Những cuốn tự truyện viết về tuổi thơ thời chiến tranh, thời bao cấp xuất hiện trên văn đàn không chỉ là những câu chuyện của ký ức tác giả mà còn như những cánh cửa mở ra để độc giả khám phá, tiếp cận với lịch sử ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Không chỉ những câu chuyện của ký ức
Những cuốn tự truyện viết về tuổi thơ thời chiến tranh, thời bao cấp xuất hiện trên văn đàn không chỉ là những câu chuyện của ký ức tác giả mà còn như những cánh cửa mở ra để độc giả khám phá, tiếp cận với lịch sử ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Chiến tranh qua ánh mắt bé gái
Ba áng mây trôi dạt xứ bèo đã “trôi” khắp châu Âu trước khi đến VN với bản dịch tiếng Việt (NXB Trẻ ấn hành). Tác giả người Pháp gốc Việt Nuage Rose (tên thật là Bùi Thị Hồng Vân) không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Sau chuyến trở về thăm quê hương vào năm 2008, bà cảm thấy bị thôi thúc viết về những câu chuyện đã trải qua trong quá khứ như một liệu pháp (từ dùng của nhà văn) để trút ra hết, giải phóng mình khỏi những tổn thương, đau đớn. “Tôi chỉ muốn viết cho mình và cho các con của tôi. Những đứa trẻ sinh ra đã là người Pháp, tiếp thu nền văn hoá Pháp. Tôi muốn các con biết về đất nước của mẹ để chúng tôi hiểu và chia sẻ với nhau”, tác giả Hồng Vân cho hay. Bà đã viết trong suốt 5 năm. Lúc đầu, bà chỉ muốn giữ cho riêng mình, nhưng các con đã thúc giục bà đưa cuốn sách này đến với công chúng. Ba áng mây trôi dạt xứ bèo đã bất ngờ được Hội Nhà văn Pháp trao giải thưởng Tác phẩm được yêu thích nhất năm 2013.
Tôi chỉ muốn viết cho mình và cho các con của tôi. Những đứa trẻ sinh ra đã là người Pháp, tiếp thu nền văn hoá Pháp. Tôi muốn các con biết về đất nước của mẹ để chúng tôi hiểu và chia sẻ với nhau
Tác giả người Pháp gốc Việt Nuage Rose
Cuốn sách đã tiếp cận chiến tranh theo một cách rất mới: qua đôi mắt nhìn của cô bé Mây Hồng. Tác giả Hồng Vân không sử dụng ngôi thứ nhất là tôi mà thay vào đó là ngôi thứ ba. “Tôi muốn có độ lùi và khoảng cách nhất định khi viết. Có những câu chuyện nhìn lại như cuộc rải bom năm 1972 tại Khâm Thiên tôi cảm thấy mình không thể vượt qua được nỗi xúc động quá lớn. Nhưng nếu viết ở ngôi thứ ba, nhìn lại cô bé Mây Hồng là tôi, việc đó trở nên dễ dàng hơn”, bà lý giải. Cuốn sách là những câu chuyện trong chuyến hành trình gần 10 năm rời ngôi nhà thân yêu ở phố Triệu Việt Vương (Hà Nội) đi sơ tán ở Hải Dương của ba chị em Mây Hồng, Mây Vàng và Mây Xanh. Đó là chuyến hành trình khám phá của ba cô bé trong thế giới thiếu vắng mẹ cha, phải đối diện với cái đói, cái ác, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhung da diết; nhưng cũng có khi đó là thế giới của thiên nhiên rộng lớn, thế giới của tình yêu, sự quan tâm ấm áp của những người xa lạ, thế giới của hạnh phúc đoàn tụ. Một điều thú vị, trong cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, tác giả dùng nhiều từ nguyên văn bằng tiếng Việt như Bố, Mẹ, sơ tán, cơm, thầy giáo, trạm xá, bánh đúc, tàu bay… “Tôi muốn đưa độc giả sống cùng trong thế giới của tôi”, tác giả Hồng Vân lý giải. Nhiều độc giả châu Âu rất thích thú với cách viết này.
