Năm 2018: thực hiện đại trà chương trình mới ở lớp 1
Đây là một trong những nội dung đang được ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xem xét và điều chỉnh, sau khi lắng nghe góp ý trong hơn hai tuần qua.
Năm 2018: thực hiện đại trà chương trình mới ở lớp 1
Đây là một trong những nội dung đang được ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xem xét và điều chỉnh, sau khi lắng nghe góp ý trong hơn hai tuần qua.
Theo nội dung được điều chỉnh trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1, thực nghiệm ở lớp 2. Trong ảnh: một tiết học nhóm của học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Ngày 2-5, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – cho Tuổi Trẻ biết như trên.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Thuyết, trong năm học 2018 – 2019, triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6; dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Với cách thực hiện “cuốn chiếu” này, đến năm học 2022 – 2023 chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Không dạy môn thế giới công nghệ từ lớp 1, 2
Thế giới công nghệ là một môn học mới hoàn toàn được dự thảo chương trình giáo dục tổng thể (bản công bố ngày 12-4) đưa vào chương trình lớp 1, 2. Môn học này thuộc nhóm bắt buộc có phân hoá, tích hợp từ môn kỹ thuật và tin học, với nội dung nhẹ nhàng để học sinh làm quen. Đó chính là nền tảng của môn tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu tin học ở lớp 4, 5.
Tuy nhiên sau hai tuần lắng nghe góp ý, ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết dự kiến sẽ báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2 mà chỉ bắt đầu dạy tin học và tìm hiểu công nghệ từ lớp 3.
Đại diện ban phát triển chương trình giải thích: “Điều này nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới”.
Về số lượng môn học và thời lượng học, trong bản tiếp thu ý kiến cùng giải trình của ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng dự kiến sẽ được điều chỉnh. Theo đó, số giờ học của các lớp 8, 9, 10 sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Trước đó, trong nhiều góp ý của các chuyên gia đã cho rằng chương trình mới (được xem là giảm tải so với chương trình hiện hành) vẫn được thiết kế với số lượng môn học nhiều, và thời lượng học tập 30 tiết/tuần là chưa thuyết phục.
Giải trình về điều này, ban phát triển chương trình đưa ra số lượng các môn học của các nước Anh, Đức, Nhật Bản để so sánh với hệ thống môn học trong dự thảo, cho thấy số lượng môn học từ lớp 1-9 của ta bằng hoặc thấp hơn so với các nước.
Cụ thể, theo dự thảo lớp 10 có 13 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 11, 12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục, so với các nước như Anh, Úc, Pháp, Đức, Trung Quốc thì cũng không nhiều hơn.
Bởi trong các môn học ở bậc THPT mà dự thảo chương trình xây dựng, nhiều môn sẽ được dạy học theo hình thức câu lạc bộ hoặc chủ yếu học thực hành, luyện tập – như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo – nên thực chất chỉ có 6 môn bắt buộc dạy học có lý thuyết và thực hành gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.
Dù đưa ra những căn cứ để tham chiếu, minh chứng cho việc thiết kế môn học như dự thảo đã công bố, nhưng ban phát triển chương trình vẫn điều chỉnh, thể hiện tinh thần tiếp thu ý kiến, góp ý.
Trải nghiệm sáng tạo có hai loại
Trước nhiều ý kiến phản biện việc trải nghiệm sáng tạo không nên xây dựng như môn học độc lập, đại diện ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giải thích: trong chương trình mới có hai loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Loại 1: hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học, nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn.
Loại 2: hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau, để trải nghiệm thực tiễn đời sống, và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng, trong dự thảo chương trình tổng thể thuộc loại 2.
Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo bao gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng… được thực hiện theo tinh thần học sinh là người tổ chức hoạt động, dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu, điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương.
Năng lực tư duy phản biện, tư duy logic đã được đưa vào dự thảo Về việc một số ý kiến đề nghị bổ sung năng lực tư duy phản biện, tư duy logic, quản lý tài chính cá nhân vào nhóm năng lực cốt lõi cần hình thành ở học sinh, ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT khẳng định: những năng lực này đã được quan tâm đúng mức ở dự thảo vừa công bố. Ví dụ, tư duy phản biện là nội dung quan trọng, xuyên suốt của năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ban phát triển chương trình cũng cho biết: khi đưa ra các năng lực cốt lõi cần đạt được (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực chuyên môn (là những năng lực mà ai cũng cần có để sống, làm việc trong xã hội hiện đại), nhóm biên soạn đã dựa vào các năng lực được xác định trong nhiều chương trình và tài liệu giáo dục nước ngoài. Đặc biệt là các tài liệu: Xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) năm 2005, Các năng lực cốt lõi để học tập suốt đời – Khung tham chiếu châu Âu của EU (Liên minh châu Âu) năm 2006, và Tầm nhìn mới về giáo dục – Mở khóa tiềm năng về công nghệ của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới) năm 2015. |
Học sinh Việt Nam học nhiều nhất 6.957 giờ Đây là số giờ tối đa mà mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 sẽ học, kể cả thời gian tự học dành cho học sinh tiểu học, và thời gian học các môn tự chọn được ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tính toán, trên cơ sở nghiên cứu số liệu của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009, có thể tìm trên trang https://www.oecd.org/education/skills-beyond-school/48631122.pdf). Theo tài liệu này, trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi học sinh nước ngoài học 7.390 giờ (60 phút/giờ). Như vậy, theo ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, thì số giờ học của học sinh Việt Nam được đưa ra tại dự thảo vẫn thấp hơn so với số liệu tham chiếu. |