Để quảng cáo không là lời có cánh
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chỉ thị của Thủ tướng trong việc tăng cường chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, các chuyên gia đều đồng tình với việc chấn chỉnh này để quảng cáo thực sự hiệu quả.
Để quảng cáo không là lời có cánh
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chỉ thị của Thủ tướng trong việc tăng cường chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, các chuyên gia đều đồng tình với việc chấn chỉnh này để quảng cáo thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn An Chất, bà Di Li và ông Nguyễn Đình Thành – Ảnh: NVCC |
Ông Nguyễn Đình Thành (chuyên gia truyền thông):
Có ủy ban giải quyết các vấn đề quảng cáo
Quảng cáo online đang rất phát triển nhưng môi trường Internet rất khó kiểm soát. Vì vậy, để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, đó phải là việc của liên bộ, ít nhất gồm 4 đơn vị: Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp VN.
Với xu hướng phát triển quảng cáo online như hiện nay, chỉ có thể tăng cường công tác hậu kiểm chứ không thể tiền kiểm đối với hoạt động quảng cáo.
Các quảng cáo gây tổn hại đến an ninh quốc gia, quảng cáo bạo lực có thể dễ dàng kiểm soát, nhưng những quảng cáo trái truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục mới khó xử lý. Vì vậy cần thiết có một ủy ban giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo.
Ở VN, các hộ kinh doanh, bán hàng online rất nhiều và đều có nhu cầu quảng cáo. Những quảng cáo này có thể sẽ có lúc phản cảm nếu bất chấp đạo đức, văn hoá.
Với những trường hợp này phải xử phạt nghiêm. Đồng thời ở tầm vĩ mô, cơ quan quản lý phải kết hợp với Google, Facebook… để quản lý các nội dung quảng cáo.
Nếu ban hành bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, khi soạn thảo phải tham khảo ý kiến nhiều bên liên quan, sau đó tổ chức diễn đàn (cả diễn đàn online) để thảo luận.
Nhưng theo tôi, bộ quy tắc này sẽ ít được quan tâm bởi không mang lại quyền lợi thực sự cho người đang làm công việc quảng cáo.
Nếu có, chỉ cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực quảng cáo và chỉ rõ đối tượng áp dụng của quy tắc. Và thay vì đưa ra bộ quy tắc, vấn đề cần thiết là thực thi nghiêm túc Luật quảng cáo bởi lâu nay các chế tài chưa được áp dụng đúng mức.
Bà Di Li (chuyên viên tư vấn quảng cáo và truyền thông):
Quảng cáo đang gây hiệu ứng thẩm mỹ ngược
Câu chuyện lớn nhất của quảng cáo theo tôi vẫn là tính thẩm mỹ. Thứ nhất là ở hệ thống quảng cáo ngoài trời, các vật mang quảng cáo như biển bảng, panô, tờ rơi phải đạt tính thẩm mỹ.
Nhưng tình trạng thấy chỗ nào trống là trám quảng cáo vào đấy, đặc biệt là những tờ rơi quảng cáo dán trái phép đã gây hiệu ứng ngược về thẩm mỹ. Trong khi lẽ ra quảng cáo phải làm đẹp thành phố.
Đối với quảng cáo truyền hình, radio, báo giấy, báo mạng… ngoài hình ảnh, lời thoại của nhân vật hay câu khẩu hiệu của người mẫu phải đạt mỹ quan thay vì gây cười và phản cảm.
Tôi mừng vì Thủ tướng ra chỉ thị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nhưng cũng lo đâu là ngưỡng giữa thẩm mỹ và phi thẩm mỹ, đâu là khuếch đại được phép và không được phép sẽ làm khó cho người thực hiện.
Nếu người thực hiện việc cấp phép mà trình độ non kém sẽ gây ra sự phản ứng như chúng ta từng thấy trong ngành cấp phép biểu diễn, thi hoa hậu, lưu hành bài hát, trang phục biểu diễn. Thậm chí, đây có thể còn là kẽ hở gây ra nạn quan liêu, nhũng nhiễu khi cấp giấy phép quảng cáo.
Tôi nghĩ nếu thực thi tốt, quyết liệt, chúng ta sẽ thanh thải được hàng loạt quảng cáo rao vặt trái phép ở bờ tường, cột điện… Còn về yếu tố phản cảm và thẩm mỹ là những thứ khó định lượng nên cần cái tầm văn hoá rất lớn của người duyệt giấy phép.
Ông Nguyễn An Chất (chuyên gia tâm lý):
Quảng cáo làm giảm lòng tin người tiêu dùng
Hiện có nhiều quảng cáo lệch lạc, không chuẩn, trong đó có những thông tin quảng cáo không chính xác làm giảm lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp.
Truyền hình có những quảng cáo quá mức như sản phẩm dinh dưỡng đến nỗi có thể làm một đứa trẻ vụt cao lớn hay bỗng thông minh như thần đồng. Đó là những điều rất cần chấn chỉnh.
Ngoài ra cũng quy định rõ nếu có sai phạm thì người đứng đầu đơn vị quản lý lĩnh vực đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Như vậy hoạt động quảng cáo mới lành mạnh hơn.
Rao vặt treo trên cột chỉ dẫn giao thông tại đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM – Ảnh: HỮU THUẬN |
Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, sổ tay hướng dẫn về công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong quý 3-2017. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng. Chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo; xây dựng các địa điểm dành riêng cho quảng cáo rao vặt; huy động các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư tham gia gỡ bỏ quảng cáo rao vặt trái phép… |