Nhiều băng rôn, pa nô, áp phích… viết sai chính tả, câu văn lủng củng, tối nghĩa, buồn cười khiến mỹ quan đô thị rối rắm, nhếch nhác.
Đừng biến băng rôn thành rác đô thị
Nhiều băng rôn, pa nô, áp phích… viết sai chính tả, câu văn lủng củng, tối nghĩa, buồn cười khiến mỹ quan đô thị rối rắm, nhếch nhác.
Không chỉ vào các dịp lễ, kỷ niệm mà ngày thường, băng rôn cũng giăng mắc đầy trên đường phố. Đáng nói là nhiều băng rôn, pa nô, áp phích… viết sai chính tả, câu văn lủng củng, tối nghĩa, buồn cười khiến mỹ quan đô thị rối rắm, nhếch nhác.
Những băng rôn phản cảm
Nhiều địa phương vướng mắc việc quy hoạch cụm quảng cáo cổ động
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hoà cơ sở, Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn cho địa phương làm tuyên truyền thì thấy nhiều địa phương hiện đang vướng mắc việc chưa có quy hoạch cụm quảng cáo cổ động, chỉ rõ nơi nào được treo dán băng rôn, pa nô cổ động, quảng cáo. Trong những trường hợp đó thì họ treo lúc thế này, lúc thế khác, hay cũng là một địa điểm thì lúc được treo lúc không. Hiện tại nhiều địa phương đang nghiên cứu để điều chỉnh bổ sung các cụm quy hoạch quảng cáo, tuyên truyền cổ động. Việc thỉnh thoảng có những băng rôn, pa nô sai chính tả, sai nghĩa cũng vẫn xảy ra. Những việc đó đều do địa phương cấp phép, quản lý và triển khai thực hiện. Khi phát hiện, chúng tôi đều yêu cầu họ điều chỉnh ngay. Những vi phạm đó thường thì chỉ nhắc nhở hành chính thôi chứ cũng chưa đến mức phạt tiền. Nhắc nhở họ cũng chấp hành ngay”
Người dân đi qua tuyến đường Hàm Nghi và Nguyễn Hoàng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) hồi cuối tháng 3 vừa rồi được một phen trố mắt ngạc nhiên. Hơn 20 pa nô kích cỡ lớn với nội dung: “Đảng bộ và nhân dân quận Nam Từ Niêm đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết tâm xây dựng quận trở thành đô thị xanh – sạch – văn minh – hiện đại” đã phô ra lỗi chính tả khi viết tên quận. Thay vì Nam Từ Liêm, pa nô ghi thành Nam Từ Niêm. Đại diện UBND Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết lỗi này do đơn vị in ấn và quảng cáo.
Những băng rôn, pa nô, áp phích “rác” như vậy thỉnh thoảng lại xuất hiện, trở thành câu chuyện tiếu lâm trên cả nước. H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từng “nổi tiếng” với pa nô tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch trình bày xuống dòng không thích hợp gây hiểu lầm: “Gia đình có hai con vợ (xuống dòng) chồng hạnh phúc”. Cũng tại huyện này, tấm biển tuyên truyền an toàn giao thông lại ghi: “Đoạn đường thường sẩy ra tai nạn giao thông, chú ý đề phòng”. TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lại tạo sóng dư luận vì câu khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”. TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) lại thì có câu: “Xi nhan không phải là hâm. Xi nhan để khỏi bị đâm vỡ đèn”. Không ít băng rôn mang nội dung gây “choáng” như: “Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun”; “Các em gái không thể tự mình mang thai. Các em trai và nam giới phải là một phần của giải pháp”… TP.HCM thì đầy những băng rôn mang nội dung thừa, ai cũng biết, chỉ mang nặng tính hình thức và khẩu hiệu: “Lề đường là dành cho người đi bộ”, “Dừng lại quan sát trước khi qua đường”, “Gây bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật”, “Hạnh phúc sẽ toả sáng trong gia đình không có bạo lực”…
Có nơi, nội dung tuyên truyền và thực tế diễn ra tại chỗ trái ngược nhau khi băng rôn tuyên truyền về vệ sinh, văn minh đường phố thì rác bên dưới đường đầy rẫy. Bên trên là băng rôn tuyên truyền “Không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, gây ách tắc giao thông”, bên dưới là những sạp hàng rong tụ tập người mua kẻ bán chiếm hết cả lề đường. Việc treo quá nhiều băng rôn, khẩu hiệu cho thấy cơ quan quản lý còn nặng bệnh hình thức, hô hào mà chưa đi vào nội dung thực tiễn thiết thực của những việc cần tuyên truyền và nâng cao ý thức tự giác của cộng đồng.
