Để bộ máy hiệu quả, TP.HCM không chỉ tăng thu nhập
Bên cạnh việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, TP.HCM còn cần phải có thêm những giải pháp khác nữa mới có thể giúp cho ứng xử của cán bộ công chức, bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
Để bộ máy hiệu quả, TP.HCM không chỉ tăng thu nhập
Bên cạnh việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, TP.HCM còn cần phải có thêm những giải pháp khác nữa mới có thể giúp cho ứng xử của cán bộ công chức, bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
Nhằm thực hiện cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua cho TP.HCM vào cuối năm 2017, Sở Tài chính TP vừa trình đề án thí điểm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của TP.
Mức tăng tối đa là 1,8 lần vào năm 2020. Đây là một trong nhiều đề án mà chính quyền TP.HCM sẽ triển khai nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội để giúp TP phát triển hơn nữa.
Có giảm “phí bôi trơn”?
Tất nhiên, ý định của việc tăng thu nhập nhằm làm tăng hiệu suất công việc của các cán bộ, công chức, viên chức của TP nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức có làm tăng hiệu năng của họ hay không là điều cần được bàn luận sâu hơn.
Thật vậy, trong thời gian dài vừa qua, một trong những vấn đề nổi cộm của VN đó là việc phần lớn các doanh nghiệp đều kêu ca về “phí bôi trơn” hay “chi phí không chính thức”, mà nói thẳng ra đó là chi phí hối lộ cho các cán bộ thuộc bộ máy công quyền nhằm giúp công việc làm ăn của doanh nghiệp không bị làm khó dễ.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức của TP có làm cho chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp đầu tư vào TP giảm hơn hay không? Đây là điều mà chính quyền cần phải tính đến, nếu không nói là cần phải cam kết với người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Theo thiển ý của chúng tôi, việc tăng thu nhập lên mức kịch trần là 1,8 lần cũng chưa chắc làm giảm sự nhũng nhiễu nơi cán bộ công chức, nhất là những lĩnh vực như thuế, hải quan…
Do đó, chúng tôi cho rằng bên cạnh việc tăng thu nhập còn cần phải có thêm những giải pháp khác nữa mới có thể giúp cho ứng xử của cán bộ công chức, bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
Thiết kế lại bộ máy, đào tạo lại cán bộ
Vì thế, theo chúng tôi, một trong những việc cần phải làm thêm bên cạnh việc tăng lương là phải thiết kế lại quy trình làm việc của bộ máy hành chính.
Các cơ quan tham mưu cho chính quyền TP cần phải chỉ ra cho lãnh đạo đâu là những khâu, những cách thức vận hành của bộ máy hành chính có thể là nơi dung dưỡng cho nạn quan liêu, nhũng nhiễu của cán bộ thực thi công việc và phải đề xuất cho được cách khắc phục điều này.
Nói cách khác, TP phải đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành của bộ máy hành chính, tìm ra những chỗ còn bất hợp lý để điều chỉnh ngay thì bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả hơn được.
Bên cạnh việc điều chỉnh lại quy trình vận hành của bộ máy hành chính, một nhiệm vụ còn quan trọng hơn nữa là TP phải làm sao thay đổi cho được nhận thức, thái độ và hành vi của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của TP từ cấp thấp nhất cho đến cao nhất.
Muốn làm được điều đó thì chỉ một vài chỉ đạo của lãnh đạo là không đủ mà cần phải thay đổi nhanh chóng phương thức, nội dung đào tạo các cán bộ công chức.
Nhưng đây là việc lâu dài, việc trước mắt là lãnh đạo TP cần đến tất cả các quận, huyện và chỉ đạo về ý muốn của trung ương đối với TP, trách nhiệm và vai trò của từng cán bộ, công chức và viên chức của TP để có thể thực hiện một cách có hiệu quả cơ chế đặc thù được Đảng và Nhà nước trao cho.
Nếu chỉ dựa vào việc tăng thu nhập, chưa chắc cải thiện được hiệu năng của bộ máy hành chính của TP, mà cần phải cải cách quy trình vận hành của bộ máy và nhất là phải thay đổi cho được nhận thức, thái độ và hành vi của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Có như vậy TP mới có thể đạt được điều mình mong muốn khi được trao cho cơ chế đặc thù.