Giám sát tối cao vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Hôm qua 21.6, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 3 sau hơn 1 tháng làm việc. Nhiều nội dung quan trọng như xử lý nợ xấu, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp… đã được thông qua.
Giám sát tối cao vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Hôm qua 21.6, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 3 sau hơn 1 tháng làm việc. Nhiều nội dung quan trọng như xử lý nợ xấu, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp… đã được thông qua.
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, QH chỉ cho phép các ngân hàng áp dụng Nghị quyết xử lý nợ xấu phát sinh trước thời điểm 15.8.2017. Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Ngoài ra, các ngân hàng được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, được quyền chủ động hơn trong thanh lý, bán tài sản của con nợ.
QH cũng thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa DN nhà nước, giai đoạn 2011 – 2016. Đây là chuyên đề duy nhất được chọn cho giám sát tối cao của QH năm sau. Đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban Thường vụ QH tại phiên họp tháng 4.2018, trình báo cáo kết quả giám sát để QH tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5 vào giữa năm 2018.
Chấm dứt dùng chất cấm trong chăn nuôi
Trong sáng 21.6, QH cũng thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết nêu thực trạng tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến như: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; nhập lậu thực phẩm vẫn diễn ra… “Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các DN, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng”, nghị quyết nêu.
QH giao Chính phủ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Đặc biệt, phải phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn. Có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Với 93% đại biểu tán thành, QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3. QH giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, nghị quyết yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người VN phát triển toàn diện. Ngành văn hóa cần khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bộ quản lý chuyên ngành phải thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ… Nghị quyết của QH yêu cầu ngành y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đồng thời phải nâng cao thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh…
QH cũng quyết nghị việc ngành kế hoạch – đầu tư phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng đơn giản hoá các thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đầu tư công. Trong năm 2017, Bộ KH-ĐT phải ban hành các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; cải cách thủ tục hành chính, xoá bỏ tiêu cực trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Đính chính luật Cảnh vệ trước khi bấm nút thông qua
Chiều 21.6, Văn phòng QH tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, QH khóa 14. Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi về thông tin Uỷ ban Quốc phòng – An ninh (gọi tắt là uỷ ban) của QH đã gửi văn bản tới các đại biểu QH (ĐBQH) “xin phép” đính chính lại khoản 2, điều 21 của luật Cảnh vệ (vừa được QH thông qua ngày 20.6 với 92,67% ĐB tán thành).
Cụ thể, trong hồ sơ dự án luật Cảnh vệ trình QH thông qua, nội dung tại khoản 2, điều 21 về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ như sau: “Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả”. Thực hiện ý kiến của lãnh đạo QH, Thường trực ủy ban xin phép các ĐBQH cho thay cụm từ “gây thương tích cho đối tượng” của dự thảo luật Cảnh vệ bằng cụm từ “nổ súng vào đối tượng” trước khi trình QH xem xét, thông qua.
Thông tin trên báo chí cho rằng, thực tế là QH đã thông qua điều khoản trên khi chưa đính chính. Nếu thông tin này là đúng thì việc “xin phép đính chính” vào luật đã thông qua sẽ xử lý ra sao?
Về ý kiến này, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định công văn đính chính này của ủy ban đã gửi trước rồi chứ không phải sau khi QH thông qua luật.
Giải thích thêm, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó tổng thư ký QH, cho hay liên quan đến luật Cảnh vệ, trong hồ sơ gửi ĐBQH nghiên cứu trước khi Chủ nhiệm uỷ ban đọc báo cáo giải trình, tiếp thu trước QH và ĐBQH biểu quyết thông qua đã có kèm văn bản đính chính nội dung trên. “Công văn đính chính đã kẹp vào hồ sơ trước khi ĐBQH bấm nút thông qua. ĐBQH đã có đầy đủ thông tin trước khi bấm nút, đây là một việc sơ suất trong quá trình hoàn thiện. Nhưng vì việc này diễn ra trước khi thông qua nên hoàn toàn có thể chấp nhận được”, ông Tùng nói.
|
Đại biểu tranh luận thẳng thắn, sôi nổi hơn
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết QH đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3 với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các đại biểu đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từ QH tham luận sang QH tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể, chất lượng phát biểu cũng được nâng cao.
|
Anh Vũ