Băng rôn với khẩu hiệu phản cảmẢNH: T.L
Truyền thông điệp theo cách hiện đại
Nhà thiết kế – hoạ sĩ Trần Hoài Đức, Hà Nội đánh giá những băng rôn, pa nô, áp phích cổ động hiện có chất lượng thẩm mỹ không cao. Ông cũng cho rằng hiện tại ngành đồ họa của chúng ta đã phát triển, nhưng ít thấy ứng dụng để in treo ngoài đường nhằm tuyên truyền. Thậm chí ông Đức còn đặt vấn đề về cách thức lựa chọn hình ảnh tuyên truyền. “Bản thân tôi là người được giải nhất tranh cổ động về nghìn năm Thăng Long, cuộc thi do Bộ VH-TT-DL tổ chức. Nhưng sau khi đoạt giải thì các tác phẩm chỉ được in sách, tuyệt nhiên không được in một cái nào để tuyên tuyền trên đường phố Hà Nội. Còn lại, những pa nô, áp phích cổ động nghìn năm Thăng Long khi đó được in ra thì của những người khác do Sở VH-TT Hà Nội chọn. Tôi rất ngạc nhiên về cơ chế lựa chọn những hình ảnh tuyên truyền. Tổ chức cuộc thi như thế có lãng phí không”, ông Đức nói.
Băng rôn cổ động an toàn giao thông tại Bình DươngẢNH: T.L
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, cho biết pa nô, băng rôn vẫn có hiệu ứng trong thời đại hiện nay, đặc biệt hiệu quả ở nông thôn hay các khu đông dân cư vì ai cũng đi ngang qua đó, ai cũng nhìn những thông điệp trên đó. Chỉ có điều để hiệu quả hơn thì các pa nô, băng rôn cần những hình ảnh hấp dẫn hơn, mới hơn, để người đọc còn thấy mình trong đó. “Tháng 3.2015, Tổ chức Women’s Aid đã tung ra một tấm biển tuyên truyền về chủ đề bạo lực gia đình với hình ảnh người đàn bà bị đánh thâm tím mặt được treo nơi công cộng ở châu Âu với dòng chữ “Hãy nhìn tôi, chúng ta có thể dừng bạo lực gia đình lại”. Đó là một cách để truyền tải thông điệp, đừng nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề của xã hội”, ông Thành chia sẻ.
Chuyên gia truyền thông Phạm Vũ Tùng, Giám đốc marketing của thương hiệu Davines ở VN, nhận định: “Giữa thời đại truyền thông, nếu chúng ta treo pa nô, băng rôn, áp phích xấu xí, với những thông điệp không được chuẩn bị chu đáo sẽ dẫn đến phản tác dụng. Băng rôn, pa nô chính là một dạng truyền thông điệp không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày, quan trọng là hình thức của nó ra sao”.
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đưa ý kiến: “Nên có một quy định quy hoạch quản lý chung về việc treo băng rôn, khẩu hiệu trên đường phố, bởi hiện tại mọi việc đang rơi vào tình trạng treo không theo một quy cách nào và chưa có sự thống nhất về màu sắc, kích thước, vị trí, không gian… Cần phải quy định rõ tối đa có bao nhiêu vị trí được treo, pa nô, băng rôn kích cỡ bao nhiêu, tốt nhất không được quá to, không có cái này chồng chéo cái kia một cách lộn xộn; rồi treo trước sự kiện mấy ngày và sau mấy ngày thì phải tháo xuống để không dẫn đến sự nhếch nhác làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Theo tôi nên hạn chế đến mức thấp nhất số lượng treo và cả số lượng khẩu hiệu, vì có những câu hô hào hiện không còn thích hợp cho toàn dân. Nên chăng có những cuộc thi sáng tạo những câu khẩu hiệu phù hợp thời đại nhằm tránh áp đặt, võ đoán, tùy tiện và cả những câu tối nghĩa, gây phản cảm. Tôi nghĩ chúng ta nên thay thế hình thức băng rôn xấu xí, không ra làm sao hiện giờ bằng cách hướng đến hình thức văn minh hơn trong việc tuyên truyền. Có thể làm những màn hình Led trên cao ở một vài nơi và cho chạy những câu muốn truyền tải như kiểu của các TP lớn ở nước ngoài đang làm. Như thế thì ít ra thẩm mỹ đô thị vẫn được đảm bảo mà vẫn thỏa mãn nhu cầu muốn tuyên truyền, thông tin điều gì đến người dân từ cơ quan quản lý”.
