28/11/2024

Với trẻ em, hãy đồng cảm!

Phạm Anh Xuân, được biết đến với những bài thơ thiếu nhi trong trẻo, hiện là nhân viên ngân hàng. Còn Vũ Danh Tuấn, dịch giả của hơn 100.000 bản sách thiếu nhi, là “dân ngoại thương” làm lĩnh vực du lịch.

 

Với trẻ em, hãy đồng cảm!

 Phạm Anh Xuân, được biết đến với những bài thơ thiếu nhi trong trẻo, hiện là nhân viên ngân hàng. Còn Vũ Danh Tuấn, dịch giả của hơn 100.000 bản sách thiếu nhi, là “dân ngoại thương” làm lĩnh vực du lịch.

 

 

 

Với trẻ em, hãy đồng cảm!
Phạm Anh Xuân – Ảnh: Nam Trần

Họ không định cho mình việc viết hay dịch sách cho trẻ em. Mọi chuyện bắt đầu từ việc những điều họ nghĩ và mong muốn hướng đến trẻ em là sự thấu hiểu và trân trọng.

Thấy mình trong những tâm hồn trẻ thơ

* Tại sao các anh lại chọn trẻ em cho những tác phẩm viết và biên dịch, trong khi rất nhiều người né tránh đề tài thiếu nhi vì những lý do khác nhau?

– Phạm Anh Xuân: Tôi không định trước cho việc này. Nói thật ban đầu tôi chỉ viết cho mình. Tôi sinh ra ở Phú Thọ, tuổi thơ của tôi là bầu trời rộng lớn, là cây cỏ, sông nước, nơi tôi có thể thả sức tưởng tượng, nơi có những trò nghịch ngợm mà không phải bọn trẻ nào cũng có. Đó là ký ức sống động, mỗi khi nhớ về là cảm xúc lại dâng lên. Và tôi viết.

 

Lúc đầu tôi viết về chuyện trẻ con chơi trận giả, về việc tập bơi để “chuồn chuồn cắn rốn”, về chuyện ngóng mẹ đi chợ về, viết về chuyện thả diều, về con mèo, con gà…

– Vũ Danh Tuấn: 20 đầu sách chúng tôi đã ra mắt bạn đọc, trong đó có khoảng 15 cuốn tôi trực tiếp dịch, tôi đều chọn đề tài về loài vật, có đời sống như con người, đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Từ nhỏ tôi đã thích đọc các truyện về loài vật. Tôi học kinh tế đối ngoại trong nước, rồi đi du học, khởi nghiệp với một nghề khác. Vì thế dịch sách và lại là sách về loài vật chỉ có thể nói vì thích.

* Vậy khi nào các anh nhận ra điều mình làm được các bạn nhỏ đón nhận?

– Phạm Anh Xuân: Lúc đầu tôi viết để đó, rồi tôi đăng lên Facebook của mình cho bạn bè cùng đọc. Sau một loạt bài đăng đều đặn thì tôi ngừng. Khi ấy, có một vài người trong danh sách bạn bè trên Facebook của tôi vào hỏi sao không thấy tôi đăng thơ nữa, làm họ cứ ngóng mãi.

Một bạn có con nhỏ tìm địa chỉ email viết cho tôi nói muốn xin thơ của tôi để đọc cho con nghe mỗi khi chuẩn bị đi ngủ. Trong thư, bạn ấy cho biết con bạn ấy rất thích các bài thơ tôi viết, nên nếu mẹ không đọc thì cháu bé đó chưa chịu đi ngủ. Tôi rất cảm động vì những chia sẻ ấy, đó là động lực để tôi nghĩ đến một việc nghiêm túc hơn là sự ngẫu hứng.

Đến giờ, tôi đã viết được 80 bài thơ trong chùm “Thơ cho bé”. Mỗi bài thơ là một lần tôi sống lại với tuổi thơ của mình, nhưng cũng là cách để tôi được đối thoại, xích lại gần hơn với thế giới của những đứa trẻ bây giờ.

– Vũ Danh Tuấn: Hai cuốn đầu tiên tôi dịch là Lad – Phẩm giá của một con chó và Vua gấu xám vừa ra đã được đón nhận. Nhiều người phản hồi với tôi rằng con họ trước đây chỉ đọc truyện tranh, không bao giờ đọc truyện “nhiều chữ”, nhưng khi mang hai cuốn này về bọn trẻ đã đọc và say mê.

