Đà Lạt kẹt cứng, vì sao?
Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, nội ô, đặc biệt khu vực trung tâm Hoà Bình – hồ Xuân Hương, Đà Lạt kẹt cứng với dòng người, xe chen chúc. Vì sao xảy ra tình trạng trước đây không hề có?
Đà Lạt kẹt cứng, vì sao?
Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, nội ô, đặc biệt khu vực trung tâm Hoà Bình – hồ Xuân Hương, Đà Lạt kẹt cứng với dòng người, xe chen chúc. Vì sao xảy ra tình trạng trước đây không hề có?
TS, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia góp ý đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, trao đổi với Tuổi Trẻ về phương cách để Đà Lạt thoát khỏi những chật chội, tiếp tục phát triển nhưng vẫn bảo tồn được giá trị cốt lõi là đô thị xanh gắn liền với di sản.
Mở rộng vùng trung tâm
* Thưa ông, nhiều người cho rằng lượng khách du lịch đến Đà Lạt quá đông đã khiến Đà Lạt không còn yên tĩnh nữa, mất đi cái chất của Đà Lạt và gây quá tải, kẹt xe… Điều này đúng không?
– Tôi cho rằng nhìn nhận như vậy là chưa đầy đủ. Phải mừng cho Đà Lạt vì du khách yêu thích Đà Lạt, chọn Đà Lạt là nơi du lịch. Có vậy mới có động lực để thành phố phát triển.
Đông người đến một nơi nhỏ hẹp thì sinh quá tải là đúng rồi. Nhưng Đà Lạt đâu có nhỏ hẹp.
Các thống kê cho thấy Đà Lạt hiện nay có khoảng 300.000 người, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch. Đà Lạt có sức chứa nhiều hơn như thế.
Quy hoạch đến năm 2030 do các chuyên gia Pháp thực hiện, Đà Lạt là thành phố của 700.000 người và sẽ đón 10 triệu lượt khách.
Quá tải ở đô thị Đà Lạt nằm ở điểm thắt khu Hòa Bình, một nơi quá nhỏ, tập trung quá đông công trình dịch vụ. Mọi luồng giao thông đều dồn về đây. Thậm chí bến xe cũng nằm ở đây.
* Ông muốn nói đến việc cần phải chỉnh trang toàn bộ khu vực trung tâm?
– Tôi muốn nói đến việc xác định lại khu vực trung tâm thì đúng hơn. Đà Lạt đã xác định chưa chính xác trung tâm cho sự phát triển.
Quy hoạch được phê duyệt năm 2014 xác định hai yếu tố: trục di sản là đường Trần Hưng Đạo – Trần Phú; trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ là khu Hoà Bình.
Tôi không phản biện về trục di sản với những biệt thự cổ cần bảo tồn. Đối với khu Hòa Bình, tôi cho rằng đó chỉ là một điểm thuộc trung tâm chứ không phải là trung tâm.
Khu Hòa Bình quá nhỏ, trong khi mật độ xây dựng quá cao, hiện đã quá tải. Vùng trung tâm cần mở rộng từ khu Hoà Bình ra hồ Xuân Hương.
Các đồ án do người Pháp thực hiện trước năm 1954 cũng lấy hồ Xuân Hương làm trung tâm chứ không chọn khu Hòa Bình.
Hồ Xuân Hương sẽ làm cho trung tâm Đà Lạt phát triển hài hoà, có khoảng thở.
Khu Hòa Bình không nên làm xáo trộn thêm bằng những công trình lớn như trung tâm thương mại, khách sạn lớn, mà nó cần được bảo tồn hoặc nếu có thay đổi thì chỉ xây những công trình có khối tích nhỏ, hoặc là công trình công cộng có điểm nhấn.
Tôi nhận định rằng đang mắc phải điểm yếu về xác định sai phân khu phát triển và dồn công trình nặng tính chất kinh tế, dịch vụ vào đây. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư trong ngắn hạn nhưng về mặt phát triển lâu dài của đô thị thì đó là điểm sai.
Quy hoạch Đà Lạt thực sự rất khác biệt so với TP.HCM hay các đô thị đồng bằng. Không gian chính của Đà Lạt ngày xưa, hôm nay hay mai sau phải là “không gian xanh, mặt nước”, nếu đi ngược lại bằng việc để những công trình khối tích lớn xuất hiện ở khu Hoà Bình thì hiện tượng quá tải sẽ không thoát được.
Cần có giao thông công cộng
* Một thực tế là xe cá nhân phát triển với tốc độ hơn 12%/năm và khi du khách đến Đà Lạt nhiều sẽ khiến Đà Lạt rơi vào cảnh kẹt xe.
