Tìm phong cách đọc sách
Những không gian để người đọc tìm thấy sự chia sẻ niềm vui đọc sách, chia sẻ những kiến thức mình quan tâm là điều quan trọng để thúc đẩy việc đọc sách, theo TS Trần Ngọc Hiếu, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tìm phong cách đọc sách
Những không gian để người đọc tìm thấy sự chia sẻ niềm vui đọc sách, chia sẻ những kiến thức mình quan tâm là điều quan trọng để thúc đẩy việc đọc sách, theo TS Trần Ngọc Hiếu, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Liên kết đọc rời rạc
Khi nhà văn bản học Lại Nguyên Ân tới phố sách mới của Hà Nội tại phố 19.12, cảm giác của ông là một không gian rời rạc, thiếu liên kết để người ta có thể tới đó cùng nhau chia sẻ việc đọc sách. Nhưng theo ông, ngay cả thư viện cũng không khá hơn trong việc tạo không gian đọc sách, chẳng hạn, cho thiếu nhi. “Ngày trước, thư viện thực sự là không gian để đọc sách. Bây giờ nó vắng vẻ hơn. Sinh viên cũng chỉ đến khi cần viết. Các phòng đọc sách cho thiếu nhi trong thành phố ít và cũng không thấy trẻ tới đọc mấy”, ông Lại Nguyên Ân nói.
Nhà văn Trương Quý lại cho rằng văn hóa đọc cũng chưa được nhiều gia đình lưu tâm. Có chăng là lưu tâm dưới dạng cứ hội sách đến thì lại đưa con đến mua cho một chồng sách giảm giá. Như thế chưa đủ để có được thói quen đọc. “Chúng ta đang cần các tiện ích, các lớp dạy đọc sách có hiệu quả, hay thói quen bố mẹ chia sẻ các hoạt động đọc thường nhật với con. Hội trại hay hoạt động của câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con giúp các bố mẹ trong việc đó. Các em trong CLB này phần lớn thành công trong việc đọc, việc đi học”, ông Quý nói.
Là người lập ra mô hình CLB đọc sách cho thiếu nhi đầu tiên ở Hà Nội, TS giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh gặp nhiều khó khăn để tạo không gian này. Không coi đây là kinh doanh, triết lý của bà là làm thế nào để lan toả việc đọc trong cộng đồng. Vì thế, các hoạt động của bà được thực hiện với giá thu rất thấp. Các buổi đọc sách nói chung có lệ phí 10.000 đồng.
Đa dạng hơn để người trẻ đỡ cô đơn
Mặc dù vậy, theo TS Trần Ngọc Hiếu, không gian đọc sách cho trẻ vẫn còn được đầu tư nhiều hơn không gian đọc cho thanh thiếu niên. “Chúng ta mới chỉ quan tâm đến các không gian đọc sách cho thiếu nhi thôi. Ở Hà Nội có CLB Đọc sách cùng con hay nhóm Sách ơi mở ra, TP.HCM cũng có nhóm Mở sách. Nhưng khi tham gia các buổi nói chuyện sách, tôi thấy có một bộ phận rất muốn tìm hiểu nhưng lại chưa có không gian dành cho họ. Thứ nhất là bộ phận thanh thiếu niên, thứ hai là người già. Như thế, họ rất cô đơn”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, nhóm độc giả tuổi 20 tương đối đặc biệt vì có nhiều câu hỏi về đời sống và cũng có hứng thú đọc sách tương đối chuyên sâu. Ở Hà Nội thậm chí còn có một CLB triết học do anh Lê Việt Hùng tổ chức. Mỗi tháng họ sẽ thảo luận một chủ đề hoặc xung quanh một cuốn sách nào đó. Khi họ thích một chủ đề hoặc cuốn sách nào đó, họ tạo một nhóm trên Facebook, sau đó họp ở quán. Một nhóm khác là Hanoi Philosophy forum cũng có thói quen cùng nhau đọc sách. Họ có thể cùng đọc một chương sách triết học, sau đó cùng thảo luận. “Chính tôi cũng ngạc nhiên vì nghĩ có mấy người quan tâm đến triết học đâu nên nó có thể chết yểu. Nhưng cuối cùng vì nhóm ít người nên họ lại liên kết với nhau rất chặt chẽ”, ông Hiếu nói.
Cũng có một loại không gian thúc đẩy đọc sách khác là nói chuyện sách. Các không gian kiểu này thường được thiết kế khá phong cách, chẳng hạn như Tổ chim xanh hay Manzi ở Hà Nội. “Cách này rất thích hợp với các bạn trẻ. Họ thấy sách vui, đọc sách có những chủ điểm thú vị, gặp những con người thú vị. Có thể tạm gọi là hướng Đọc sách thật phong cách. Các nhân vật nói chuyện cần thu hút một chút. Chẳng hạn, TS Đặng Hoàng Giang khi nói chuyện sách rất hay được chú ý”, ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, còn một mô hình không gian đọc kiểu thư viện cá nhân. Mỗi cá nhân đến đó chỉ cần mua sách rồi đọc cả ngày. Ở Hà Nội hiện có không gian Hộp của Lê Tuấn Phi. “Nhiều bạn đọc sách thích đến quán đó. Chủ quán muốn có không gian cả ngày ở đó nằm dài đọc sách”, ông Hiếu nói.
Hiện tại, theo ông Hiếu, để các không gian đọc này tốt hơn, rất cần những diễn giả có thể nói về sách hay. Chẳng hạn, tại TP.HCM khi nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn hay nhà văn Nhật Chiêu nói chuyện sách, cảm hứng họ truyền rất rõ nét. “Chúng ta đang thiếu những người có thể nói hay, giới thiệu hay về sách”, ông Hiếu nói.
|
Trinh Nguyễn