Ông Phó Đức Phương công bố giá thu phí tác quyền cả ở bãi đỗ xe
Bảng giá tác quyền mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) đưa ra trên trang web của mình có biểu giá dành cho cả… bãi đỗ xe.
Ông Phó Đức Phương công bố giá thu phí tác quyền cả ở bãi đỗ xe
Bảng giá tác quyền mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) đưa ra trên trang web của mình có biểu giá dành cho cả… bãi đỗ xe.
Theo bảng giá mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) đưa ra trên trang web của mình hiện nay, có mục 3 dành cho khách sạn, khu nghỉ mát, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.
Trong đó, mục 3.5 có ghi: “Tại khu vực sảnh, lễ tân, hàng lang, văn phòng, cửa hàng – khu mua sắm, CLB thể dục, chăm sóc sức khoẻ – thẩm mỹ, bãi đỗ xe… có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình”. Biểu giá đi kèm cho mục này cho thấy các khu vực tại mục 3.5 sẽ tính theo m2 diện tích sàn. Diện tích từ 1-200 m2 có mức thu nhuận bút 1 triệu đồng/năm. Mỗi m2 tăng thêm sẽ tính 4000 đồng/năm.
Bảng giá này của VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc còn cho thấy nhiều đối tượng phải trả tiền tác quyền khác như: phòng hội thảo hội nghị có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm ghi hình; CLB, Trung tâm thẩm mỹ, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm ghi hình…
Tuy nhiên, theo một số luật sư, vấn đề lưu ý khi thu tác quyền của ông Phương là ông cần phải chứng minh được mình đang là người được uỷ quyền đó bằng cách trình uỷ quyền.
TIN LIÊN QUAN
Yêu cầu dừng thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca
(TNO) Chiều nay 25.8, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã ban hành công văn số 3498/BVHTTDL – TTr về việc dừng thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
Về điều này, ông Phương cho rằng, với lượng hợp đồng VCPMC đang nắm giữ quá lớn nên không thể mỗi lần đi thu phí tại một địa điểm lại mang xe tải chở đi mà đối chứng được. Ông cho rằng, các cơ sở kinh doanh, chẳng hạn quán cà phê, có thể tự giác cung cấp các tác phẩm âm nhạc đã sử dụng. Sau đó, VCPMC sẽ về đối chứng với các hợp đồng của các tác giả đã ký với VCPCM để thu phí.
“Chúng tôi chỉ thu phí với các tác giả đã uỷ quyền với VCPMC”, ông Phương nói.
Về điều này, luật sư Trần Thị Tám, Công ty IPCom cho rằng: “Về bản chất, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự giữa chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan với người có nhu cầu sử dụng tác phẩm. VCPMC đang thực hiện các hoạt động trên phạm vi được uỷ quyền của chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan, không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Khi yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền, các đơn vị được yêu cầu có quyền đòi hỏi giấy bản quyền đó. Nếu nói nhiều quá mà phải mang xe tải chở giấy uỷ quyền là chưa thỏa đáng, chắc chắn VCPMC có thể thống kê được khách hàng của mình, do vậy mà cung cấp danh sách các đơn vị ủy quyền là hoàn toàn có thể”.
Một cựu lãnh đạo Cục Bản quyền, Bộ VH-TT-DL cho biết, chỗ ông Phương không đại diện cho tất cả tác giả. Ở Đức, quy định hẳn trong luật là tiền tác quyền này sẽ thu qua Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Tức là dù uỷ quyền hay không thì vẫn thu, rồi người ta phân phối. Nếu không phân phối được thì tiền không phân phối đó sẽ bổ sung vào công quỹ. “Nhưng đó ở là Đức, luật quy định như vậy, còn ở Việt Nam, không có điều luật như thế”, vị này nói.
Ngữ Yên