Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 3: Gian nan chấm thi
“Trong thi tuyển sinh, bài thi chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm đã quyết định việc đậu – rớt của thí sinh. Nên việc chấm thi phải thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất…” – TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ.
Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 3: Gian nan chấm thi
“Trong thi tuyển sinh, bài thi chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm đã quyết định việc đậu – rớt của thí sinh. Nên việc chấm thi phải thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất…” – TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ.
Cán bộ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chấm thi môn tiếng Anh bằng máy chấm trắc nghiệm, tại một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Và những câu chuyện gian nan về chấm thi trắc nghiệm cũng bắt đầu từ đó.
“Phần mềm cho phép in lại phiếu trả lời trắc nghiệm đã quét, để kiểm dò lại so với bản gốc. Chúng tôi phải dò cẩn thận từng câu trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Vì chấm trắc nghiệm thực hiện trên máy, nhưng để tránh việc chủ quan, tổ trưởng tổ chấm thi liên tục nhắc cán bộ phải hết sức cẩn thận” |
Kiểm dò kỹ từng phiếu trả lời
Khác với thi tự luận, tất cả bài thi trắc nghiệm đều được chấm bằng máy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác của việc chấm thi thì vai trò của con người cũng không kém phần quan trọng.
Những người từng tham gia chấm thi trắc nghiệm đều cho rằng đây là công việc cực kỳ căng thẳng. Thứ nhất, tuỳ số lượng bài thi sẽ bố trí số lượng nhân sự tham gia tổ chấm thi phù hợp. Thứ hai, mỗi máy quét bài thi để chấm phải có hai người kiểm soát lẫn nhau. Thứ ba, trong phòng chấm luôn có cán bộ an ninh giám sát. Thứ tư, khu chấm thi cũng được cách ly cẩn thận. Và thứ năm, những người vào khu vực chấm thi không được mang theo bất cứ vật dụng gì.
Trước khi chấm, các cán bộ cắt túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm (bài thi của thí sinh) và đếm số lượng phiếu trả lời, kiểm dò kỹ từng phiếu trả lời của thí sinh.
Cô Trương Mỹ Phượng – chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), người có hơn 10 năm tham gia chấm thi trắc nghiệm – cho biết: “Việc kiểm dò phiếu trả lời trắc nghiệm là khâu rất quan trọng. Nếu làm không kỹ sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Quy trình chấm đã được Bộ GD-ĐT quy định chi tiết rồi, nhưng nếu không thực hiện nghiêm ngặt vẫn có thể xảy ra sai sót”.
Cô Phượng cũng nêu ví dụ: khi kiểm dò phiếu trả lời, nếu phát hiện những câu tô từ hai đáp án trở lên thì phải kiểm tra lại, chọn phần tô đậm nhất. Trường hợp không thống nhất được giữa các cán bộ chấm thi, phải mời tổ trưởng và thanh tra chấm thi đến hội ý quyết định.
Cũng theo cô Phượng, trước khi chấm, những người phụ trách quét phiếu trả lời trắc nghiệm phải kiểm tra máy quét, vỗ giấy, sắp xếp phiếu lại cho ngay thẳng rồi mới đưa vô máy quét.
“Nếu làm không cẩn thận sẽ bị lệch giấy, dẫn đến hình ảnh quét không chính xác. Vừa quét vừa nhập dữ liệu lên máy tính số lượng bài thi, kiểm tra chéo… Vì vậy, theo quy định một máy quét phải có hai người cùng làm. Có những bài thi thí sinh tô mờ, dễ dẫn đến việc máy quét không nhận diện được, nên cần phải điều chỉnh máy để tránh việc chấm sai đáp án của thí sinh” – cô Phượng chia sẻ thêm.
