11/01/2025

Báo động mất an ninh bệnh viện

Liên tiếp những vụ côn đồ xông vào bệnh viện hành hung bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ, khiến môi trường bệnh viện trở nên mất an toàn.

 

Báo động mất an ninh bệnh viện

Liên tiếp những vụ côn đồ xông vào bệnh viện hành hung bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ, khiến môi trường bệnh viện trở nên mất an toàn.




Hai nhóm côn đồ xông vào phòng cấp cứu Bệnh viện H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chém nhau gây náo loạn /// Ảnh: Cắt từ clip

Hai nhóm côn đồ xông vào phòng cấp cứu Bệnh viện H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chém nhau gây náo loạnẢNH: CẮT TỪ CLIP

Thực trạng này tiếp tục được nêu tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2014 – 2017) thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.HCM chiều qua 11.5, giữa Sở Y tế và Công an TP.HCM, nhằm tìm giải pháp cho thực trạng đáng báo động này.
Vừa cấp cứu, vừa sợ côn đồ truy sát
Mở đầu hội nghị, thượng tá Lưu Thanh Long, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) – Công an TP.HCM, cho biết nhiều bệnh viện (BV) ở TP.HCM có các băng nhóm tội phạm trà trộn vào để trộm cắp, lừa đảo, mua bán trẻ em, cho vay nặng lãi… Mặc dù Công an TP chủ động nắm bắt, điều tra và truy bắt nhưng tình hình ANTT trong và ngoài các BV vẫn diễn biến phức tạp.
Báo động mất an ninh bệnh viện - ảnh 1

Bệnh nhân tấn công y bác sĩ ở một bệnh viện tại TP.Hải PhòngẢNH: CẮT TỪ CLIP

Theo báo cáo tại hội nghị, từ 2014 – 2017, Công an TP đã điều tra, bắt giữ, lập hồ sơ 28 nghi phạm; triệt phá 5 băng nhóm với 16 nghi phạm cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp móc túi, mua bán trẻ em trong BV. Ngoài ra, công an các quận, huyện đã xử lý 840 vụ phạm pháp hình sự tại BV. Trong đó, Công an Q.1 tiếp nhận xử lý 100 vụ; Công an Q.5 xử lý 54 vụ; Công an Q.10 xử lý 43 vụ trộm cắp tài sản. Các “cò” khám bệnh vẫn hoạt động phức tạp trước cổng các BV lớn để lừa đảo bệnh nhân. Tại BV Nhân dân 115 ghi nhận 2 vụ hành hung bác sĩ (BS), nhân viên bảo vệ; một vụ bắt cóc trẻ em tại BV Nhi đồng 1; 2 vụ gây rối tại BV Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, Công an H.Bình Chánh tiếp nhận 26 vụ đe dọa nhân viên y tế, đập phá tài sản BV, gây rối ANTT chủ yếu tại khoa cấp cứu… Riêng tại các BV, lực lượng bảo vệ đã tuần tra phát hiện, bắt giữ 154 trường hợp móc túi, 408 trường hợp trộm cắp tài sản.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng: “Các BV rất quan tâm, lo lắng về trộm cắp, lừa đảo hay côn đồ xộc vào BV gây rối tấn công bệnh nhân, đe dọa và đánh các y BS. Thời gian gần đây trên các báo đài liên tục thông tin về các trường hợp côn đồ xông vào BV hỗn chiến, đuổi đánh y BS khiến những người làm nghề y càng thêm lo sợ”.
Báo động mất an ninh bệnh viện - ảnh 3

Người nhà bệnh nhân tấn công y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, TP.Hà NộiẢNH: CẮT TỪ CLIP

Theo Công an Q.Bình Thạnh, tại BV Nhân dân Gia Định không ít lần băng nhóm côn đồ kéo vào phòng cấp cứu gây rối, lao vào đánh, truy sát nhau. Chẳng hạn như rạng sáng 26.10.2016, BV này tiếp nhận bệnh nhân ngụ Q.2 bị thương do đánh nhau, trong khi các y BS đang cấp cứu cho bệnh nhân thì nhóm côn đồ gần 10 người xông vào khoa cấp cứu la lối và đánh nhau hỗn loạn. 



