Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng lao động trẻ em
Thiên tai và biến đổi khí hậu tại VN đang có chiều hướng phức tạp và khó lường, nếu không có giải pháp có thể sẽ ảnh hưởng tới trẻ em và tăng nguy cơ dẫn đến lao động trẻ em.
Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng lao động trẻ em
Thiên tai và biến đổi khí hậu tại VN đang có chiều hướng phức tạp và khó lường, nếu không có giải pháp có thể sẽ ảnh hưởng tới trẻ em và tăng nguy cơ dẫn đến lao động trẻ em.
Đây là cảnh báo của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo “Vận động chính sách, giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu” do Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13.6, tại Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN
Những hình ảnh buồn về lao động trẻ em khắp thế giới
(TNO) Toàn thế giới hiện có 168 triệu lao động trẻ em, trong đó khoảng 120 triệu trẻ từ 5 – 14 tuổi, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhân ngày Quốc tế phòng chống lao động trẻ em năm 2015.
Thiên tai khiến trẻ em rơi vào nguy cơ bị xâm hại
Theo ông Dương Văn Hùng, chuyên gia của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), trong những năm gần đây VN là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm phải hứng chịu từ 5 – 7 cơn bão.
“Thiên tai làm chết và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong đó có trẻ em, gây ra thiệt hại về kinh tế dẫn đến sản xuất bị đình trệ, sức khoẻ cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm tăng trưởng quốc gia”, ông Hùng nói.
Còn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết VN là 1 trong 5 “ổ bão” của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các loại thiên tai.
Ông Đàm nhìn nhận: “Trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thiên tai gây ra tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khoẻ và tâm lý của trẻ. Những khó khăn về kinh tế của gia đình có nguy cơ buộc trẻ phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua thách thức trong cuộc sống”.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại VN, cho biết: “Tác động của thiên tai khiến trẻ em rơi vào nguy cơ bị xâm hại, bóc lột lao động, thường là những hình thức lao động tồi tệ nhất. Khi thảm hoạ ập đến, với những cộng đồng vốn đã nghèo và thiệt thòi, vấn đề lao động trẻ em càng có khả năng tăng lên”.
Việc đánh giá tác động của thiên tai lên trẻ em và gia đình không hề đơn giản. Tiến sĩ Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO VN, cho rằng cần nhận thức và đánh giá nguy cơ lao động trẻ em khi đối mặt với thảm hoạ tự nhiên. Do thông tin còn hạn chế nên việc xây dựng dữ liệu và triển khai công tác ngăn ngừa, can thiệp sau thiên tai trở nên khó khăn hơn. “Lao động trẻ em gây hại tới sức khoẻ, giáo dục và phát triển của trẻ, có thể huỷ hoại đến thể chất và tinh thần các em suốt đời. Việc loại bỏ lao động trẻ em sẽ đóng góp vào triển vọng lâu dài của phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai tươi sáng của tất cả thanh thiếu niên VN”, ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN
Xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp
Tình trạng trẻ bị bóc lột, bạo lực và nhất là xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp hơn. Độ tuổi trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng thấp hơn, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Cần có biện pháp bảo vệ trẻ trong tình huống khẩn cấp
Theo các chuyên gia, con người không thể kiểm soát được tự nhiên nhưng với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan, VN sẽ giảm thiểu được những tác động của thiên nhiên đến con người, đặc biệt là trẻ em. Ông Nguyễn Văn Hải, Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống thiên tai, chia sẻ: “Trước đây chúng ta chỉ tập trung ứng phó, bây giờ chúng ta phải thực hiện phòng ngừa, tăng cường nhận thức cho cộng đồng về tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến trẻ. Bên cạnh chiến lược giảm nhẹ thiên tai, cần phải có yêu cầu bắt buộc các kỹ năng và đào tạo kỹ năng ứng phó trong thiên tai cho trẻ trong các trường học”.
Ông Jesper Moller khuyến nghị: “Bộ LĐ-TB-XH đưa ra chiến lược phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường khung luật pháp chính sách bảo vệ trẻ em, chú ý đến vấn đề bảo vệ trẻ trong tình huống khẩn cấp”.
“Bộ LĐ-TB-XH đang cố gắng thu thập cơ sở dữ liệu từ hộ gia đình. Trong đó có những đối tượng trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng cần phải thống kê, theo dõi, đưa ra bằng chứng, nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em. Dự kiến, năm 2018 VN sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy và cập nhật hơn, có các chỉ số liên quan đến thiên tai và trẻ để chúng ta có cơ sở hoạch định chính sách trong thời gian tới”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nói.
TIN LIÊN QUAN
2 tỉ trẻ em phải hít thở không khí độc hại hàng ngày
Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy khoảng 2 tỉ trẻ em trên thế giới đang buộc phải hít thở, sinh sống trong bầu không khí ô nhiễm, độc hại hàng ngày.
Theo báo cáo của ILO, mỗi năm có gần 70 triệu trẻ em trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên tai, trong đó đáng kể là trẻ em tham gia lao động sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai. Từ năm 2000 đến nay, trên thế giới có khoảng 2,3 tỉ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó 50 – 60% là trẻ em.
|
Thu Hằng