10/01/2025

Buồng trứng nhân tạo

Chuột cái được thay buồng trứng tự nhiên bằng bộ phận nhân tạo đã có thể sinh chuột con một cách bình thường. Điều này mở ra nhiều hứa hẹn cho việc chữa trị trục trặc sinh sản cũng như những vấn đề sức khỏe ở người.

 

Buồng trứng nhân tạo

Chuột cái được thay buồng trứng tự nhiên bằng bộ phận nhân tạo đã có thể sinh chuột con một cách bình thường. Điều này mở ra nhiều hứa hẹn cho việc chữa trị trục trặc sinh sản cũng như những vấn đề sức khoẻ ở người.




Nghiên cứu mới mở ra hy vọng cho việc sinh sản cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khácẢNH: SHUTTERSTOCK

Bộ phận nhân tạo được in bằng kỹ thuật 3D dựa trên vật liệu gelatin nhằm tạo ra một giàn khung có thể chứa nang trứng. Gelatin là một chất hydrogel làm từ collagen, vốn có trong xương và da người, từ đó bảo đảm an toàn khi sử dụng bên trong cơ thể.
Giáo sư Ramille Shah, chuyên gia về khoa học vật liệu của Đại học Tây Bắc (Mỹ), cho biết: “Đa số các hydrogel rất yếu, do chúng được cấu tạo phần lớn từ nước và thường không thể tự đứng vững”. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã xác định được mức nhiệt độ cho phép gelatin duy trì cấu trúc và có thể được tạo thành từ nhiều lớp khác nhau.
Qua quá trình theo dõi, các chuyên gia phát hiện buồng trứng nhân tạo trong chuột cái duy trì được chức năng dài hạn và bền bỉ. Điều quan trọng hơn, chuột cái vẫn có thể tiết sữa bình thường trong lúc nuôi chuột sơ sinh. Đây cũng là báo cáo đầu tiên chứng tỏ “cấu trúc kiểu giàn giáo đã tạo nên sự khác biệt” cho các nang trứng, với mỗi nang chứa một trứng duy nhất, dù phương pháp này chỉ thực hiện được khi vẫn còn nang trứng ở bệnh nhân ung thư. Dựa trên những thông tin thu thập được, đội ngũ các nhà nghiên cứu tỏ ra tự tin khi dự đoán kỹ thuật mới sẽ có thể giúp khôi phục năng lực sinh sản ở phụ nữ vô sinh trong quá trình điều trị ung thư. Không dừng lại ở đó, họ còn cho rằng một ngày không xa kỹ thuật trên có thể hỗ trợ thiết kế một loạt cơ quan nhân tạo thay thế những bộ phận cấy ghép hiện dựa vào nguồn hiến từ người đã mất, loại bỏ nguy cơ phải dùng thuốc áp chế hệ miễn dịch suốt đời để tránh tình trạng đào thải.

Một trong các nhà nghiên cứu là Giáo sư Teresa Woodruff của Đại học Tây Bắc cho hay: “Vận dụng kỹ thuật y sinh thay cho việc ghép nội tạng từ xác chết, nhằm tạo ra các cấu trúc cơ thể đủ chức năng và khôi phục lại tình trạng sức khoẻ lành mạnh ở mô cho một bệnh nhân, hiện được xem là chén thánh trong kỹ thuật y sinh của ngành y học tái tạo”. Phát biểu khi công bố báo cáo trên chuyên san Nature Communications, nữ chuyên gia nhấn mạnh khía cạnh gây hào hứng nhất rút ra từ công trình nghiên cứu này là con người sẽ có được năng lực chế tạo các buồng trứng nhân tạo. “Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được cách khôi phục năng lực sinh sản cho các bệnh nhân sống sót sau khi trị liệu ung thư”, nhưng mọi việc có thể thay đổi hoàn toàn với hướng tiếp cận mới, theo dự đoán của Giáo sư Woodruff.

Trước tin tức đầy hứa hẹn trên, đội ngũ chuyên gia cũng thận trọng khi cho hay cần phải tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu để xác định liệu buồng trứng nhân tạo sẽ hoạt động đúng chức năng khi ứng dụng cho người, và phải chắc chắn rằng không tồn tại nguy cơ xuất hiện các tế bào ung thư khi dùng cơ quan nhân tạo.

 

Tụ Yên