Trẻ không được đến trường vì thiếu lớp
Đã nhiều năm qua, hàng trăm trẻ mầm non tại xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) buộc phải ở nhà, vì trường không đủ lớp cho học sinh học.
Trẻ không được đến trường vì thiếu lớp
Đã nhiều năm qua, hàng trăm trẻ mầm non tại xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) buộc phải ở nhà, vì trường không đủ lớp cho học sinh học.
Hai bé Hoàng Nữ Mỹ Du và Hoàng Nữ Mỹ Na (cùng 5 tuổi) ở thôn Na, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch chưa được đến trường vì thiếu lớp – Ảnh: Quốc Nam |
Trường mầm non xã Sơn Trạch có 9 điểm trường thì có đến 7 điểm trường trong số đó phải mượn thêm hội trường thôn để có chỗ cho trẻ học. Tuy nhiên, dù mượn vẫn không đủ cho nhu cầu của địa phương. Nhiều em đã quá tuổi đến lớp vẫn phải ở nhà vì lớp quá đông.
Nay đã hết năm học cũ, chuẩn bị bước qua năm học mới, tuy nhiên với việc thiếu thốn trường lớp như thế này, chưa biết nhiều em có được đến lớp mầm non hay không.
Những đứa trẻ bị từ chối
Thôn Na cách trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng vài trăm mét. Đây là thôn có số trẻ phải ở nhà vì thiếu lớp nhiều nhất xã Sơn Trạch.
Ngày cuối tuần, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoài và chị Nguyễn Thị Ngân tranh thủ chạy thuyền chở khách vào tham quan động Phong Nha. Do vậy, cứ cuối tuần đứa con đầu học lớp 5 ở nhà chăm em 4 tuổi cho bố mẹ đi làm, đứa nhỏ 2 tuổi thì gửi bà. Còn cả tuần là chị Ngân trông.
Đầu năm học 2016-2017 chị đã đưa cháu 4 tuổi là Nguyễn Thị Hồng Linh đến trường mầm non nhưng trường từ chối nhận vì lớp đã quá tải. Thế là cháu phải ở nhà.
Chúng tôi có mặt tại lớp học mầm non thôn Na vào những buổi học cuối cùng của năm học. Đây là lớp mượn của nhà văn hóa thôn. Hơn mười năm qua, trẻ mầm non ở thôn này vẫn phải học tạm bợ như thế.
Bên trong lớp, hai hàng ghế chuyên dùng để họp thôn trở thành ghế cho học sinh. Dụng cụ sinh hoạt của thôn để chung với vài món đồ chơi trẻ em. Căn phòng mượn này còn là lớp ghép của hai lớp – nhỡ và lớn học chung, không có vách ngăn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, bí thư chi bộ thôn Na, lắc đầu: “Lo nhất là những ngày mưa gió. Phụ huynh trong thôn nghe mưa là phải chạy đi đón con ngay, kẻo sợ lớp sập. Nhà văn hoá thôn đã xây dựng hơn mười năm rồi!”.
Ở thôn Na, chuyện trẻ em 3-4 tuổi chưa được đến lớp trở thành chuyện thường. Mỗi năm có ít nhất vài ba chục cháu như thế. Cả 3 đứa cháu của ông Bình đều sinh từ năm 2012 cũng nằm trong diện “bị từ chối” đến trường vì lớp không đủ chỗ.
Chọn học sinh đi học theo… hoàn cảnh
Cô Trần Thị Nhung, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Trạch, nói: “Nhà trường cũng muốn nhận các cháu đến lớp lắm. Nhưng thực sự là không thể vì trường lớp không có. Còn nhà văn hóa thôn chỉ đủ sức chứa khoảng 30-35 cháu”.
Theo cô Nhung, tại thôn Na, năm học 2016-2017 có 72 trẻ trong độ tuổi đến trường (từ 3-5 tuổi) nhưng trường chỉ có thể nhận 44 cháu, tức 28 cháu phải ở nhà.
Tại 9 điểm trường, tổng số trẻ trong độ tuổi đến lớp là 885 cháu, nhưng chỉ có thể nhận 745 cháu. Còn 140 cháu dù đủ tuổi vẫn phải ở nhà.
Về kế hoạch nhận học sinh cho năm học mới 2017-2018, cô Nhung cho biết “tình hình không có gì khả quan hơn vì chúng tôi vẫn chưa có thêm phòng học nào mới”. Năm nay, theo cô: tổng số trẻ từ 3-5 tuổi là 914 cháu, nhưng trường lớp cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu đi học cho 820 cháu, 94 cháu vẫn phải ở nhà.
Vì số phòng học quá thiếu so với số trẻ có nhu cầu đi học nên cứ mỗi đầu năm học, các giáo viên mầm non tại Sơn Trạch lại phải đau đầu với việc “chọn ai, bỏ ai”. Cô Nhung cho biết giai đoạn lập kế hoạch tuyển sinh là giai đoạn đau đầu nhất.
“Chúng tôi phải chọn theo hoàn cảnh. Nhà nào gia cảnh neo đơn, không người chăm sóc trẻ thì được ưu tiên trước. Người có điều kiện chăm sóc hơn thì chúng tôi buộc phải từ chối và xin lỗi” – cô Nhung nói.
Biết khó nhưng… bó tay Ông Nguyễn Minh Ngọc, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, nói huyện đã cố gắng rất nhiều trong thời gian qua để đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho các điểm trường mầm non tại Sơn Trạch nhưng nguồn kinh phí được cấp quá hạn hẹp, không cho phép huyện đầu tư hoàn thiện trường lớp mới ngay được. “Biết chuyện trường lớp khó khăn vậy nhưng không có cách nào giải quyết được. Trước mắt, huyện sẽ cố gắng 1-2 năm xây dựng được một điểm trường. Phải làm dần dần, chứ làm một lần làm không nổi” – ông Ngọc cho hay. |