09/11/2024

Mất di sản vì thiếu bản đồ quy hoạch khảo cổ

Trước nghi vấn “thi công bãi giữ xe ủi bay mộ thứ phi vua Tự Đức”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng các tỉnh nên rà soát và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ ngay để bảo tồn di sản.

 

Mất di sản vì thiếu bản đồ quy hoạch khảo cổ

Trước nghi vấn “thi công bãi giữ xe ủi bay mộ thứ phi vua Tự Đức”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng các tỉnh nên rà soát và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ ngay để bảo tồn di sản.




Không có bản đồ quy hoạch khảo cổ, một đoạn Hoàng thành trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) đã bị xúc bỏ năm 2010 /// Ảnh: Ngữ Thiên

Không có bản đồ quy hoạch khảo cổ, một đoạn Hoàng thành trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) đã bị xúc bỏ năm 2010ẢNH: NGỮ THIÊN

Trong khi dư luận đang quan tâm tới nghi vấn “thi công bãi giữ xe ủi bay mộ thứ phi vua Tự Đức”, theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, các tỉnh nên rà soát và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ ngay để bảo tồn di sản.
Sự nghiêm ngặt của người Nhật

Ông Tôn Thất Hộ và Tôn Thất Giáp (con cháu Nguyễn Phước tộc) đã từng phản ánh về khu vực thi công bãi đỗ xe lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh rằng, ở đây nghi có khu mộ của một bà phi vua Tự Đức, hiệu Mỹ Phi. Ông Giáp còn cho biết, một số con cháu trước đây có đến chạp mộ, thắp hương, xác nhận ở đây có mộ. Cũng tại khu vực này, một tấm bia đã được tìm thấy hôm 24.6 vừa qua. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, căn cứ chữ Hán ghi trên bia mộ, nội dung của bia tạm dịch như sau: “Đây là mộ của bà Tài nhân thuộc hàng Cửu Giai của triều trước, họ Lê Thị, thụy là Thục Thuận”.
 

Về vụ việc này, TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội TP.Đà Nẵng, đưa ra vấn đề lớn hơn. Đó là việc tỉnh Thừa Thiên-Huế rất cần một ban nghiên cứu di sản văn hoá. “Ban này có trách nhiệm tiến hành việc thăm dò, khai quật khảo cổ học, lập bản đồ di tích và công bố định kỳ để tư vấn cho chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch, định hướng phát triển đô thị. Các nhà đầu tư cũng tham khảo bản đồ trước khi quyết định đầu tư xây dựng tại Huế”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, ở Nhật Bản, việc tham khảo các bản đồ di tích, bản đồ khảo cổ học (KCH) trước khi ra quyết định quy hoạch hay đầu tư xây dựng là một điều bắt buộc. Năm 1950, chính phủ Nhật Bản ban hành đạo luật Văn hoá tài bảo hộ pháp. Theo đó, các nhà KCH trên toàn Nhật Bản tiến hành thăm dò, khai quật tất cả các di tích, di chỉ KCH trước khi trả lại mặt bằng cho công trường xây dựng. Tài liệu khai quật, điều tra này được ấn hành hằng năm, rất cần thiết với nhà thầu xây dựng vì chính họ phải bỏ tiền chi phí cho các cuộc khai quật nếu trong công trình mà họ thắng thầu có tiềm ẩn những di tích lịch sử.
Cũng theo TS Sơn, chính phủ Nhật còn quy định rõ hơn về nguồn tiền cho khai quật KCH ở các công trường đang thi công. Chẳng hạn, Bộ Kiến thiết Nhật Bản trả tiền khai quật cho các công trình giao thông bộ và thuỷ lợi. Tổng công ty đường sắt Nhật Bản chi cho các công trường làm đường xe lửa và tàu siêu tốc Shinkansen Monbusho. Chính quyền các địa phương chi trả cho các công trình làm trường học cấp địa phương, còn trường tư thì do tư nhân đảm nhiệm. Trong trường hợp công trường mở ra mới phát hiện di tích nguồn tiền sẽ huy động khoảng 50% từ chính quyền, 25% từ đóng góp của các nhà hảo tâm, phần còn lại là do công ty thắng thầu xây dựng công trình đó đảm nhận. “Công việc xây dựng chỉ được tiếp tục một khi việc khai quật hay tôn tạo di tích đã hoàn chỉnh. Ðó là điều được pháp luật quy định và được người Nhật tuân thủ triệt để. Nếu đơn vị xây dựng nào phát hiện di tích trên công trường của mình mà cố tình “vùi dập” di tích nhằm “trốn” các khoản chi cho việc khai quật, khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền, bị phong tỏa tín dụng trong ngân hàng và bị rút giấy phép hành nghề”, ông Sơn nói.
Không quy hoạch, hoặc quy hoạch xong thì… cất kho
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, trong khi các nước thực hiện bản đồ quy hoạch khảo cổ rất nghiêm thì tại VN, công việc này chưa ra đâu vào đâu. Chính vì thế, nhiều công trình xây dựng khi đã phá hỏng di sản và sau đó bị đình trệ tiến trình thi công. Chẳng hạn, năm 2010, một đoạn Hoàng thành thời Lê đã bị đơn vị làm đường xúc đổ bỏ. Trong khi đó, nếu có bản đồ quy hoạch khảo cổ, người ta chắc chắn phải lưu ý khu vực này nhiều khả năng là Hoàng thành dựa trên bản đồ Hồng Đức.
Cũng theo ông Tín, Viện KCH từng thực hiện một bản đồ quy hoạch khảo cổ cho UBND TP.Hà Nội từ khi chưa sáp nhập với Hà Tây. “Nó thuộc một đề tài đã nghiệm thu. Bản đồ làm trong phạm vi Hà Nội cũ nên nếu giờ muốn dùng phải nghiên cứu bổ sung nhiều”, ông Tín nói. Tuy nhiên, bản đồ này, theo ông Tín, không hiểu sao bị cất không dùng nên mới xảy ra vụ Hoàng thành trên.
Ông Trần Huy Ánh, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc Hà Nội, lại nhắc tới việc khu vực đàn Xã Tắc (Hà Nội) cũng không được thám sát trước khi làm đường. Vì vậy, khi “dính” di tích, việc làm đường đã bị đình trệ. “Chúng ta cần bản đồ quy hoạch khảo cổ để rõ các vùng hạn chế can thiệp khi quy hoạch. Vì chưa có nên chúng ta rất bị động”, ông Ánh nói. Hiện tại, theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, TP vẫn đang làm bản đồ quy hoạch đó dù rất khó khăn.


