Đái tháo đường từ tuổi lên… 10
Các bác sĩ cho biết có nhiều trẻ mới 10-13 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 – loại bệnh có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số trẻ em bị thừa cân béo phì ngày một gia tăng.
Đái tháo đường từ tuổi lên… 10
Các bác sĩ cho biết có nhiều trẻ mới 10-13 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 – loại bệnh có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số trẻ em bị thừa cân béo phì ngày một gia tăng.
Trẻ em cần được vận động mỗi ngày để tránh béo phì và các bệnh nguy cơ từ béo phì mà ra – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Mới 10 tuổi nhưng cháu gái T.N.P.T. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã nặng tới 42kg. Bà N.T.L., 42 tuổi, mẹ cháu T., kể điều kiện kinh tế gia đình bà khó khăn. Lúc mang thai bà không bồi bổ gì nhiều nhưng khi sinh ra cháu T. vẫn nặng 3,8kg.
Học lớp 4 đã mắc bệnh
Gần đây, cháu T. bỗng bị sút cân, hay tỉnh giấc vào ban đêm, chân cháu lạnh, bàn tay đổ nhiều mồ hôi, da cháu bị hăm nhưng bôi thuốc mãi không khỏi.
Bà T. nghi ngờ con mắc bệnh ĐTĐ nên đưa con đến Bệnh viện Q.12 khám và đúng như bà nghi ngờ, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh ĐTĐ.
Sau đó, bệnh viện này khuyên bà đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để được điều trị. Sau đó, cháu T. được xác định mắc ĐTĐ type 2 và hiện đang được theo dõi điều trị định kỳ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo bà L., trong gia đình bà nội cháu T. cũng mắc bệnh ĐTĐ type 2. Hiện cháu vẫn chưa thể kiểm soát được mức đường huyết, lúc xuống quá lúc lại lên cao quá. Khi cháu ở nhà, gia đình luôn hướng dẫn cho cháu ăn kiêng nhưng cả ngày cháu đi học ở trường, ăn trưa tại trường nên khó kiêng cữ được. Cháu còn nhỏ nên vẫn theo các bạn ăn kẹo, bánh.
Bác sĩ yêu cầu gia đình mỗi ngày cho cháu ăn 6 bữa nhưng cháu đi học suốt, điều kiện gia đình khó khăn nên không theo được chế độ ăn uống này.
TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện có hơn 100 trẻ mắc bệnh ĐTĐ theo dõi, điều trị định kỳ, trong đó số trẻ mắc bệnh ĐTĐ type 2 chiếm khoảng 10%.
Thường bệnh ĐTĐ type 2 liên quan đến di truyền và dư cân. Thực tế cho thấy 80% trẻ mắc bệnh ĐTĐ type 2 đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 bị dư cân và có người trong gia đình mắc bệnh ĐTĐ type 2.
Tránh để trẻ bị dư cân
Theo BS CKI Trần Minh Triết – khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ĐTĐ thường gặp ở những người trên 45 tuổi (yếu tố nguy cơ của ĐTĐ).
Tuy nhiên gần đây, nhiều ca ĐTĐ trẻ tuổi được phát hiện nhiều hơn với những lý do như tỉ lệ thừa cân béo phì ngày càng gia tăng, do thay đổi lối sống (ít vận động, ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn nhanh…), tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ ngày càng nới rộng hơn nhằm phát hiện sớm các đối tượng có yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra, khoa học ngày càng phát triển, xét nghiệm máu ngày càng đơn giản hơn để chẩn đoán bệnh.
Những người bệnh ĐTĐ type 2 ở độ tuổi từ 25-35 cũng bắt đầu tăng dần. Đối với người bệnh trẻ bị ĐTĐ type 2, vấn đề kiểm soát đường huyết rất khó khăn vì trẻ đang độ tuổi đi học, dậy thì, nhu cầu phát triển cơ thể cao, nhận thức chưa đủ chín chắn, chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của bệnh, khó tuân thủ một chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực hợp lý.
Vai trò của cha mẹ đối với những người bệnh trẻ tuổi bị ĐTĐ rất quan trọng, phải luôn quan tâm chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực theo dõi đường huyết và tâm lý cho người bệnh.
Một điều khó khăn nữa là việc áp dụng các nhóm thuốc điều trị ĐTĐ ở trẻ em còn rất hạn chế (không như người trưởng thành hiện tại có rất nhiều loại thuốc)…
Theo BS Minh Triết, hiện nay có bốn loại ĐTĐ, đó là ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ thai kỳ và ĐTĐ do nguyên nhân khác, trong đó ĐTĐ type 2 chiếm đại đa số các trường hợp (hơn 90%). Nguy cơ ĐTĐ type 2 sẽ càng cao nếu trong gia đình có nhiều người thân bị ĐTĐ.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường sống, xã hội ngày càng phát triển làm gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì (do lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt…), từ đó làm tỉ lệ người bệnh ĐTĐ type 2 ngày càng gia tăng.
ĐTĐ thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mãn tính trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, ĐTĐ và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có một chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.
Để phòng ngừa và phát hiện sớm ĐTĐ cần có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý. Giữ cho trẻ phát triển bình thường đủ dinh dưỡng nhưng không nên quá thừa cân béo phì, tập luyện thể thao điều độ… Và nếu phát hiện có yếu tố nguy cơ thì nên được tầm soát sớm.
ĐTĐ là một bệnh mãn tính không lây đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Theo số liệu ước tính của Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF), tính đến năm 2015 trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này dự kiến sẽ tăng lên mốc 642 triệu người đến năm 2040. Hiện nay, cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị ĐTĐ, và cứ mỗi 6 giây, trên thế giới sẽ có 1 người tử vong do bệnh ĐTĐ. |