Chủ tịch UBND các tỉnh không thể không nhận trách nhiệm trước nạn cát tặc, phá rừng
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân kiên quyết yêu cầu phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý nạn cát tặc, phá rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh không thể không nhận trách nhiệm trước nạn cát tặc, phá rừng
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân kiên quyết yêu cầu phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý nạn cát tặc, phá rừng.
Tại phiên họp chiều qua (16.5), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Theo Phó chủ tịch Uỷ ban T.Ư (UBT.Ư) MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, QH khoá 14, Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị gửi tới QH.
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Chống tham nhũng không có vùng cấm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: ‘Quyết tâm phòng chống tham nhũng không có vùng cấm với bất kỳ quan chức nào từ Trung ương đến địa phương’.
Liên quan đến vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, báo cáo cho biết cử tri và nhân dân ghi nhận những kết quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện được quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân.
Theo báo cáo, cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Báo cáo cũng cho biết cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng là một vấn đề được nhiều cử tri, người dân phản ánh.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết Đoàn chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN đã nhiều lần phản ánh với QH, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này, nhưng đến nay việc khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận.
Chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đây cũng chính là một trong những điểm nhấn của báo cáo này. Theo ông Nhân, vấn đề trên đã được Thủ tướng chỉ đạo nhưng đã xảy ra tình trạng “trên nói, dưới không nghe” dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Nhân, cử tri và nhân dân kiên quyết không chấp nhận tình trạng này, yêu cầu phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý. “Lần này chúng tôi muốn tỏ thái độ không chấp nhận thái độ không nhận trách nhiệm trước tình hình đã kéo dài nhiều năm này”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
68% kiến nghị của dân được trả lời bằng việc cung cấp thông tin
Đây là thông tin được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết tại phiên thảo luận của UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, QH khoá 14.
Theo báo cáo, một số hạn chế của Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị cử tri đã được UBTVQH nêu tại báo cáo giám sát kỳ trước nhưng chậm được khắc phục, chẳng hạn hiện tượng các bộ quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết các kiến nghị cử tri.
Trên thực tế, mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn (3.119 kiến nghị) nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao, trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin. Cá biệt có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm.
Một số bộ được nêu tên trong danh sách còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết xong gồm Bộ VH-TT-DL (32 kiến nghị), Bộ NN-PTNT (20), Bộ LĐ- TB-XH (17), Uỷ ban Dân tộc (8)… Đặc biệt, có những kiến nghị mà cử tri kiến nghị từ kỳ họp thứ 8, QH khoá 13 (10.2014) tới nay vẫn chưa được giải quyết.
|
Trường Sơn