Có trường hợp thí sinh thay đổi đáp án, tô thêm một đáp án khác, và máy quét chụp đến hai đáp án. Những câu này máy đánh dấu không chấm. Trong trường hợp này, cán bộ chấm thi phải lấy bài thi ra kiểm tra, nếu thực sự thí sinh chỉ tô một đáp án thì phải điều chỉnh và lập biên bản ghi nhận lại. Chương trình máy tính cũng ghi nhận lại việc điều chỉnh này, rất cụ thể, như cán bộ chấm thi đã tác động vào vị trí nào (sửa mã đề, số báo danh, phần trả lời…).
Phải chấm lại toàn bộ bài thi
Năm ngoái, tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM đã có hai máy chấm thi trắc nghiệm (máy scan), nhưng vì số lượng thí sinh quá đông nên trường phải mua thêm máy mới. Sau khi quét xong hơn 30.000 bài thi, tổ chấm kiểm dò lại và phát hiện có thí sinh tô phần trả lời vào câu A nhưng máy quét không phát hiện được, máy báo thí sinh không tô câu đó.
“Thông thường, những tờ giấy có bấm lỗ bên lề trái, khi quét phần lỗ đó sẽ hiển thị màu đen. Tuy nhiên, máy quét mới lại có chức năng tự động xóa lỗ đó. Vì vậy, với những câu được tô đáp án A, máy quét nhận diện tưởng là lỗ bấm nên xóa luôn phần tô đó. Bộ phận kỹ thuật phải cài đặt lại phần mềm của máy và quét lại toàn bộ hơn 30.000 bài thi” – một cán bộ ban chấm thi của trường này cho biết.
Cũng trong năm 2016, một trường ĐH công lập – đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh ở ĐBSCL – công bố kết quả thi THPT quốc gia của cụm thi này. Lập tức nhiều thí sinh tỏ ra bất ngờ với điểm thi môn tiếng Anh. Các bạn ngạc nhiên vì điểm tiếng Anh của mình cao hơn thực tế bài làm. Một số giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn tương tự.
“Có thí sinh làm sai 16 câu, phần bài luận chưa hoàn chỉnh, nhưng không hiểu sao được báo 8,8 điểm. Không biết có gì bất thường không?” – một giáo viên phản ảnh với Tuổi Trẻ.
Theo lãnh đạo trường, trường này hợp đồng với một trung tâm khảo thí lớn ở TP.HCM để chấm bài thi môn tiếng Anh. Nhà trường nhận kết quả từ đơn vị chấm, còn trường chỉ ráp điểm và công bố.
“Sau khi có phản ảnh từ thí sinh về kết quả môn tiếng Anh, nhà trường đã liên hệ ngay với đơn vị chấm để rà soát lại, và được biết có xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình chấm. Chúng tôi đã gửi tin nhắn đến hơn 1.000 thí sinh để thông báo việc này, đồng thời nhà trường cũng xin lỗi thí sinh về sự cố đáng tiếc trên” – một lãnh đạo trường này kể lại.
Cùng thời điểm đó, sự cố tương tự cũng đã xảy ra ở Trường ĐH T và trường này cũng phải xử lý lại kết quả chấm thi môn tiếng Anh.
Chấm bằng tay vì…máy quá đắt Những năm trước, khi bắt đầu xuất hiện tại kỳ thi THPT quốc gia, trắc nghiệm không chỉ mới mẻ với thí sinh, mà còn mang đến nhiều điều lạ lẫm cho các trường ĐH. Đặc biệt, tại nhiều trường – như ĐH Ngoại thương – mặc dù thi trắc nghiệm nhưng ở khâu chấm thi vẫn chỉ chấm… bằng tay. Lý do: máy chấm trắc nghiệm khi ấy được “chào hàng” với giá 300-400 triệu đồng. Quá đắt! PGS.TS Bùi Ngọc Sơn – nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương – chia sẻ: khi đó, nhà trường đủ khả năng đầu tư mua máy, nhưng bàn đi tính lại thì trường quyết định bỏ tiền ra thuê chấm thi, chứ không mua máy. Nhiều năm sau đó, việc chấm bài thi trắc nghiệm trong tuyển sinh, trường vẫn đều đặn ký gửi ở Cục Khảo thí. |
- TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