– Du khách đến Đà Lạt bằng xe hay những phương tiện khác đó là điều tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu. Đà Lạt không thể mở đại lộ tám làn xe để đón khách, hỏng hết khu trung tâm Đà Lạt.
Khi vùng trung tâm được mở rộng, vùng bảo tồn sẽ là khu Hoà Bình, trung tâm của ách tắc về giao thông và không gian sống sẽ được giảm. Ở phân khu phát triển, đường nhỏ sẽ mở nhiều len trong các khu phố.
Như vậy, diện tích cho phương tiện di chuyển được mở rộng rất nhiều. Ách tắc cục bộ sẽ được giải quyết.
Nếu khu trung tâm rộng ra thì cũng không chịu nổi lượng ôtô đổ về Đà Lạt trong những lúc cao điểm du lịch.
Tôi cho rằng đến lúc Đà Lạt cần có hệ thống xe điện công cộng dọc các con đường đổ về hồ Xuân Hương và quanh hồ Xuân Hương. Du khách khi dừng ở cửa ngõ thành phố sẽ được trung chuyển vào trung tâm thành phố bằng hệ thống xe này.
* Có ý kiến cho rằng tìm cách giãn dân ra khu vực trung tâm sẽ giảm áp lực lên Đà Lạt…
– Khi mở rộng được khu vực trung tâm lấy hồ Xuân Hương làm không gian chính thì khu trung tâm Đà Lạt sẽ chịu được áp lực gấp 10 lần hiện nay.
Khu trung tâm nếu định hướng lại không những bảo tồn tốt những gì cần bảo tồn mà còn phát triển thêm được mảng xanh, điều Đà Lạt rất cần.
Giãn dân là ý chí nhưng du khách vẫn rất thích đi vào trung tâm khi đi du lịch.
Đề án quy hoạch của Đà Lạt sẽ mở các đô thị vệ tinh hướng về Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương cũng nhằm bảo tồn và phát triển khu trung tâm, đồng thời tạo sự cân đối trong phát triển một đô thị.
Nhưng đó là tương lai và cần rất nhiều tiền đầu tư. Giải pháp mà tôi đưa ra ở trên có tính chất xử lý ngay điểm nóng, bảo vệ khu trung tâm và cảm xúc du khách khi đến Đà Lạt. Đồng thời, duy trì hoạt động du lịch, thương mại của Đà Lạt hiện nay.
* Thưa ông, nhà cao tầng đang khiến cảnh quan Đà Lạt bị ảnh hưởng rất nhiều và tạo ra áp lực dân cư ngay trong lòng thành phố.
– Đồ án quy hoạch mới đưa ra giải pháp quản lý chặt nhà cao tầng, giới hạn ở mức độ 3-5 tầng. Đây là sự quyết liệt của chính quyền địa phương nhưng quy định chỉ được phép xây 3-5 tầng vẫn còn rất chung chung đối với Đà Lạt là đô thị với dân cư sống nương theo sườn đồi, sườn núi rất đặc biệt.
Như vậy, giới hạn chiều cao phải xác định ở từng vị trí cụ thể theo địa thế. Khối tích công trình cũng phải tính cho hài hoà để đô thị không bị ngợp nhà cao tầng, thiếu khoảng xanh, nhà trước che mất nhà sau.
Thử tưởng tượng nếu nối tiếp nhau mà không có không gian xanh đệm giữa thì toà nhà 5 tầng ở đỉnh đồi cộng với hai tòa nhà 5 tầng ở sườn đồi và chân đồi sẽ thành toà nhà 15 tầng.
Cách làm hiện nay ở Đà Lạt đang là như vậy ở khu Hoà Bình và khu Ánh Sáng, chưa có không gian xanh đệm.
Tiếp tục như thế cảnh quan Đà Lạt sẽ bị phá hỏng. Đà Lạt giống một số đô thị ở Thuỵ Sĩ, tôi nghĩ Đà Lạt cần nghiên cứu cách quy hoạch của họ để áp dụng cho mình.
* Tốc độ tăng trưởng du lịch của Đà Lạt đạt 14%/năm, thị trường của Đà Lạt chủ yếu trong nước. Tổng doanh thu du lịch năm 2017 đạt 9.000 tỉ đồng.
* Tính đến cuối năm 2017, Đà Lạt có hơn 1.000 khách sạn với khoảng 17.000 phòng, sức chứa khoảng 50.000 khách/đêm. Chưa tính những cơ sở lưu trú gia đình kinh doanh theo hình thức homestay, ước tính có số phòng bằng khoảng 20% số phòng các khách sạn, nhà nghỉ.
