28/11/2024

Mắc bệnh ‘khó nói’ do ngồi nhiều

Nhiều người âm thầm chịu đựng dù thấy “ngồi không yên”, và chỉ miễn cưỡng đi khám khi bệnh nặng hơn. Việc này khiến chất lượng sống bị ảnh hưởng.

 

Mắc bệnh ‘khó nói’ do ngồi nhiều

Nhiều người âm thầm chịu đựng dù thấy “ngồi không yên”, và chỉ miễn cưỡng đi khám khi bệnh nặng hơn. Việc này khiến chất lượng sống bị ảnh hưởng.



 

 

Bệnh nhân trĩ cần được chẩn đoán điều trị tại cơ sở y tế	 /// Ảnh: Nam Sơn

 

 

 

Bệnh nhân trĩ cần được chẩn đoán điều trị tại cơ sở y tếẢNH: NAM SƠN

 

 

Bệnh khó nói
Vốn được ngầm hiểu là bệnh “khó nói” nên hầu hết những người đến khám đều đã xuất hiện triệu chứng trĩ như: đi ra máu đỏ tươi lẫn phân, máu nhỏ giọt hoặc bám trên giấy vệ sinh. “Cũng có thể chỉ đi khám khi cảm giác ngứa, tức ở hậu môn quá mức chịu đựng”, PGS-TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết. Ngoài ra, trường hợp bị trĩ cấp tính gây huyết khối, đau dữ dội cũng là nguyên nhân bệnh nhân tìm đến cơ sở y tế. Theo bác sĩ Khanh, có nhiều yếu tố gây bệnh, trong đó bị táo bón lâu ngày phải rặn nhiều khiến trĩ xuất hiện; phụ nữ sau mang thai cũng có nguy cơ mắc trĩ. Những người làm việc tĩnh, ngồi nhiều làm tăng áp lực ổ bụng cũng là nguyên nhân.
Là bệnh nhân đến khám tại khoa tiêu hoá, chị Nguyễn Minh Th. (34 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết được phát hiện trĩ trong một lần đi nội soi đại tràng. Chị cho hay bản thân không nghĩ mình bị trĩ, chỉ bận tâm đến đại tràng do thấy thỉnh thoảng đi ngoài có chút máu, bụng đau âm ỉ.


Bác sĩ cho hay, trên 50 tuổi thì tỷ lệ mắc trĩ khoảng trên 50%. Cũng có nhiều trường hợp mắc trĩ mà không có triệu chứng, chỉ vô tình phát hiện khi đi nội soi đại tràng. Tùy thuộc mức độ, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị. Khi có búi trĩ nhỏ thì thực hiện can thiệp thắt búi trĩ bằng vòng cao su, sau đó búi trĩ sẽ rụng đi. Ngoài ra, còn có điều trị bằng tiêm xơ, tuy nhiên phương pháp này cũng có thể gây viêm loét. Trường hợp búi trĩ lớn thì can thiệp ngoại khoa cắt đi. Nếu bệnh nhẹ chỉ điều trị nội khoa (dùng thuốc).
Sai lầm của người bệnh
Bác sĩ cũng nhắc nhở, nhớ uống đủ nước để phòng táo bón, giúp giảm nguy cơ mắc trĩ. Nhiều người do ngồi trong phòng gắn máy điều hoà, cảm giác mát mẻ nên quên uống nước. Mỗi cơ thể cần bổ sung trung bình 2 lít nước mỗi ngày. Các bác sĩ nhắc nhở, mỗi ngày do bận bịu, bữa ăn cũng trôi qua nhanh chóng, cùng với đó là chế độ ăn ít rau, ăn xong thì ngồi lâu, đều là những yếu tố rất thuận lợi gây bệnh trĩ, ngay cả với những người trẻ.
Mắc bệnh 'khó nói' do ngồi nhiều - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Những cách ngăn ngừa bệnh trĩ

Bệnh trĩ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, mà còn làm cho bạn giảm sự tự tin, năng suất làm việc…

Với người mắc trĩ, bác sĩ lưu ý về một số sai lầm khi tin vào quảng cáo “cắt trĩ không đau”. Việc cắt trĩ phải có chỉ định phù hợp sau khi thăm khám, chẩn đoán chính xác. Nhưng khi đã phải can thiệp thì không thể không đau. “Tại thời điểm thực hiện, bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau nên không đau, nhưng sau đó sẽ đau. Vùng hậu môn có nhiều dây thần kinh, rất nhạy cảm, bởi vậy không có chuyện cắt trĩ hay phẫu thuật trĩ mà không đau.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không dùng thuốc trĩ do nghe người quen mách, bởi khi mách nhau “thuốc” mọi người thường chỉ nói về những thành công mà lại không kể những trường hợp bị biến chứng. Cũng không nên lạm dụng thực phẩm chức năng để chữa bệnh vì thực phẩm không phải là thuốc điều trị. Việc điều trị bệnh cần do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, chỉ định phù hợp. Còn với phụ nữ bị trĩ khi mang thai (do tăng áp lực ổ bụng, táo bón), sau sinh nên phục hồi sức khoẻ với các bài tập theo hướng dẫn.
Mắc bệnh 'khó nói' do ngồi nhiều - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Đẩy lùi bệnh trĩ

Bạn cần uống 2 – 2,5 lít mỗi ngày. Giữ cơ thể không rơi vào tình trạng thiếu nước là cách hữu hiệu chữa bệnh trĩ. Nước có tác dụng kích thích nhu động ruột.


Trĩ gây giãn tĩnh mạch hậu môn trực tràng nên phẫu thuật cắt khi búi trĩ to chỉ là giải quyết trước mắt, bệnh có thể “tái xuất” sau phẫu thuật. Do đó, về lâu dài phải điều độ về chế độ ăn, sinh hoạt vận động lành mạnh để giảm các yếu tố gây bệnh. Trong trường hợp phải làm việc với tư thế ngồi nhiều, để tránh mắc trĩ hoặc giảm các yếu tố gây tái phát, cứ ngồi 2 tiếng đồng hồ thì nên đứng lên, đi lại 5 – 10 phút. Mỗi ngày nên dành thời gian tập thể dục ít nhất 30 phút. Ngay cả người không mắc trĩ, việc duy trì các thói quen lành mạnh: uống đủ nước, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh, phòng táo bón cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, đẩy lui các bệnh đường tiêu hoá, trong đó có giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.  
 PGS-TS Vũ Trường Khanh


 

Nam Sơn