26/12/2024

Triển khai song song là theo quy trình ngược

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng có nhiều điểm cần phải xem xét lại và làm rõ hơn về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

 GÓP Ý DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ:

Triển khai song song là theo quy trình ngược

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng có nhiều điểm cần phải xem xét lại và làm rõ hơn về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

 

 

Triển khai song song là theo quy trình ngược
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra 6 phẩm chất cho học sinh như Yêu đất nước, Yêu con người, Chăm học, Chăm làm, Trung thực, Trách nhiệm… Ảnh: học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Hùng chia sẻ:

– Dự thảo đưa ra 6 phẩm chất là Yêu đất nước, Yêu con người, Chăm học, Chăm làm, Trung thực, Trách nhiệm… Xét về mặt khái niệm, nghĩa từ vựng, tôi thấy 6 khái niệm đó không cùng một hệ thống, vì vậy không đảm bảo tính hệ thống, tính bao quát, tính khoa học.

Tôi băn khoăn tại sao lại chỉ là 6 phẩm chất? Nếu ban soạn thảo “chốt” 6 phẩm chất thì phải lý giải rõ ràng, thuyết phục.

Tôi nhớ từng có một bài viết “Hành trang thế kỷ XXI” (được học ở lớp 9) rất hay, phân tích về ưu và nhược điểm của người Việt trong thế kỷ này. Bên cạnh ưu điểm là cần cù, chăm chỉ thì có nhược điểm là sự thiếu tỉ mỉ, cẩn trọng. Bên cạnh sự đoàn kết là tính so bì, đố kỵ…

Nếu đặt ra việc giáo dục phẩm chất cho học sinh trong bối cảnh xã hội VN ở tương lai, thì cần có nghiên cứu để xem những ưu điểm nào cần phát huy, nhược điểm nào cần hạn chế nhằm phù hợp với yêu cầu mới, chứ không thể đưa ra một cách chủ quan.

* Vậy còn 10 năng lực, theo ông cũng có vấn đề tương tự?

Triển khai song song là theo quy trình ngược
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Ảnh: V.H.

 

– Tôi thấy cách gọi tên 10 năng lực cũng không ổn. Nhiều năng lực trong dự thảo thực chất không phải năng lực, mà chỉ là nội dung và tên gọi của các môn học trong hệ thống môn học được đưa vào chương trình.

Ví dụ, tôi thấy khá khôi hài khi đưa năng lực Tìm hiểu khoa học tự nhiên và xã hội vào, sau đó lại phân ra làm các năng lực Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu xã hội. Tôi thấy nên thay bằng Năng lực nghiên cứu thì đúng hơn.

Tương tự, tôi thấy không ổn khi đặt ra Năng lực công nghệ, Năng lực tin học, Năng lực thể chất… vì đó là tên các môn học, còn môn học đó hình thành những năng lực chuyên biệt và năng lực chung nào thì phải có tên gọi cho nó…

Đây mới chỉ là những nội dung đơn giản nhưng đã không chuẩn, thiếu tính logic khoa học, thiếu thuyết phục thì khó làm chắc được những cái lớn hơn. Một chương trình giáo dục tổng thể cần có tính hệ thống, khoa học chứ không phải mang tính mặt trận, có môn nào thì áp vào năng lực giống tên môn học đó như thế này.

* Theo ông, việc đặt ra mốc thời gian năm 2018 thực hiện có quá vội không?

– Khoảng thời gian công bố về chương trình và biên soạn SGK quá gần.

Để tháng 9-2018 thực hiện chương trình mới ở lớp 1 thì tháng 6-2018 phải hoàn thành SGK, trước đó là góp ý, dạy thử, tập huấn giáo viên, phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc dạy học, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Nhưng đến nay dự thảo chương trình vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn. Tôi thấy như thế sẽ rất vội.

Chưa kể chương trình sắp tới sẽ cho phép sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau. Như vậy, các nhóm viết sách cần phải biết chắc chắn chương trình như thế nào thì mới triển khai viết sách. Và để một bộ SGK được sử dụng phải qua nhiều khâu biên soạn, thẩm định, duyệt cho phép sử dụng…

* Nhưng theo tiết lộ của những người biên soạn chương trình, hiện nay các nhóm thực hiện xây dựng chương trình bộ môn đang tiến hành…

– Trong khi chương trình tổng thể còn chưa được duyệt, còn đang trưng cầu ý kiến thì việc triển khai song song các khâu khác là… đi theo quy trình ngược. Nếu chương trình tổng thể phải điều chỉnh, không lẽ tất cả các khâu khác đã làm rồi cũng phải điều chỉnh theo? Còn đưa ra trưng cầu ý kiến mà không điều chỉnh theo những góp ý hợp lý thì việc trưng cầu ý kiến chỉ mang tính hình thức.

* Ông có nhận xét gì về đội ngũ giáo viên hiện nay khi đứng trước thách thức lớn về việc thực hiện một chương trình giáo dục có nhiều điểm mới?

– Trong dự thảo chương trình có nhiều môn học được tích hợp từ nhiều môn học truyền thống trước đây. Điều này đòi hỏi phải có giáo viên dạy được tích hợp, trong khi các trường sư phạm hiện nay chưa có sự chuyển dịch đi trước, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông, vẫn chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên đơn môn.

Có lẽ giải pháp tình thế là giáo viên bộ môn trước đây vẫn đảm nhiệm phân môn riêng của mình. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu tích hợp, cần phải đào tạo để một giáo viên dạy được môn học tích hợp nhiều phân môn, nhất là các chủ đề tích hợp sâu từ nhiều phân môn.

Trao quyền chủ động cho giáo viên đến đâu?

“Nhìn rộng hơn về đội ngũ nhà giáo, tôi cho rằng cần có những tác động, điều chỉnh mạnh mẽ để xây dựng môi trường dạy học hợp lý ở các nhà trường phổ thông; có cơ chế sử dụng, đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho giáo viên làm việc.

Trước một thay đổi lớn như thế này, cần phải làm rõ việc trao quyền chủ động cho giáo viên đến đâu? Những vấn đề này chưa chạm đến, chưa được giải quyết thì việc triển khai đại trà chương trình sẽ khiến xã hội lo ngại”.PGS.TS Nguyễn Việt Hùng

VĨNH HÀ thực hiện