Phòng chống tội phạm từ vỉa hè, tại sao không?
PGS.TS Trần Văn Khải (Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) vừa gởi đến Tuổi Trẻ ý kiến về việc tổ chức tốt sinh hoạt trên vỉa hè sẽ góp phần phòng chống tội phạm, đảm bảo đời sống xã hội bình an.
Phòng chống tội phạm từ vỉa hè, tại sao không?
PGS.TS Trần Văn Khải (Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) vừa gởi đến Tuổi Trẻ ý kiến về việc tổ chức tốt sinh hoạt trên vỉa hè sẽ góp phần phòng chống tội phạm, đảm bảo đời sống xã hội bình an.
Vỉa hè đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) được kẻ vạch, tổ chức theo hướng tạo thuận lợi cho người kinh doanh và người đi bộ – Ảnh: Hoài Linh |
“Việc tổ chức không gian công cộng hiệu quả chính là tạo điều kiện cho các sinh hoạt công cộng trên vỉa hè một cách trật tự, đồng thời tạo ra ý thức về quyền quản lý không gian của mình và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ khu phố, sẽ tăng cường hiệu quả phòng chống tội phạm trong đô thị.” |
PGS.TS Trần Văn Khải |
Gần đây, lãnh đạo thành phố và công luận đều xem “trật tự vỉa hè” và “tội phạm” hiện nay là vấn đề quan trọng tại TP.HCM. Nhận thấy hai vấn đề này có liên quan với nhau, tôi xin đề xuất cách làm: tổ chức các hoạt động công cộng trên vỉa hè để góp phần phòng chống tội phạm, dựa vào giải pháp “Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường đô thị” (viết tắt là CPTED) đã được áp dụng tại nhiều nước.
Giám sát một cách tự nhiên: “nhìn thấy được” và “được nhìn thấy”
Theo lý thuyết “tội phạm học”, người có ý phạm tội trước khi ra tay đều cân nhắc xem hành vi gây án có thể diễn ra thuận lợi hay không. Nếu họ cảm thấy việc gây án và tuyến đường trốn thoát của họ bị kiểm soát kỹ lưỡng thì sẽ chùn bước.
Do vậy, trước hết cần “giám sát môi trường ở một cách tự nhiên”, bằng cách tạo ra khả năng để mỗi người có thể “nhìn thấy được” và “được nhìn thấy”.
Cụ thể, cần bố trí không gian phố xá, vỉa hè thông thoáng để tối đa hoá khả năng mỗi người có thể nhìn thấy rõ môi trường xung quanh, nhận ra các nguy cơ hay hành vi phạm tội. Còn người được mọi người nhìn thấy sẽ cảm thấy mình được bảo vệ an toàn và do đó mạnh dạn hợp tác với nhau tố giác hay can thiệp khi tội phạm xảy ra. Ngược lại, kẻ có ý định phạm tội khi “bị nhiều người nhìn thấy” lại sẽ chùn tay.
Nên đặt các tiện nghi như nơi dừng chân giải trí, ghế ngồi trên vỉa hè nhưng không choán lối đi, nhằm thu hút người sử dụng, đây chính là nguồn giám sát tội phạm. Đã có nhiều vụ ở thành phố ta, người dân ngồi tại vỉa hè ném ghế cản trở kẻ tội phạm đang chạy trốn.
Cần có nhiều cửa sổ, bancông trên các tầng lầu nhà mặt tiền, hay camera nhìn ra vỉa hè để giám sát các hoạt động, nhận mặt và nhận ra quy luật hoạt động của kẻ tội phạm.
Tại sân trước và sân bên với nhà liền kề, nên sử dụng hàng rào thoáng, nhìn xuyên được để các láng giềng có thể quan hệ, giúp đỡ nhau, nhất là phát hiện được tội phạm phá khoá cửa vào nhà. Nên hạn chế loại hàng rào che khuất tầm nhìn. Cách làm nhà “kín cổng cao tường” dễ khiến chủ nhà rơi vào cảnh bị cô lập và có nguy cơ bị hại cao.
Trong mấy vụ trọng án gần đây, có trường hợp nhà ở bị cô lập nên cả nhà bị sát hại thảm thương, mãi hôm sau dân phố mới biết.
Xác lập quyền quản lý không gian vỉa hè
Thứ hai, cần “phân định rõ ràng quyền quản lý không gian”: thuộc về công cộng của Nhà nước hay tư nhân, người nào (tức pháp định không gian). Việc này giúp người làm chủ khu nhà, đất nâng cao ý thức về quyền lợi hợp pháp trên bất động sản của mình và từ đó tạo ra khả năng để đối phó những kẻ xâm nhập bất hợp pháp.
Các lý thuyết về môi trường ở đã phân biệt rõ ràng bốn loại không gian. “Không gian riêng tư” của chủ sở hữu và “không gian công cộng” là của Nhà nước. Lối đi bộ được bố trí thông suốt trên dải vỉa hè là ở vùng không gian công cộng. Lại có không gian “nửa công cộng” là một phần vỉa hè nằm sát trước cửa nhà phố tuy là sở hữu nhà nước nhưng chủ nhà có quyền cùng kiểm soát khi không cho người khác án ngữ trước cửa nhà mình.
Có không gian “nửa riêng tư” là nơi thuộc quyền sử dụng của chủ nhà như sân trước nhà, khoảng lùi mặt tiền nhưng có thể làm nơi bố trí sinh hoạt công cộng như hàng quán, mà người ngoài phố có thể đi vào sử dụng.
Bên cạnh đó, cần “củng cố quyền quản lý không gian”, bằng cách sử dụng các cảnh quan, kiến trúc, hàng rào, bảng báo hiệu, hướng dẫn lối đi (như quy định lối đi nội bộ) để thể hiện ranh giới không gian rõ ràng, cho thấy là nơi có chủ và “những kẻ tự ý xâm nhập” sẽ bộc lộ ý đồ bất thường, người dân sẽ cảnh giác hay báo cho cảnh sát.
Một cách củng cố quyền quản lý không gian là yêu cầu người sử dụng đều phải có nhân thân rõ ràng do có đăng ký hay hợp đồng thuê chỗ, dù chỉ một buổi. Như vậy kẻ có ý phạm tội cũng rất bất lợi khi bị lộ nhân thân.
Ở nhiều nước châu Âu, việc buôn bán, cà phê trên vỉa hè và chợ trời ở lòng lề đường là thường tình, nhưng có phân lô thậm chí dựng sạp tạm để thu phí, tức là có sự quản lý rõ ràng chứ không phải dọn dẹp xong lại mất trật tự trở lại.
Có một giải pháp thiết kế sử dụng không gian đã được nhiều nước và nước ta áp dụng từ lâu là lùi mặt tiền tầng trệt nhà phố vào một khoảng để tổ chức hàng quán trước cửa nhà một cách trật tự không choán lối đi lại, và không gian này vẫn thuộc về quyền sử dụng bất động sản riêng tư nhưng được quản lý chặt chẽ, hạn chế tội phạm lẩn vào.