28/11/2024

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!

Đã có chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế nữa và Bộ Quốc phòng đang tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Vậy nếu chuyển đất quốc phòng cho TP.HCM phát triển kinh tế thì hiệu quả ra sao?

 

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!

Đã có chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế nữa và Bộ Quốc phòng đang tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Vậy nếu chuyển đất quốc phòng cho TP.HCM phát triển kinh tế thì hiệu quả ra sao?



 

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!
Một dự án chung cư trên đường 3 Tháng 2, Q.10 (TP.HCM) được xây dựng trên khu đất được chuyển đổi mục đích từ đất quốc phòng – Ảnh: HỮU THUẬN

Sau thông tin Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM hôm 23-6, nhiều câu hỏi được đặt ra: Việc sử dụng đất quốc phòng tại TP có lịch sử như thế nào? Nếu chuyển giao cho TP để phát triển kinh tế thì hiệu quả ra sao?…

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến ban đầu của các nguyên lãnh đạo TP và các chuyên gia gợi mở vấn đề đang rất được người dân quan tâm này.

TP.HCM rất cần những mặt bằng đất lớn

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!
Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Võ Viết Thanh: Đất quốc phòng ở các khu vực quận 10, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn… được các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, chuyển mục đích sang xây dựng nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, dự án nhà ở… khá phổ biến, kể cả đất hành lang an toàn trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị chia cắt để xây nhà.

Lúc đó, ngay cả Bộ Quốc phòng cũng rất khó quản lý và tạo thành áp lực buộc TP.HCM phải giải quyết hợp thức hóa.

Hiện chưa biết cụ thể việc thanh tra, quỹ đất bàn giao như thế nào, tuy nhiên trong điều kiện phát triển hiện nay, TP.HCM rất cần những mặt bằng đất lớn để giải quyết những bức xúc về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình công cộng như bệnh viện, công viên…

Giữa TP.HCM và Bộ Quốc phòng khi chuyển giao đất nên ưu tiên cho các công trình này. Và TP.HCM nếu tiếp nhận những khu đất từ quốc phòng chuyển giao thì phải chịu trách nhiệm với Chính phủ và nhân dân để sử dụng hiệu quả, không được tùy tiện “biến” đất đó làm những nhu cầu khác, không giải quyết bức xúc của TP.HCM.

Tôi nghĩ nhân dân rất mừng và có lòng tin lần này với chủ trương của Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng đã có ý kiến chỉ đạo kiên quyết để chấn chỉnh việc sử dụng đất đai của quốc phòng, an ninh để sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Vấn đề này phức tạp nhưng không phải không xử lý được.

Trước đây, Chính phủ qua mấy nhiệm kỳ cũng có chỉ đạo về vấn đề đất quốc phòng nhưng chưa quyết liệt giải quyết. Vấn đề đặt ra phải kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra và có những văn bản để chế tài, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng vụ việc, đơn vị, cá nhân.

Có phương án hợp tác với tư nhân 

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!
Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Phạm Chánh Trực: Có lúc chúng ta phải giữ cho được những khu đất để phục vụ cho quốc phòng. Nhưng nay do điều kiện bố trí trận đồ khác đi sẽ có những diện tích đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng. Và những khu đất như vậy nên chuyển giao lại cho chính quyền TP.HCM quản lý.

Hay như những mặt bằng rất lớn hiện nay được các đơn vị quân đội cho tư nhân thuê để khai thác, kinh doanh, cho thuê làm khách sạn, siêu thị trong nước hay nước ngoài…, Bộ Quốc phòng cũng nên chuyển giao cho TP.HCM quản lý, có phương án hợp tác với các đơn vị tư nhân tiếp tục khai thác.

Quân đội bây giờ phải tập trung vào rèn luyện, xây dựng chính quy, hiện đại, tinh nhuệ như chủ trương của Bộ Quốc phòng.

Khai thác hợp lý sẽ tránh thất thoát

Đất quốc phòng ở TP.HCM: Cần quyết sách mới!
Ảnh: H.KHOA

TS Võ Kim Cương: Việc đưa quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích an ninh quốc phòng vào khai thác phát triển kinh tế, đô thị là chủ trương rất tốt.

Một phần quỹ đất quốc phòng được chuyển giao cho mục đích sử dụng dân sự sẽ trở thành quỹ đất công, nếu khai thác hợp lý sẽ tránh thất thoát. Đồng thời, hiện nay cũng đã có luật về quản lý, sử dụng công sản, nên việc quản lý quỹ đất chuyển giao này sẽ hiệu quả hơn.

Trước mắt, từ quỹ đất này, chính quyền TP.HCM có thể chuyển thành nguồn vốn để phục vụ việc phát triển thông qua các phương án đổi đất hoặc bán đấu giá đất…

Chuyển giao có quy hoạch, kế hoạch

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM: Hiện nay, TP.HCM quá trình đô thị hóa càng nhanh, quỹ đất dành cho phát triển càng thu hẹp. Đặc biệt quỹ đất dành cho các khu vui chơi cho cộng đồng, công trình văn hóa thể thao, công viên cây xanh thiếu rất nhiều.

Nếu được chuyển giao những mặt bằng đất quốc phòng sẽ là quỹ đất quý để TP.HCM nâng cao năng lực sử dụng đất lên.

Ngoài ra, vì TP.HCM là đô thị cải tạo, có thể có những vị trí đất phù hợp để bố trí các công trình công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Nếu không có quỹ đất này, để thực hiện quy hoạch phải di dời nhà dân với số tiền giải tỏa, đền bù quá lớn.

Do vậy, các đơn vị quân đội có thể căn cứ vào quy hoạch phòng thủ, quy hoạch quốc phòng để sắp xếp, bố trí lại quỹ đất quốc phòng. Đối với những khu đất không cần sử dụng nữa theo một tầm nhìn nào đó thì chuyển cho TP.HCM để phát triển. Việc chuyển giao cần có quy hoạch, kế hoạch rõ ràng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa là rất đúng đắn. Đáng ra việc này nên làm từ lâu rồi. 

Được biết, Bộ Quốc phòng đã nhất trí giữ lại doanh nghiệp kinh doanh thuần túy chỉ phục vụ quốc phòng, còn toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh có tính chất thương mại sẽ phải cổ phần hoá hoặc chuyển sang cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sắp được thành lập.

Với chủ trương này, doanh nghiệp nào còn được Bộ Quốc phòng giữ lại khi doanh nghiệp đó chỉ phục vụ quốc phòng. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đó là công cụ phục vụ chính sách của riêng quốc phòng. 

Ngoài ra, quân đội có thể làm kinh tế ở những vùng, khu vực đặc biệt như biên giới, hải đảo nhằm phục vụ nhiệm vụ chủ yếu cho quốc phòng là gìn giữ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế): Khi các doanh nghiệp của quân đội được cổ phần hóa thì sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các doanh nghiệp bên ngoài.

Khi đó, các dự án, công trình của quân đội có thể mời các doanh nghiệp khác tham gia chứ không chỉ doanh nghiệp của quân đội như bao lâu nay. 

Ngược lại, các doanh nghiệp lâu nay chỉ phục vụ cho quân đội thì tới đây sẽ bỏ thầu các dự án bên ngoài. Như vậy mới nâng cao hiệu quả đồng vốn.

L.Thanh ghi

TIẾN LONG ghi