Các truyện tôi dịch nhìn chung đều “lành”. Nói về loài vật nên cũng không thể không có những đoạn bạo lực, nhưng đều ở mức chấp nhận được. Cũng có những nội dung buồn khi các “nhân vật” bị chết. Những cái chết trong truyện gây xúc động nhưng không quá bi lụy, thường mang lại ý nghĩa tích cực, nó lay động lòng trắc ẩn cho người đọc nói chung và trẻ con nói riêng.

Các phụ huynh cũng đọc và thẩm định sách cùng với tôi nên họ dần yên tâm. Thành công từ hai cuốn đầu tiên ấy, tôi bắt đầu dịch tiếp.

Không phải kiểu 
giáo dục khô cứng

Khi chọn dịch, anh có tính đến những tác động tích cực đối với các độc giả nhí?

Vũ Danh Tuấn: Thật ra, truyện về thế giới loài vật không phải chỉ có trẻ con, mà người lớn có thể cũng thích. Trẻ con thường yêu động vật, trong những truyện tôi dịch, các “nhân vật” gấu, chó, mèo, heo đều có đời sống tình cảm như con người. Làm sách cho trẻ mình phải chú ý cả ngôn ngữ, cách hành văn. Rất nhiều chi tiết, tình huống truyện có ý nghĩa với trẻ nhưng nhẹ nhàng, cuốn hút chứ không phải kiểu giáo dục khô cứng.

* Còn Xuân, trên Facebook của anh có khá nhiều comment của các bà mẹ trẻ gửi lời cảm ơn, vì họ không thể nghĩ trong thời đại “công nghệ số” này mà con mình lại thích nghe thơ, đọc thơ. Điều gì ở thơ anh khiến bọn trẻ thích?

– Phạm Anh Xuân: Để trả lời chính xác thì cần hỏi các bé. Nhưng có lẽ khi viết, tôi đã không đứng ở vị trí của người lớn viết cho trẻ em, mà đặt mình vào góc nhìn của bọn trẻ, nhìn sự việc, cảnh vật bằng sự hình dung của trẻ.

Không chỉ qua Facebook, mà tôi cũng chứng kiến những phản ứng trực tiếp của các bé khi đọc thơ của tôi. Tôi nhớ có cháu bé khi đọc thơ tôi viết đã phá lên cười rất thích thú. Còn một bé khác thì nói “Ô, giống cháu nhỉ” (giống nhân vật trong bài thơ). Trẻ em nghĩ thế nào nói thế đó, vì thế tôi cảm thấy vui vì thấy mình cũng mang lại chút gì đó có ý nghĩa.

* Các anh có kỷ niệm gì trong những lần được “tương tác” với độc giả nhỏ tuổi của mình?

– Vũ Danh Tuấn: Thỉnh thoảng tôi cũng được các trường phổ thông mời đến nói chuyện, vì nhà trường muốn khích lệ trẻ đọc sách. Tôi nhớ trong một cuộc nói chuyện với học sinh ở Thanh Hoá, các em đã hỏi tôi rất nhiều quanh những nhân vật các em yêu thích. Người lớn nếu biết con vật đó, câu chuyện đó có thật sẽ tò mò đọc. Còn trẻ em đơn giản là câu chuyện hấp dẫn thì chúng thích. Độc giả trẻ em khác người lớn ở chỗ đó. Nhưng dĩ nhiên khi đã thích rồi thì những chuyện “râu ria” bên lề bọn trẻ cũng muốn biết.

Với trẻ em, hãy đồng cảm!
Vũ Danh Tuấn – Ảnh: Nguyễn Khánh

Làm cho trẻ 
phải chu toàn

* Anh có viết bài thơ nào cho trẻ con thành phố không? Về cuộc sống và những điều diễn ra xung quanh bọn trẻ ấy?

– Phạm Anh Xuân: Có chứ. Bây giờ tôi vẫn hay chơi với trẻ con và quan sát chúng. Ngoài những bài tôi viết bằng trải nghiệm, cảm xúc của mình, tôi cũng sử dụng câu chuyện của bạn bè, những chuyện thường ngày tôi biết để làm chất liệu viết.

Trong bài Nhớ mẹ, tôi viết về tình cảm của bé với con mèo. Cả ngày bố mẹ đi làm, bé chỉ có con mèo làm bạn và trong tưởng tượng của đứa bé, con mèo cũng như người, cũng biết nhớ, biết khóc… Hay có một bé vẫn thích được mẹ đọc thơ của tôi, hôm ấy bé ốm và lo sợ vì phải đi tiêm. Khi mẹ cháu bé nói với tôi, tôi đã viết bài thơ Bé bị ốm để tặng bé. Mẹ bé nói bé ấy đã 
rất thích.

