Hướng sản phẩm đến việc đổi mới giáo dục
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục (do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long, báo Tuổi Trẻ tổ chức) đã bước sang mùa thứ hai, là môi trường giúp trí thức trẻ đề xuất các sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục.
Hướng sản phẩm đến việc đổi mới giáo dục
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục (do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long, báo Tuổi Trẻ tổ chức) đã bước sang mùa thứ hai, là môi trường giúp trí thức trẻ đề xuất các sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục.
Trao bằng khen cho ba tác giả và nhóm tác giả có công trình xuất sắc – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Năm 2016 – năm đầu tiên tổ chức chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức trẻ trong cả nước.
Từ 267 hồ sơ, công trình, sáng kiến tham gia, ban tổ chức đã chọn ra 16 công trình, sáng kiến vào vòng chung kết và trao giải cho 3 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất.
Kết nối doanh nghiệp với tác giả đoạt giải
Tại lễ phát động chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017, 3 nhóm tác giả đoạt giải nhất năm 2016 đã được mời tham gia buổi lễ.
Tại đây, ban tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp kết nối, hỗ trợ các công trình, sản phẩm đoạt giải sớm hoàn thiện đưa vào ứng dụng trong công tác giảng dạy, đào tạo.
Với công trình “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của tác giả Lê Thị Bé Nhung (tỉnh Bến Tre), NXB Trẻ đã nhận lời biên tập thành sách phát hành trên thị trường trong năm học 2017-2018. Đồng thời ban tổ chức quyết định trao 50 triệu đồng hỗ trợ chi phí biên tập, phát hành.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thiết bị giáo dục cũng đã kết nối với tác giả Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) với công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ, để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông” để sản xuất thành sản phẩm.
Đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và thiết bị giáo dục, ông Đặng Hùng Lập chia sẻ khi thấy anh Nguyễn Quốc Huy tâm huyết với ngành giáo dục như vậy, công ty muốn đồng hành với anh, nhằm sớm đưa được sản phẩm ra thị trường.
Hướng tới sản phẩm cuối cùng
Tiếp nối những thành công của mùa giải trước, năm nay ban tổ chức tiếp tục mở rộng đối tượng dự thi là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang ở trong nước hay đang học tập, làm việc tại nước ngoài với mong muốn đón nhận tình cảm, tâm huyết của những người trẻ Việt ở nhiều nơi, thông qua các công trình, sáng kiến hữu ích.
Đại diện Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Minh Triết – trưởng ban thanh niên trường học, phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam – khẳng định: “Các cuộc thi khác chỉ hướng tới giải thưởng.
Nhưng với cuộc thi này chúng tôi xác định hướng tới sản phẩm cuối cùng của các tác giả dự thi”. Đồng thời Trung ương Đoàn sẽ là cầu nối để kết nối các tác giả với doanh nghiệp.
Đánh giá đây là cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng tham gia vào việc đổi mới giáo dục đào tạo, ông Dương Văn Bá – phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT – cho rằng các tác giả đoạt giải cần phải tiếp tục hoàn thiện công trình, sản phẩm của mình để mau chóng ứng dụng vào thực tế.
“Tôi cho rằng sản phẩm đoạt giải ở cuộc thi sẽ có lợi thế rất lớn. Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn đã ký chương trình phối hợp tổng thể, có sự cam kết của hai bên, phối hợp triển khai. Với sự vào cuộc như vậy thì các sản phẩm sẽ nhanh chóng được đưa vào ứng dụng thực tiễn giảng dạy” – ông Bá nhấn mạnh.
Với mong muốn tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình trong cộng đồng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến, ý tưởng thiết thực, ông Nguyễn Văn Hải – phó trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Bắc – đề xuất: từ năm sau, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra một danh sách gợi ý, định hướng nghiên cứu cho các bạn trí thức trẻ; chỉ ra trọng tâm, trọng điểm để người dự thi có thể tham khảo, lựa chọn và theo đuổi những sáng kiến, công trình, dự án mang tính khả thi, tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo của nước nhà trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất này đã được đại diện Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn đón nhận và cho biết sẽ bổ sung vào quy chế các đợt thi sau.
Ông Trịnh Văn Hào – giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, thành viên ban tổ chức chương trình – cho biết: “Ban tổ chức chúng tôi sẽ theo sát quá trình hoàn thiện công trình của các tác giả và sẵn sàng làm cầu nối để tìm kiếm các đơn vị có khả năng triển khai các công trình này.
Thực tế năm 2016, khi ban tổ chức “gõ cửa” các nguồn lực để bàn về việc hợp tác ứng dụng công trình, nhiều đơn vị đã sẵn sàng hỗ trợ vì trân trọng nỗ lực sáng tạo của người trẻ, tin tưởng những công trình này sẽ mang lại giá trị lớn khi ứng dụng vào đời sống”.
10-10-2017: hạn cuối tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2017 Chương trình hướng đến ba nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Cách thức tham dự: 1 bản đăng ký theo mẫu của chương trình (tải tại đường link http://bit.ly/2oWF3tO); 1 bản tóm tắt về công trình, sáng kiến (không quá một trang giấy A4); 4 bản toàn văn (không giới hạn độ dài, dung lượng) và các phụ lục, hình ảnh, video clip minh hoạ, bản vẽ kỹ thuật kèm theo (nếu có). Hạn cuối gửi hồ sơ tham gia đến ngày 10-10-2017, về địa chỉ: chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017, Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn, số 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoặc gửi tới hòm thư điện tử: [email protected]. Giải thưởng lớn nhất của chương trình dành cho công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất trị giá 100 triệu đồng và kỷ niệm chương “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ GD-ĐT (tối đa 5 giải). Mọi thắc mắc về chương trình vui lòng liên hệ đường dây nóng: 04.6263.1852 hoặc 0988.968.037. |