* Gần như toàn bộ khách sạn đều nằm trong trung tâm Đà Lạt với bán kính khoảng 3km trở lại tính từ điểm trung tâm (được xác định là hồ Xuân Hương).
Thí điểm xe buýt du lịch 2 tầng, xe điện trên cao
Giao thông là phương án giải quyết áp lực của người đông, khách đông nên được ưu tiên xử lý trước.
Tỉnh Lâm Đồng có chủ trương thí điểm xe buýt hai tầng du lịch hoạt động nội ô nhằm trung chuyển du khách.Đường vành đai nối các đô thị vệ tinh, các phân khu phát triển đã có kế hoạch xây dựng.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ xây dựng được tuyến xe điện trên cao nối trung tâm du lịch hiện hữu với vùng khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm (nằm ở phía tây bắc Đà Lạt).
Tuyến xe điện này vừa tạo trải nghiệm cho du khách, vừa kết nối hai vùng du lịch là trung tâm và hồ Tuyền Lâm để giảm áp lực hoạt động du lịch cho khu vực trung tâm.
Quan điểm của tỉnh là nhà đông thì càng vui. Mình phải dọn dẹp cho ngăn nắp để đón khách đến chơi thật đông. Có thế Đà Lạt mới có nguồn lực phát triển được.Khu trung tâm và các phân khu ở nội ô phát triển thì các đô thị vệ tinh thuộc Đà Lạt mở rộng sẽ phát triển dần theo.
“Vườn địa đàng” bị ảnh hưởng nặng
Đà Lạt sẽ không phát triển theo kiểu của TP.HCM, Hà Nội. Mọi sự phát triển đều trên nền tảng duy trì những thứ hiện có, những điều làm nên trái tim của Đà Lạt như cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, kiến trúc cổ…
Đà Lạt sẽ phát triển theo kiểu của một số thành phố của Pháp, có nghĩa là về sau khi ai đó đặt chân đến Đà Lạt sẽ cảm nhận thành phố nhẹ nhàng, nhiều giá trị nhân văn mà nơi khác không có.
Phát triển như vậy thì không quá tập trung vào cơ sở hạ tầng, đường nội thị chủ yếu là những con đường nhỏ nhưng phải có những khoảng không gian xanh.
Theo tính toán của chúng tôi, cứ cách tối đa 300m phải có một khoảng không gian xanh. Đà Lạt trong tương lai sẽ vẫn phát triển thương mại, nhưng nó không có biểu hiện của sự ồ ạt, xô bồ mà là đẳng cấp.
Bên trong những khách sạn sang trọng, nho nhỏ là các cửa hàng buôn bán những sản phẩm chỉ có thể xuất hiện ở Đà Lạt, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của du khách.
Những trung tâm thương mại lớn, vui chơi giải trí sẽ được sắp xếp để xây dựng tại các đô thị Nam Ban (Lâm Hà), Liên Khương – Liên Nghĩa.
Trong quá khứ, người Pháp quy hoạch Đà Lạt theo hướng lấy trung tâm là hồ Xuân Hương và mở rộng tầm nhìn về hướng Lang Biang. Điều này đã bị xâm phạm và bây giờ phải khắc phục rất vất vả để tầm nhìn đó có trở lại.
Đà Lạt không nên có những khu nhà quá lớn, những khối bêtông gây choáng ngợp. Trong đồ án quy hoạch, chi tiết này chúng tôi có nhắc tới. Tôi khuyến nghị chính quyền phải tuân thủ chặt chẽ đồ án quy hoạch mới này, tránh để lại những hậu quả tương tự.
Nông nghiệp quy hoạch không đúng cách đã khiến “vườn địa đàng” Đà Lạt bị ảnh hưởng nặng. Đất đai, nước bị ô nhiễm.
Trong đồ án tôi đã chỉ ra rằng phải xây dựng nông nghiệp xanh công nghệ cao, dời những khu nhà lưới, nhà kính ra khỏi những thung lũng để trả lại những khoảng xanh.
Phải xác định rằng năng suất sẽ giảm xuống nhưng chất lượng và giá trị nông sản sẽ tăng lên.
Chúng ta có thể thực hiện mẫu ở một số thung lũng, sau đó thay đổi cung cách làm nông nghiệp của nông dân rồi di dời lần lượt.
Những thung lũng của Đà Lạt phải là hoa, rau xanh công nghệ cao nhưng không phải được phủ lên trên toàn là nhà kính. Đồ án quy hoạch đã định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm nông nghiệp xanh và thành phố học tập.
KTS THIERRY HUAU
(người Pháp, kiến trúc sư trưởng xây dựng đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”)