Báo động mất an ninh bệnh viện - ảnh 4
Các bệnh viện cần lắp đặt thêm nhiều camera an ninh để thuận tiện cho việc theo dõi các băng nhóm gây án, thu thập chứng cứ để công an có cơ sở truy bắt tội phạm tại bệnh viện
Báo động mất an ninh bệnh viện - ảnh 5

Đại tá Phạm Ngọc Khương, Phó giám đốc Công an TP.HCM


Còn theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 tới nay cả nước ghi nhận có 20 vụ việc điển hình về mất ANTT trong BV. 60% các vụ việc xảy ra ở BV tuyến tỉnh, 20% xảy ra tại BV tuyến T.Ư, còn lại là các tuyến dưới. 90% số vụ việc xảy ra ngay trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Bảo vệ cần mạnh, công an phải nhanh
PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh người đứng đầu các BV phải chịu trách nhiệm về tình hình ANTT tại BV của mình. Bên cạnh đó, công an và ngành y tế thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống bất ngờ tại các khoa cấp cứu để nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ chủ động ứng phó trước khi công an địa phương tới nơi.
Nhiều đại biểu đồng tình việc BV phải chủ động trong công tác an ninh, thông qua bố trí lực lượng bảo vệ mạnh và chuyên nghiệp, bố trí camera quan sát ở những nơi trọng yếu, bên cạnh đó lực lượng công an cũng cần ứng phó kịp thời hơn nữa trong những trường hợp khẩn cấp. Ông Lê Dũng Tiến, Đội trưởng đội bảo vệ BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết BV có lực lượng bảo vệ tuần tra thường xuyên tại khu cấp cứu, điều trị, khi có đối tượng manh nha “quậy” thì bảo vệ nắm bắt ngay. BV cũng đã lắp 133 camera an ninh theo dõi và có người trực giám sát để phát hiện sớm hay truy xuất hình ảnh cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý khi cần. Tương tự, theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức, BV đã phối hợp công an quận, công an phường để có hỗ trợ trong những tình huống cụ thể, và chậm nhất là trong vòng 5 phút thì lực lượng công an sẽ có mặt sau khi BV báo động. BV đã lắp hơn 290 camera để theo dõi, đồng thời gắn camera ở ngoài đường xung quanh BV kết nối về công an phường.
Báo động mất an ninh bệnh viện - ảnh 6

Bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) theo dõi tình hình an ninh qua hệ thống cameraẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đại tá Phạm Ngọc Khương, Phó giám đốc Công an TP, nhìn nhận những vụ truy sát tại các BV gây dư luận bức xúc trong nhân dân và gây ảnh hưởng tâm lý với BS và thầy thuốc; đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm có tổ chức. “Các BV cần lắp đặt thêm nhiều camera an ninh để thuận tiện cho việc theo dõi các băng nhóm gây án, thu thập chứng cứ để công an có cơ sở truy bắt tội phạm tại BV”, ông Khương khuyến cáo, đồng thời tán thành với lãnh đạo Sở Y tế là chọn một vài BV phối hợp với công an quận huyện diễn tập xử lý tình huống này một cách nhịp nhàng để không bị động.
BV cần nâng cao chất lượng dịch vụ
Trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận luật Khám bệnh chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế, trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề… Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa đầy đủ. Thống kê cho thấy, 70% các trường hợp bị tấn công là BS.
Theo ông Khuê, sự manh động của một số đối tượng đã dẫn tới những hành vi tiêu cực đối với cán bộ y tế. Một số đối tượng cũng lợi dụng các tình huống sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp (như đe dọa, tống tiền) để trục lợi, là nguyên nhân gây ra các xung đột.
Bên cạnh đó, ông Khuê cho rằng: “BV cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, phải có kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý người bệnh, cộng đồng để ứng xử phù hợp. Các BS, nhân viên y tế cần nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân; có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong BV”.


 

Duy Tính – Công Nguyên – Liên Châu