Thiết kế mỹ thuật công nghiệp Việt đi… ngược thời đại
Theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, ngành thiết kế mỹ thuật công nghiệp Việt đang đi ngược lại với thế giới khi sản phẩm được định giá 10 đồng thì hàm lượng sáng tạo chỉ 2 đồng.
Thiết kế mỹ thuật công nghiệp Việt đi… ngược thời đại
Theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, ngành thiết kế mỹ thuật công nghiệp Việt đang đi ngược lại với thế giới khi sản phẩm được định giá 10 đồng thì hàm lượng sáng tạo chỉ 2 đồng.
Cầu nối giữa nghệ thuật hàn lâm và đời sống
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cầm một đài sen vừa mới dát vàng xong rồi lắc lắc. Có thể nghe thấy tiếng kêu khẽ của hạt sen non trong đài. Giờ đây nó đã là một tác phẩm nghệ thuật. “Tôi dùng kỹ thuật dát vàng truyền thống để làm bông sen này. Tất nhiên còn phải qua nhiều khâu xử lý khác trước khi dát vàng lên sen. Đó là bí quyết của nhiều làng nghề cộng lại”, ông Đạt nói. Đài sen vàng khi được đặt trên mâm gỗ sơn thếp những họa tiết vuông hiện đại, bên cạnh chiếc giỏ mây cũng đã được vẽ sơn màu trông rất duyên. Đó là một trong những tác phẩm sẽ xuất hiện trong triển lãm chung tới đây của ông Đạt và họa sĩ Lê Thiết Cương. Ở đó, cả hai sẽ cùng bày các thiết kế mình ưng ý. Chúng đều là những đồ vật gần gũi, vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa có thể sử dụng, trang trí: bàn, mâm, ghế, giỏ mây đựng đồ, lọ hoa, búp bê nhiều cỡ…
Ông Đạt và ông Cương đều không xuất phát là những nhà thiết kế. Trước khi làm những mẻ gốm, những thiết kế bàn ghế đặt hàng đầu tiên, họ là họa sĩ, nhà điêu khắc. Nhưng rồi tranh tượng không hút trọn được năng lượng của họ. Ông Cương đã phá mặt tranh phẳng thành những nét vẽ trên bề mặt cong của những chiếc bình. Chất liệu sơn mài trên tranh đã được ông dùng đi dùng lại nhiều lần trên gốm. Mặt sơn phẳng lặng như cách vẽ tối giản của họa sĩ, cũng giống như chiếc ghế nhã nhặn mà ông Cương thiết kế. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã chọn 2 trong số 40 chiếc ghế độc bản mà ông thiết kế từ năm 2000 tới nay để trưng bày.
Còn với ông Đạt, những ô màu như ruộng đồng nhìn từ trên máy bay đã theo ông lên đủ mọi đồ vật. Chiếc mâm gỗ, hình búp bê đeo cặp đi học đều có sự mộc mạc của ruộng lúa và biến hóa của màu sơn tinh nghịch. Trong khi những chú chim giấy rực rỡ, những chú gà phủ vàng lại như đang múa lên trong niềm vui được sống dưới mặt trời. Triển lãm Múa đôi Duo (từ ngày 11 – 13.5 ở Press Club, 12 Lý Đạo Thành, Hà Nội) là như vậy. “Cuộc đời vui mà. Chúng tôi bày đồ thiết kế chỉ để chia sẻ là cuộc đời vui lắm, và cái gì cũng có thể trở thành tác phẩm được. Miễn là các nhà thiết kế chịu nghĩ và làm chủ kỹ thuật”, Đinh Công Đạt chia sẻ.
Nghệ sĩ thị giác Trần Lương đánh giá: “Đạt rất nét về chuyện làm décor (thiết kế) với sự pha trộn kỹ thuật của nhiều nghề thủ công. Cương thì pha trộn nhiều tính văn học trong tác phẩm. Nhưng cái lớn nhất của triển lãm này là nhắc nhở cho người ta thấy rằng có một thứ trên đời là đồ décor. Và những thứ như thế cực kỳ tác động, như cầu nối giữa nghệ thuật hàn lâm với đời sống. Ở nước ngoài, các thiết kế thế này chia hạng rất rõ. Có hạng thường, có loại cho dân cực giàu, hạng cực cao. Người giàu không chỉ có tranh độc bản mà còn nhiều thứ đồ thiết kế nữa, từ cái gạt tàn đều độc cả”.