Nhà văn Trương Quý nhìn nhận: “Cuốn sách giúp độc giả phương Tây có góc nhìn mới từ phía những con người trong thời chiến ở miền Bắc. Đó là cái nhìn của những số phận, những con người nhỏ bé, chứ không phải là những góc nhìn lớn lao qua lăng kính báo chí thời sự”. Còn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét: “Tôi tin bất cứ độc giả thế hệ nào, trong đó có cả những độc giả trẻ đều sẽ tìm thấy những câu chuyện khiến mình quan tâm”.
Ra mắt trước đó, cuốn tự truyện Khu tập thể có giàn hoa tím (NXB Kim Đồng) của tác giả – kiến trúc sư Đức Phạm lại đưa người đọc về thế giới tuổi thơ của những cô bé, cậu bé thời kỳ bao cấp ở Hà Nội: con búp bê lật đật – món quà bố mang về từ Liên Xô, chiếc xe đạp Mi-pha bị mất, “cuộc chiến” phân chia bể nước, tập bơi bằng can nhựa… “Tôi muốn viết về những điều đã trải qua để lưu giữ làm kỷ niệm”, Đức Phạm chia sẻ. Nhà báo Đỗ Hương đồng cảm với những câu chuyện của Đức Phạm bởi: “Đó là những câu chuyện mà những đứa trẻ thế hệ 8X, 7X và cả 6X đều có thể tìm thấy tuổi thơ của mình”. Không chỉ vậy, Khu tập thể có giàn hoa tím còn giúp những đứa trẻ của thế hệ sau này hiểu về cuộc sống của giai đoạn lịch sử trước.
Hiện tượng văn chương
Nhà văn Trương Quý cho rằng trong nhiều năm trở lại đây có xu hướng “hoài cổ” trong nghệ thuật như ca nhạc, văn chương, hay trong đời sống như việc xuất hiện các quán cà phê với phong cách xưa. Cách đây 2 năm, cuốn tự truyện Quân khu Nam Đồng (NXB Trẻ) của tác giả Bình Ca đã trở thành một hiện tượng văn chương, được bán ra với hơn 20.000 bản. Đây là cuốn tự truyện của một cây bút nam về tuổi thơ của tác giả và những cậu con trai lớn lên trong khu tập thể nhà binh những năm 1970. Tác giả cũng là một cây bút không chuyên. Chính điều này, theo nhận xét của nhà văn Bảo Ninh, đã giúp cuốn sách “Không né tránh những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong đời sống xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen phủ hồng sự thật”.
“Con người ta đến một lứa tuổi nào đó có nhu cầu nhìn lại cuộc đời. Tự thân người viết, họ thấy ký ức tuổi thơ ấy, phần đời mình sống ấy có ý nghĩa chung cho mình, cho thế hệ của mình, cho bạn đọc. Còn từ phía công chúng, họ có nhu cầu đọc những điều viết thật, hay nói rộng ra, đọc những thứ phi hư cấu. Du ký, hồi ký, hay tự truyện nằm trong dòng đó. Lối viết của hầu hết các tác giả rất dễ đọc, không khô khan và mang tính văn chương. Những yếu tố này hội tụ đã khiến dòng sách này đang thu hút độc giả”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Theo ông Nguyên, những cuốn tự truyện còn mở ra cách tiếp cận mới cho lịch sử. “Con người vừa là chứng nhân lịch sử vừa làm ra lịch sử. Có những con người hữu danh, có những con người vô danh. Có những sự kiện lịch sử gắn liền với những tên tuổi lớn, nhưng có những lịch sử của những cá nhân nhỏ bé. Tùy xuất phát điểm mà tác giả đề cập đến các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, thì tác phẩm dù chỉ nói đến lịch sử của cá nhân nhưng cũng góp vào lịch sử lớn của dân tộc, nhân loại”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận.