27/12/2024

Quần đảo Cát Bà trước sức ép ‘siêu dự án’

Dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà (H.Cát Hải, TP Hải Phòng) được khởi công ngày 14-5 bất chấp nhiều lo ngại về tác động môi trường ở khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 

Quần đảo Cát Bà trước sức ép ‘siêu dự án’

 Dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà (H.Cát Hải, TP Hải Phòng) được khởi công ngày 14-5 bất chấp nhiều lo ngại về tác động môi trường ở khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 

 

 

Quần đảo Cát Bà trước sức ép 'siêu dự án'
Một góc quy hoạch quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà – Đồ hoạ: V.CƯỜNG

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án này do Tập đoàn Sun Group thực hiện với tổng giá trị trên 3 tỉ USD.

Tuyến cáp treo hay dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà của Sun Group chỉ là một trong số nhiều dự án sẽ được triển khai ở Cát Bà.

Cuối năm 2014, chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Có 40 dự án được nêu ra trong bản quy hoạch, đáng chú ý gồm các dự án như thủy cung sinh vật biển Cát Bà, khu dịch vụ du lịch khinh khí cầu tại thị trấn Cát Bà, sân golf Cát Bà 18 lỗ, tuyến cầu treo sinh thái và tuyến ZipFly trong Vườn quốc gia Cát Bà, casino trong vườn quốc gia hoặc trên một hòn đảo, nâng cấp và xây mới các khu du lịch nghỉ dưỡng trên hệ thống các đảo nhỏ của vịnh Lan Hạ, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ, phát triển sự kiện du lịch thường niên “Bữa tiệc ánh sáng” trên biển ở khu vực vịnh Lan Hạ…

Quần đảo Cát Bà trước sức ép 'siêu dự án'
Ảnh từ clip giới thiệu quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí Cát Bà

Nâng tầm Cát Bà?

Hạng mục đầu tiên được khởi công trong ngày 14-5 là bến tàu và nhà ga của tuyến cáp treo Cát Bà. Đây là tuyến cáp treo vượt biển dài 21km, nối từ thị trấn Cát Hải tới thị trấn Cát Bà, đi qua xã Phù Long, Vườn quốc gia Cát Bà, vịnh Cát Đồn và kết thúc ở thị trấn Cát Bà.

Trong số này, điểm đáng chú ý là nhà ga thứ ba, được xác định nằm ở vị trí gần trung tâm hành chính của Vườn quốc gia Cát Bà.

Bên cạnh tuyến cáp treo, trong quần thể dự án còn có các hạng mục gồm ba sân golf Khe Sâu, Xuân Đám và Vườn quốc gia Cát Bà; khu vui chơi giải trí Cái Giá; đầu tư khai thác du lịch ở thị trấn Cát Bà, hang Quả Vàng, Gia Luận, vịnh Lan Hạ, làng Việt Hải, đảo Cát Ông, đảo Khỉ…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Khắc Nam, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trước khi dự án được khởi công, TP và Tập đoàn Sun Group đã nhiều lần khảo sát thực địa để lập quy hoạch tổng thể, tham vấn ý kiến của các bộ ngành có liên quan.

Ông Nam cho biết việc xây dựng tuyến cáp treo cũng như các hạng mục công trình sẽ chỉ thực hiện ở vùng ngoài, nằm ven biển, không triển khai và gây ảnh hưởng đến vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên Cát Bà vốn được quản lý nghiêm ngặt và nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng.

Ông Nam nhấn mạnh dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của khu du lịch Cát Bà.

“Dự án sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm khu du lịch Cát Bà trở thành một điểm du lịch đẳng cấp không kém so với những điểm du lịch khác trên thế giới” – ông 
Nam nhận định.

Quần đảo Cát Bà trước sức ép 'siêu dự án'
Khu vực bãi nuôi ngao của người dân xã Đồng Bài, huyện Cát Hải đã được san lấp để chuẩn bị cho việc xây dựng cáp treo – Ảnh: TIẾN THẮNG

Voọc Cát Bà có nguy cơ “mất nhà”

Ông Hoàng Văn Thập, giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, cho biết đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được đề nghị tham vấn hay bất kỳ thông tin gì liên quan đến các dự án sẽ được triển khai trong khu vực vườn quốc gia nói chung và khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho voọc 
Cát Bà nói riêng.

Tại Vườn quốc gia Cát Bà, ngoài khu vực bảo tồn loài voọc Cát Bà quý giá, còn có sơn dương và nhiều loài động thực vật quý khác.

Ông Thập cho rằng khi phát triển du lịch cũng cần có sự kết nối với cơ quan chuyên môn để bảo vệ sinh cảnh và các động vật quý hiếm đang được bảo tồn tại đây.

Tuy nhiên, không ít thành viên thuộc dự án bảo tồn voọc Cát Bà bày tỏ lo ngại về việc cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho voọc Cát Bà có thể bị phá vỡ, nơi mà loài linh trưởng nguy cấp nhất Việt Nam, nguy cấp thứ 2 châu Á và thế giới sắp phải đối mặt. Tính đến tháng 4-2017, tại khu vực Cát Bà chỉ 
còn 56 con voọc.

Ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND xã Đồng Bài, huyện Cát Hải, cho biết địa bàn xã Đồng Bài là nơi phải thu hồi diện tích lớn nhất, với trên 500ha trong tổng số khoảng 720ha phục vụ dự án mà Sun Group đầu tư xây dựng tại huyện Cát Hải.

Xã Đồng Bài có ba thôn thì hơn hai thôn phải di dời để phục vụ dự án, một thôn còn lại được ghép vào phần dự án cảng Tân Vũ – Lạch Huyện. Do đó, tới đây xã này sẽ sáp nhập với khu vực khác.

Hải Phòng muốn Cát Bà thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà của Sun Group được khởi động từ năm 2016.

Cụ thể, ngày 24-9-2016, ông Lê Văn Thành (bí thư Thành uỷ Hải Phòng) đã cùng ông Lê Viết Lam (chủ tịch Tập đoàn Sun Group) khảo sát địa điểm đầu tư tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.

Tại cuộc khảo sát này, phía Hải Phòng đã giới thiệu các vị trí đầu tư có đầy đủ các loại địa hình, cảnh quan đẹp và đặc thù. Quy mô các khu vực từ 50 – 2.000ha, hiện trạng thuận lợi, có thể triển khai ngay các dự án.

Sau cuộc khảo sát nói trên, hai bên đã thống nhất chủ trương đầu tư các dự án du lịch sinh thái biển trên quần đảo Cát Bà. Ông Lê Văn Thành khẳng định TP sẽ tạo điều kiện tối đa, thuận lợi nhất để Sun Group triển khai đầu tư vào Hải Phòng và huyện đảo Cát Hải với mong muốn biến Cát Bà thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế với giá trị khác biệt.

>>Sun Group nói gì về ‘siêu dự án’ Cát Bà?

K.HƯNG – TIẾN THẮNG