Nhiễu loạn về màu sắc, kích cỡ
Pa nô, băng rôn, áp phích quảng cáo hay tuyên truyền trên đường phố hiện đang rất có vấn đề, có thể nói là nhiễu loạn về màu sắc, kích cỡ, gây nên những tác động, ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý của người tham gia lưu thông trên đường. Ai đã đi các nước châu Âu, Mỹ sẽ thấy các biển hiệu quảng cáo, chỉ dẫn giao thông của họ bao giờ cũng dùng những màu trung tính nhẹ nhàng, chẳng hạn như màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Chúng ta đang nhiễu màu sắc và tạo ra sự tăng động về màu sắc. Chúng ta đang lạm dụng màu đỏ, nó làm người tham gia lưu thông tự dưng bị kích thích thị giác, kích thích tâm lý.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm, Bộ VH-TT-DL
Quy hoạch treo băng rôn theo tiêu chuẩn cụ thể
Nội dung, hình thức của các thông điệp trên băng rôn như thế nào phải được quy hoạch bằng luật, bằng các tiêu chuẩn cụ thể với tiêu chí thẩm mỹ và thị giác rõ ràng. Sự rối rắm và mất quân bình thẩm mỹ lâu nay tại đô thị là hệ quả từ sự yếu kém về thẩm mỹ của chính quyền lẫn khu vực tư nhân, thể hiện sự thiếu sáng tạo và cứng nhắc, quan liêu trong các giải pháp làm đẹp đô thị. Hoạt động truyền thông từ chính quyền hầu như cũng chỉ là các bảng biểu băng rôn y hệt mấy mươi năm về trước. Tại các phòng văn hoá của sở hay quận cần có một bộ luật hay tiêu chuẩn chặt chẽ về điều gì được làm hay không được làm (hiện nay các tiêu chuẩn này rất mơ hồ), cũng như phải có một cơ chế tư vấn nghệ thuật từ bên ngoài – là các nghệ sĩ hay các nhà hoạt động nghệ thuật để chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật.
Ông Nguyễn Như Huy, Giám tuyển độc lập và nghệ sĩ thị giác
Treo chỉ để mà… treo
Băng rôn tạo sóng dư luận ở Quy NhơnẢNH: T.L
Đô thị của chúng ta giờ ngày càng đẹp, càng được chăm chút kỹ lưỡng, từ ánh sáng đến cây xanh, vỉa hè, góc phố…, tuy thế nhiều lúc nhiều chỗ vẫn còn lòe loẹt, rối rắm, thậm chí đến phản cảm. Một trong những thứ gây ra sự rối rắm và loè loẹt là các băng rôn giăng đầy trên tất cả các phố mọi lúc mọi nơi.
Ngày xưa còn khó khăn thì đa phần các cơ quan, cá nhân tự làm lấy băng rôn rồi mang treo (tất nhiên phải xin phép), giờ có các đơn vị chuyên kinh doanh, mang ma két và giấy phép đến giao cho họ thực hiện là xong.
Nhưng xong mà lại chưa xong là bởi, họ treo xong rồi phần lớn là… quên thu dọn, ít nhất là chậm thời gian dăm ngày, nặng hơn là quên luôn. Ví như, Chúc mừng năm mới mà đến tháng 6 vẫn còn nghênh ngang trên đường. Chưa kể, để lâu không thu dọn, hoặc sau cơn mưa, bão, hoặc chỉ là gió to, các băng rôn ấy rơi lả tả, hoặc bị xé rách, trông rất nhếch nhác.
Rồi nữa, nhiều khi nội dung rất ngô nghê, chẳng hạn năm nào đó ở một trường học đã treo cái băng rôn: “Nhiệt liệt chào mừng ngày thương binh liệt sĩ”. Hoặc cũng từng có khẩu hiệu như thế này căng ngoài đường: “Nhiệt liệt chào mừng ngày đái tháo đường”, “Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun”…. Cái gì cũng nhiệt liệt dù chả biết cái cần nhiệt liệt ấy có nhiệt liệt không? Rất nhiều câu sai ngữ pháp, cả câu dài ngoằng ngoẵng chả thấy chủ ngữ đâu.
Chả biết trên thế giới có nước nào sử dụng nhiều băng rôn như ở nước ta không, nhưng quả là, nước ta có rất nhiều băng rôn khẩu hiệu căng chi chít trên đường, mà với tốc độ đi xe máy thôi, rất khó để đọc, mà nếu chăm chú đọc thì sẽ rất dễ bị tai nạn giao thông. Thế tức là việc treo chỉ để mà… treo.
Nên không phải ngẫu nhiên mà bây giờ có thêm một thuật ngữ là rác đô thị, nó gồm rất nhiều thứ dọc ngang trên phố, từ dây nhợ các loại, ánh sáng các loại, biểu tượng các loại và cả… các băng rôn không đúng kiểu.
Thực ra thì đã có những quy định, quy chuẩn cho băng rôn, quảng cáo, nhưng từ việc ban hành quy chuẩn đến thực hiện, đôn đốc kiểm tra vẫn là một khoảng cách, khoảng cách ấy đủ cho hàng loạt băng rôn, vô tình hay cố ý, gia nhập “đội quân” rác đô thị…