Pha trộn thẩm mỹ
Cũng theo ông Lương, môi trường thiết kế mỹ thuật công nghiệp ở nước ta hiện ở mức độ khá sơ khai. Tuy nhiên, không phải chúng ta không từng có chiến lược phát triển mỹ thuật công nghiệp. Ngành này gần như đã được khai sinh từ những năm 1960, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông Trịnh Hữu Ngọc, một người tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Đông Dương, phát triển các thiết kế đồ để người dân có thể sống văn minh, tiện dụng hơn. Bản thân ông Ngọc cũng coi thiết kế nội thất là để thúc đẩy nếp sống. Thương hiệu MÉMO của ông Ngọc khi đó được coi là tạo được phong cách nội thất gỗ đặc biệt. Sau này, các nhà nghiên cứu cho rằng phong cách đó đã phản ảnh mong đợi thẩm mỹ mỹ thuật Đông Dương do chính các thế hệ sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thực hiện.
“Phong cách mỹ thuật Đông Dương ấy chắc sẽ tự bộc lộ qua một bộ bàn ghế tiếp khách, một cái tủ nhỏ, một chiếc bàn nhỏ, một chiếc kỷ, cùng một số bản vẽ của nhiều đồ đạc khác trong giai đoạn này, trong đó có chiếc bàn tròn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước VN dân chủ Cộng hòa năm 1945”, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ.
Ông Ngọc khi đó cũng xây dựng những tiêu chuẩn đẹp cho các thiết kế của mình là “không thủ cựu, không công thức, vượt khỏi cái cũ không hợp lý để đến với cái mới hợp lý”. Ông cũng nhắc nhở học trò về việc luyện tập các nghề thủ công. Chắt lọc tinh hoa nghề thủ công để thiết kế cũng là cách mà nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cùng một số nhà thiết kế thời trang như Thủy Nguyễn, Nguyễn Công Trí đi theo sau này…
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, một trong những vấn đề của ngành thiết kế trong nước là đã không dùng kỹ thuật truyền thống để áp dụng vào quá trình sáng tạo, sản xuất một sản phẩm hiện đại. Ông lấy ví dụ về sự thành công của một công ty là Hanoia, nơi họ thuê hẳn nhà thiết kế Pháp để làm thiết kế cho các sản phẩm sơn mài. “Công thức rất hay là dùng thiết kế nước ngoài cộng với những gì thuộc về truyền thống, nguyên liệu của một làng nghề cụ thể. Nhưng qua đây cũng thấy, nếu không đổ tiền vào khâu thiết kế thì làng sơn quang dầu Phủ Lý, gốm Bát tràng, Phủ Lãng, Hương Canh, nói chung là các làng nghề cũng chết vì thiếu sáng tạo”.
Cũng theo ông Cương, đến các làng gốm như Bát Tràng, Chu Đậu sẽ thấy những gì đang bày ở các show room to nhất là chép lại truyền thống. Vì thế, nếu khách mua một lọ hoa 10 đồng thì đến 8 đồng là tiền gas, tiền đất, tiền men, tiền công thợ. “Đáng lẽ phải ngược lại, mua một lọ 10 đồng thì những thứ tiền đó chỉ 2 đồng thôi, 8 đồng phải đầu tư cho sáng tạo. Cả thế giới đi theo công thức đấy thì VN mình đi ngược lại. Cứ quanh quanh các mẫu các cụ làm. Không phải không đẹp, nhưng trong ngôi nhà hiện đại thì vẫn cần thiết kế hiện đại. Như thế người ta mới mua, làng mới sống được”, ông Cương nói.
Theo nghệ sĩ thị giác Trần Lương, nếu chịu đầu tư phát triển, phá công thức ngược như ông Cương nói, các mẫu décor của nghệ sĩ rất có tương lai. “Tại các bảo tàng lớn, chẳng hạn Bảo tàng Nghệ thuật đương đại MoMA ở Mỹ, có một cửa hàng bán đồ nghệ thuật. Nhưng nó không bán đồ lưu niệm mà là bán đồ nghệ thuật có phiên bản. Ở đó, có nhiều chao đèn hoặc vật chỉ có số lượng bản giới hạn thôi. Các bản tác phẩm đó có chữ ký của nghệ sĩ. Bán cực đắt. Coi như người không mua được độc bản thì mua cái đó về cũng hãnh diện vì cái đó không có nhiều. Cửa hàng đó tầm cao như thế, chứ không phải bán túi, bán chìa khoá như mình. Đó là đồ thiết kế. Ngành đó ở các nước phát triển rất mạnh”, ông Lương nói.
|
Ngữ Yên