chỗ cho người ta thuê làm nhà máy sản xuất ôtô… Có nơi xây khách sạn 5 sao cao hàng chục tầng, có chỗ cho người ta xây chung cư…
Vì vậy chủ trương của Bộ Quốc phòng thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM là hoàn toàn đúng đắn.
* Đại tá Lê Gia Bẩu (nguyên bí thư Đảng ủy Nhà máy A41, Quân chủng Phòng không không quân):
Nhiều nơi cho thuê đất quốc phòng không ổn
Tôi thấy một số khu vực đất quốc phòng tại nhiều nơi trong cả nước hiện được cho thuê làm bến bãi, xây nhà
hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới, làm sân tennis… là không ổn.
Trước đây, các tướng lĩnh nghỉ hưu khi nghe tin làm 2 cái sân golf ngay sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều đã phản đối quyết liệt.
Sân golf chỉ phục vụ một số người chứ không phục vụ cho đại đa số nhân dân. Và quan trọng nữa là sân golf không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Ông Nguyễn Điểu (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng): Đà Nẵng lấy rất nhiều đất quốc phòng để mở đường Trong 20 năm qua, Đà Nẵng đã lấy một diện tích đất quốc phòng rất lớn để mở mang đường sá, đô thị. Nếu quân đội không nhường đất quốc phòng thì chắc chắn bộ mặt đô thị Đà Nẵng đã không được quy hoạch tốt như hôm nay. Từ năm 1997, khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương, lãnh đạo TP lúc đó là anh Nguyễn Bá Thanh đã đề ra chủ trương lớn là đàm phán cho được với Bộ Quốc phòng để có đất xây dựng hạ tầng, đường sá, cầu cống. Thời điểm đó do lịch sử để lại, ở Đà Nẵng đi đâu cũng đụng đất quốc phòng, muốn mở con đường, làm khu đô thị cũng đụng doanh trại quân đội. Lúc đó, nếu quân đội không chịu nhường đất thì quy hoạch đô thị sẽ manh mún. Từ sự bức xúc đó, anh Nguyễn Bá Thanh giao cho tôi thường xuyên “ăn dầm” ở Hà Nội để làm việc với các cơ quan của Bộ Quốc phòng nhằm “xin đất”. Tôi còn nhớ để mở các tuyến đường như Liên Chiểu – Thuận Phước, Sơn Trà – Điện Ngọc, Phạm Văn Đồng hay đường 2-9, Đà Nẵng đã di dời khoảng 100 doanh trại quân đội ra ngoại ô. Đó là những tuyến đường huyết mạch tạo động lực cho sự phát triển của TP hôm nay. Với kinh nghiệm của Đà Nẵng, tôi hi vọng TP.HCM được bàn giao diện tích đất quốc phòng rất lớn để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là mở đường. |