29/11/2024

Bác sĩ lạm dụng kháng sinh

Khảo sát tại nhà thuốc bệnh viện cho thấy phần lớn các đơn thuốc được kê theo kiểu bao vây, với 2-3 loại kháng sinh/đơn…

 

Bác sĩ lạm dụng kháng sinh

Khảo sát tại nhà thuốc bệnh viện cho thấy phần lớn các đơn thuốc được kê theo kiểu bao vây, với 2-3 loại kháng sinh/đơn…

 

 

 

Bác sĩ lạm dụng kháng sinh
Kết hợp kiểm soát kê đơn của bác sĩ và bán thuốc theo toa sẽ giúp giảm bớt tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam – Ảnh: CHÂU ANH

Anh N.T.V., 37 tuổi, cho hay gần đây anh bị té. Khi vào bệnh viện cấp cứu, anh đã được kê đơn thuốc tới gần 10 loại thuốc, trong đó có cả thuốc bổ kích thích ăn uống cho trẻ em và hai loại kháng sinh thuộc hai nhóm khác nhau.

VN dùng nhiều kháng sinh hơn TQ

Nghiên cứu trong vòng 10 năm gần đây tại Việt Nam về kháng kháng sinh (tổng hợp số liệu từ 15 bệnh viện Việt Nam, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chủ trì), mức độ tiêu thụ kháng sinh trên 100 ngày/giường bệnh ở 15 bệnh viện này là cao hơn gần 5 lần so với chỉ số tương tự tại Hà Lan.

So với báo cáo từ 139 bệnh viện ở 30 nước châu Âu thì lượng kháng sinh sử dụng trên 100 ngày/giường ở Việt Nam cao hơn xấp xỉ 6 lần.

 

Ở lĩnh vực nhi khoa, báo cáo này chỉ ra rằng Việt Nam còn dùng nhiều kháng sinh hơn so với Trung Quốc.

Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, không chỉ người dân nhận thức về vấn đề kháng sinh, kháng thuốc không đúng mà ngay cả các y, bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh, thể hiện qua việc kê toa. Kết quả một điều tra của WHO gần đây cho thấy không ít đơn thuốc được kê trên hai loại kháng sinh.

Bác sĩ lạm dụng kháng sinh
Một đơn thuốc có tới gần 10 loại thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh – Ảnh: NNCC

Mua kháng sinh dễ hơn mua rau

Một khảo sát gần đây được Bộ Y tế công bố cho thấy có đến 88-91% kháng sinh được mua không cần đơn thuốc của bác sĩ. Tại phiên chất vấn tuần qua với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc người Việt mua kháng sinh quá dễ, dễ hơn mua rau là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn. Tình trạng này kéo dài, mỗi năm nhắc lại nhưng vẫn bế tắc không được giải quyết.

Theo các sở y tế về tình hình sử dụng thuốc năm 2016 vừa qua, thuốc kháng sinh thường chiếm 30-35% tổng tiền thuốc sử dụng. Đây là chỉ số được các chuyên gia đánh giá là cao, bởi khoảng 60-65% tổng tiền thuốc còn lại là chi phí cho hàng chục nhóm thuốc chống dị ứng, nội tiết, tim mạch, ung thư… đều là thuốc đắt tiền.

Trong một công bố gần đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay tại khu vực nông thôn có đến 91% thuốc kháng sinh bán ra không cần đơn, ở khu vực thành thị tỉ lệ này là 88%.

Một thanh tra dược của Sở Y tế Hà Nội cho biết quy định hiện hành là nhà thuốc bán kháng sinh phải lưu đơn bác sĩ hoặc ghi chép sổ sách. “Nhưng nếu phát hiện nhà thuốc bán kháng sinh không lưu đơn thì chỉ phạt có 350.000 đồng – mức phạt quá thấp”- vị thanh tra này cho biết.

Nhiều bác sĩ vội vàng kê kháng sinh

Các nghiên cứu cho thấy một số bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh cho các bệnh cảm thông thường và các bệnh do siêu vi khuẩn nhiều hơn các bác sĩ khác.

Trong một nghiên cứu tại Ontario, Canada về việc điều trị các bệnh hô hấp cấp, kết quả khảo sát trên 185.014 người cho thấy có đến gần phân nửa người bệnh được kê toa thuốc kháng sinh với cảm lạnh thông thường, nhiều loại không được khuyến cáo là loại kháng khuẩn đầu tiên cho bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào. Đa số các đơn thuốc có chỉ định kháng sinh là của các bác sĩ khám nhiều người bệnh trong ngày.

Phải chăng các bác sĩ lạm dụng thuốc kháng sinh đã quá vội vàng, quá lo lắng hoặc quá hăng hái để làm hài lòng bệnh nhân của họ? Sự thay đổi hành vi của các bác sĩ này sẽ chỉ xảy ra khi họ thấu hiểu về các nguy cơ mà lạm dụng kháng sinh gây hại cho 
người bệnh.

Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ (Annals of Internal Medicine)

Kháng sinh là nhóm gây nhiều phản ứng có hại nhất

Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc, năm 2016 có gần 9.400 báo cáo về khoảng 11.200 thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại cho người dùng.

Trong số này, kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc điều trị lao bị nghi ngờ liên quan nhiều phản ứng có hại nhất.

Đặc biệt trong số này là kháng sinh Cefotaxim với 12,2% báo cáo nghi ngờ có liên quan tới tai biến của người bệnh.

LAN ANH