29/11/2024

Khi học sinh thành phố bị… chí

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh tại TP.HCM phát hiện con mình (học bán trú bậc mầm non, tiểu học) bị lây chí (chấy) từ bạn cùng lớp.

 

Khi học sinh thành phố bị… chí

 Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh tại TP.HCM phát hiện con mình (học bán trú bậc mầm non, tiểu học) bị lây chí (chấy) từ bạn cùng lớp.

 

 

 

Khi học sinh thành phố bị... chí
Trẻ ngủ chung với nhau dễ lây chí cho nhau – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chí là loại động vật ký sinh trên tóc và da đầu người. Chúng hút máu vật chủ để sống. Vì vậy khi bị chí, trẻ sẽ cảm thấy ngứa, khó chịu, ảnh hưởng tới việc tập trung học tập.

Chí không cánh nhưng dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác do việc đùa giỡn, chụm đầu gần nhau hay sử dụng chung khăn, gối, mền… Tỉ lệ lây lan càng cao đối với học sinh bán trú.

Trị xong vô lớp lại bị lần 2, lần 3

Chị H.T. (phụ huynh có con học lớp 4 tại TP.HCM) cho biết: “Cháu bị lây chí từ bạn cùng lớp. Khi về nhà mình có cho gội đầu bằng thuốc trị chí. Hết được khoảng gần một tháng thì gia đình phát hiện cháu bị lại lần 2 do cháu cứ than ngứa đầu, gãi liên tục”.

Con gái học mầm non của chị T.V. (ngụ Q.12, TP.HCM) cũng từng bị chí và chị đã điều trị dứt điểm cho bé. Tuy nhiên gần đây, chị Vân tiếp tục lo lắng khi hàng xóm cho hay 2 cháu gần nhà (học cùng lớp với con chị) lại đang bị chí. “Mình trị tại nhà hết sạch rồi nhưng đi học bán trú thì thế nào con cũng sẽ bị lây. Nhất là con gái tóc dài”, chị V. cho biết.

Một số phụ huynh khác còn bức xúc hơn khi con họ bị lây chí đến lần thứ 3-4 trong vòng 1 năm học. Cháu bé ngứa đến mức mẹ phải đi cắt trụi tóc cho con.

Cô giáo mầm non Võ Thị Nguyễn Khá (TP.HCM) cho biết thỉnh thoảng các cô vẫn “đau đầu” khi gặp trường hợp trẻ bị chí. Theo cô Khá, trẻ vốn tinh nghịch nên khi bị chí, các cô phải vất vả tìm cách hạn chế lây lan.

Một số trường không tắm cho trẻ, chỉ có thay đồ vào buổi chiều trước khi trả về cho phụ huynh. Do vậy, nhiều giáo viên mầm non thường lúng túng trong xử lý. Thông thường, các cô giáo phải tự học hỏi nhau kinh nghiệm trị chí cho trẻ vì loại bệnh này không được tập huấn hay có hướng dẫn cụ thể như các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy…

Phải xử lý đồng loạt

ThS Đào Thị Minh Tâm – giảng viên môn vệ sinh bệnh học trẻ em (khoa giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm TP.HCM) – lưu ý chí rận không phải bệnh truyền nhiễm nên không cần cách ly trẻ trong quá trình điều trị. Khi phát hiện trẻ bị chí, giáo viên và phụ huynh phải biết nguyên tắc trị chí là trị đồng loạt mới mang lại hiệu quả, hạn chế được lây lan.

Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non cần vệ sinh khăn, gối, mền sạch sẽ, có thể trụng qua nước sôi và phơi nắng. Sắp xếp vị trí sinh hoạt, vui chơi cho lớp phù hợp, có khoảng cách nhất định (không phải cách ly) giữa trẻ bị chí và bạn cùng lớp khi ngủ nghỉ.

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu) cho rằng cả gia đình, nhà trường phải phối hợp với nhau trong điều trị chí đồng loạt vì nếu chỉ một phía quan tâm mà phía còn lại thì không, nguy cơ trẻ bị lại rất cao.

Tránh làm trẻ tổn thương

Theo bác sĩ Hoàng, khi gia đình phát hiện trẻ bị chí cần báo cho thầy cô chăm sóc trẻ biết để họ có cách xử lý. Không nên âm thầm trị vì lúc trẻ đến trường có thể lây sang trẻ khác. Không chỉ khi ngủ mới lây chí mà bất kỳ lúc nào khi trẻ học tập, vui chơi, sinh hoạt… đều có khả năng lây lan.

Một hiệu trưởng trường mầm non tại TP.HCM cho rằng người lớn bị chí thì trị và hạn chế lây lan rất dễ dàng nhưng với trẻ nhỏ thì phụ huynh, các cô phải thật khéo léo để trẻ không bị tổn thương. Vì nếu thầy cô đối xử với trẻ bị chí có sự khác biệt so với các bạn cùng lớp như không cho ngồi gần, không cho ngủ chung, đồ dùng của trẻ có đánh dấu riêng… thì trẻ sẽ mặc cảm, nghĩ rằng mình đang bị cách ly với các bạn.

Các thầy cô có thể đề xuất với ban giám hiệu hoặc phụ huynh có con bị chí để được hỗ trợ trong việc tắm gội cho trẻ. Lớp nào có tổ chức tắm cho trẻ mỗi ngày thì càng tốt.

Tuyệt đối thầy cô không được lơ là hay có thái độ phó mặc, gửi trẻ về nhà cho phụ huynh trị vì khi đó đã thể hiện thầy cô bất lực trong xử lý. Thầy cô cũng có thể gội đầu riêng cho trẻ bị chí bằng dầu gội đặc trị và chia sẻ với cả lớp là vì bạn vui chơi nhiều nên đầu bị dơ, cần phải gội.

Phụ huynh có trẻ bị chí cần phối hợp tốt với nhà trường. Việc điều trị đồng loạt nên được thực hiện dứt điểm trong một tuần.

Có chí dễ nhiễm trùng da đầu

Theo BS Huỳnh Huy Hoàng, khi trẻ bị chí, rất dễ bị nhiễm trùng da đầu do trẻ cảm thấy ngứa nên gãi mạnh làm tróc da. Tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến việc nổi hạch ở cổ hoặc mang tai. Chí hút máu ở phần chân tóc nên cũng sẽ ảnh hưởng đến bộ phận này của tóc và gây rụng tóc (số lượng rụng không nhiều).

MẠNH KHANG