Mất di sản vì thiếu bản đồ quy hoạch khảo cổ - ảnh 1
Bản đồ không nói đó là vùng bất khả xâm phạm mà để cảnh báo khả năng có di sản. Vì thế, không sợ nhân danh bảo tồn mà cản trở phát triển. Khi làm luật, chúng tôi giữ tinh thần phục vụ phát triển nhưng hài hoà không để mất di tích của cha ông

Mất di sản vì thiếu bản đồ quy hoạch khảo cổ - ảnh 2

PGS-TS Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch Hội Di sản)


TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết TP đã có bản đồ các di tích khảo cổ dưới lòng đất, tuy chủ yếu là tiền sơ sử. TP cũng vừa làm một nghiên cứu để chỉ ra các vùng có dấu tích KCH đô thị như nhà máy, công sở, công trình nghiên cứu cổ. “Việc làm bản đồ quy hoạch khảo cổ phải kết hợp với ngành khảo cổ và ngành kiến trúc đô thị. Quy hoạch sẽ biết TP sẽ thay đổi hiện trạng ở khu nào. Kiến trúc biết những công trình trên mặt đất ở khu vực nào giá trị khu vực nào không. Còn khảo cổ biết các di tích dưới mặt đất. Phải phối hợp cả ba như vậy mới làm ra được một bản đồ khảo cổ bao gồm cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất và quy hoạch là phải phối hợp thông tin cả ba”, bà Hậu nói.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng luật Di sản đã nói rõ về việc cần phải có bản đồ quy hoạch khảo cổ. Vì thế, theo ông, các địa phương phải nhanh chóng thực hiện. “Bản đồ không nói đó là vùng bất khả xâm phạm mà để cảnh báo khả năng có di sản. Vì thế, không sợ nhân danh bảo tồn mà cản trở phát triển. Khi làm luật, chúng tôi giữ tinh thần phục vụ phát triển nhưng hài hoà không để mất di tích của cha ông. Vì thế, các địa phương nên khẩn trương nghiên cứu rồi cắm mốc giới, thông báo để các đơn vị biết”, ông Bài nói.

 

Trinh Nguyễn