11/01/2025

Tái nghiên cứu học lệch giờ, làm lệch ca ở TP.HCM

Đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm đã bắt đầu được nghiên cứu từ 16 năm trước, nay tiếp tục được nghiên cứu nhằm góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng hơn.

 

Tái nghiên cứu học lệch giờ, làm lệch ca ở TP.HCM

Đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm đã bắt đầu được nghiên cứu từ 16 năm trước, nay tiếp tục được nghiên cứu nhằm góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng hơn.




Kẹt xe nghiêm trọng trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM  /// Ảnh: Ngọc Dương

Kẹt xe nghiêm trọng trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cái gốc vẫn là vấn đề quy hoạch
UBND TP.HCM chỉ đạo Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM chủ trì phối hợp các sở ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiên cứu này. Nội dung đề án cần nghiên cứu theo từng nhóm đối tượng: học sinh – sinh viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện; cán bộ – công chức; người lao động tại các khu công nghiệp… 

Trong đó, cần phải phân tích, đánh giá kỹ, toàn diện các yếu tố tác động đến tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội của TP để đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo đề án khả thi và đạt được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, trình UBND TP trước ngày 30.7 tới.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, cho biết lý do TP chọn trước có 4 nhóm đối tượng để hướng đến điều chỉnh giờ học, giờ làm là vì những nhóm này có số lượng người đông nhất, nhu cầu di chuyển lớn nhất nên dễ gây kẹt xe nhất. Những nhóm đối tượng còn lại sẽ được tính toán điều chỉnh sau.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, lưu ý rằng khó khăn nhất khi thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ là đối tượng nào nên điều chỉnh. Công nhân có nên điều chỉnh hay không, vì họ đa phần ở ngoại thành không ảnh hưởng đến kẹt xe.
Đối với nhóm đối tượng học sinh – sinh viên, phải khảo sát kỹ những yếu tố như giờ tan học cụ thể của từng cấp học, vì liên quan đến nhóm đối tượng cán bộ – công nhân viên là cha, mẹ phải đưa đón. Hai nhóm này giờ làm việc và tan ca phải tiếp nối với nhau. Tuy nhiên, đối với học sinh, giải pháp tốt hơn là nên đưa loại hình ô tô nhỏ để đưa rước. Còn với cán bộ hành chính, nếu không bận đưa đón con, nên sắp xếp linh hoạt cho về sớm hoặc muộn hơn.
Đây là một vấn đề rất lớn, nếu thực thi sẽ ảnh hưởng đến tập quán, thói quen nên cần nghiên cứu thật kỹ, lấy ý kiến, không thể thực hiện nhanh được. Khi làm, không nên làm ồ ạt mà nên làm thí điểm, từng bước.
Nói về đề án này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc điều chỉnh giờ học hay giờ làm việc cụ thể nên để cho các cơ quan, đơn vị tự sắp xếp. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định đây chỉ là giải pháp cho phần ngọn chứ không phải phần gốc. Cái gốc vẫn là quy hoạch làm sao để những người đi làm, đi học không phải di chuyển xa, thậm chí làm sao có thể đi bộ để đến chỗ làm, chỗ học.
Ông dẫn chứng, tại một số nước, người dân sống ở khu vực nào thì con em họ học hành ở đó. Khu vực nào cũng có trường cấp 1, 2, 3, thậm chí mẫu giáo cũng không đi xa. Chuyện đi học của các em học sinh chủ yếu đi bộ, xe của trường đưa đón, nhưng cũng gần. Tương tự, đối với nhóm đối tượng là cán bộ – công chức cũng vậy, việc bố trí cơ quan làm việc hợp lý cũng không khiến họ di chuyển xa.
Trong khi đó, PGS-TS Hồ Thanh Phong cho rằng việc học lệch giờ, làm lệch ca thực chất là làm cho đỉnh nhu cầu đi lại không chỉ tập trung lúc tan sở mà trải đều ra nhiều giờ để bớt ùn tắc giao thông. Hiện nay giờ làm và tan sở diễn ra cùng lúc, mọi người đều đổ ra đường nên kẹt xe là không tránh khỏi. Nếu thực hiện điều chỉnh, không tập trung cùng một lúc, chắc chắn kẹt xe sẽ giảm.
Nên sắp xếp linh hoạt
Xung quanh vấn đề học lệch giờ, làm lệch ca để giảm ùn tắc giao thông, TS Lương Hoài Nam, một doanh nhân thường xuyên quan tâm đến vấn đề giao thông, đề xuất đổi giờ các hoạt động: Học sinh phổ thông vào học từ 7 hoặc 7 giờ 30; giờ làm việc công sở từ 8 giờ; sinh viên (trung cấp, cao đẳng, ĐH) từ 9 giờ; các hoạt động thương mại, dịch vụ bắt đầu từ 10 giờ đến đêm. Đề xuất này giống như rải đều thời gian ra thay vì cùng một khung giờ như hiện nay. Việc này tránh được lượng người di chuyển trong khung giờ chồng lên nhau dễ gây kẹt xe.
Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) cho biết hiện nay ở Đức thực hiện theo mô hình “flexible time” (thời giờ linh hoạt). Theo đó, riêng giới văn phòng thì từ 9 giờ 30 – 15 giờ là giờ phải có mặt. Nhân viên có thể đến sớm về sớm, hay đến trễ về trễ thì tuỳ, miễn đạt 8 giờ/ngày.
Đề án bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2001, đến 2007 tuy không được HĐND TP thông qua nhưng UBND TP vẫn đề nghị làm thí điểm bố trí lại giờ học các trường (cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7 giờ sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cũng muộn hơn từng đó thời gian đối với cấp mầm non) và điều chỉnh giờ làm đối với một số KCX – KCN, doanh nghiệp có đông người lao động. Đến 2009, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội lại đề xuất thực hiện đề án đối với các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, một lần nữa, đề xuất này bị HĐND TP phủ quyết. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, UBND TP chủ trương khởi động lại giải pháp này.


 

Nguyễn Đình Mười