* Xuân có nghĩ đến việc sẽ in sách, một tập thơ cho thiếu nhi chẳng hạn?

– Phạm Anh Xuân: Nhiều người đang khuyên tôi nhưng tôi thì đang ngại. Tôi luôn tâm niệm làm gì đó cho trẻ đều phải chu toàn, cẩn thận nhất có thể. Ví như khi tôi tặng cháu bé bị ốm bài thơ Bé bị ốm xong, tôi đã nghĩ và tặng thêm cháu một bài ấm áp hơn. Vì tôi nghĩ cháu đang ốm, rất cần điều gì đó ấm áp. In sách cũng là một việc tốt, nhưng điều làm tôi thấy hạnh phúc hơn là những gì tôi viết được các cháu bé đón nhận thật sự.

* Còn Tuấn, dự định mới 
của anh?

Vũ Danh Tuấn: Chúng tôi vừa mới ra mắt thêm bảy cuốn truyện nhân dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, cũng là những cuốn truyện kể về cuộc sống của các con vật. Sắp tới có thể tôi sẽ tìm kiếm thêm đề tài khác kiểu như phiêu lưu mạo hiểm, đề tài này cũng thích hợp với những bạn nhỏ ưa khám phá.

Mưa bóng mây

Hôm nay trời thật đẹp

Gió rủ Mây đi chơi

Gió chạy nhanh thoăn thoắt

Mây đuổi theo đứt hơi

Rồi hai bạn gặp Nắng

Đang tô màu cho hoa

Cả ba cùng đùa nghịch

Tung tăng giữa bao la

Ba bạn chơi vui lắm

Mải miết sáng tới trưa

Bỗng dưng Mây nhớ mẹ

Mây khóc thành cơn mưa

Nắng rưng rưng thương bạn

Đừng khóc nữa Mây ơi

Gió pha trò nhí nhảnh

Khiến mặt trời cũng cười

Em hỏi mẹ – mẹ nói

Đó là mưa bóng mây

Cũng như là em đó

Khóc rồi lại vui ngay

Thơ của Phạm Anh Xuân

(https://www.facebook.com/phamanh.xuan.3)

Trẻ không thích những bài răn dạy

Con tôi sắp vào lớp 1 và tôi muốn phát triển ngôn ngữ cho con qua việc đọc sách, tôi nghĩ phát triển ngôn ngữ cho con qua thơ là điều rất tuyệt. Nhưng rất khó tìm kiếm những cuốn thơ cho thiếu nhi thật sự hay. Ngoài những tác giả thế hệ trước như Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, ít có những gương mặt mới.

Có lần tôi nghe giới thiệu một cuốn thơ thiếu nhi rất hay và đã đi tìm mua ngay, nhưng khi cầm cuốn đó trên tay, tôi lại thất vọng vì đọc thấy toàn những bài răn dạy. Những bài như thế trẻ sẽ không thích, không nhớ.

Rồi tôi tìm thấy những bài thơ của Anh Xuân trên Facebook. Tôi theo dõi và xin anh ấy cho copy về để đọc cho con. Cháu rất thích vì thơ Anh Xuân mộc mạc, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và giàu cảm xúc. Tôi nhìn thấy hình ảnh con tôi trong thơ Anh Xuân.

Phụ huynh Nguyễn Thanh Hằng (Hà Nội)

103.000 bản sách về đời sống loài vật

Với trẻ em, hãy đồng cảm!
Những cuốn sách về loài vật do Vũ Danh Tuấn dịch và biên tập

Bắt đầu từ cuối năm 2015, Vũ Danh Tuấn biên dịch và biên tập 20 đầu sách với 103.000 bản, tập trung vào đề tài các con vật, khai thác từ nguồn sách điện tử và mua bản quyền trực tiếp. Những cuốn sách được sắp xếp theo bộ với chủ ý của người biên tập, trong đó có những cuốn nhẹ nhàng viết về các con vật dễ thương hợp với bé gái, có cuốn kể về loài vật dũng mãnh, hoang dã hợp với sở thích bé trai. Một số cuốn xuất bản đợt đầu đã bắt đầu tái bản.(https://www.facebook.com/Vu.Roger)


VĨNH HÀ – VŨ VIẾT TUÂN thực hiện