29/11/2024

Nhà người này ở nhưng số nhà của người khác

Khách hàng khi ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư thì căn hộ mang một mã số. Đến khi vào ở, UBND quận cấp lại một số nhà khác, kéo theo hệ luỵ người mua nhà phải chỉnh sửa nhiều loại giấy tờ…

 

Nhà người này ở nhưng số nhà của người khác

 

Khách hàng khi ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư thì căn hộ mang một mã số. Đến khi vào ở, UBND quận cấp lại một số nhà khác, kéo theo hệ luỵ người mua nhà phải chỉnh sửa nhiều loại giấy tờ…

 

 

 

 

Nhà người này ở nhưng số nhà của người khác
Số nhà tại chung cư TP (Q.12, TP.HCM) do UBND Q.12 cấp khác với số nhà trong hợp đồng mua bán trước đó, khiến cư dân phải làm lại nhiều giấy tờ – Ảnh: TỰ TRUNG

Năm 2014, ông T.M.L. ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư căn hộ tại dự án TP (Q.12, TP.HCM), mã số căn hộ ghi trong hợp đồng là A2.11. Tuy nhiên khi UBND Q.12 cấp chứng nhận số nhà, căn hộ của ông L. lại “nhảy” xuống thành A1.02. Toàn bộ số nhà do Q.12 cấp trong khu chung cư của TP đều bị sai lệch so với số nhà trong hợp đồng mua bán.

Số nhà mới lệch số cũ

Dự án chung cư ông L. mua có hai block, tổng cộng 408 căn hộ. Theo cách đánh số tầng của chủ đầu tư, tầng trệt (không kể tầng hầm) là tầng 1. Các tầng tiếp theo phía dưới lên đánh số từ 2 đến 18.

Còn theo cách đánh số của quận, tầng dưới cũng là tầng trệt, nhưng các tầng tiếp theo lại đánh số từ 1 đến 17. Theo cách đánh này, số thứ tự mỗi tầng sẽ chênh nhau một đơn vị, ví dụ theo cách đánh số tầng trước đây là tầng 2 giờ sẽ thành tầng 1, tầng 3 sẽ thành tầng 2…

Ngoài ra, mỗi block chung cư này gồm có hai block nhỏ nối kết (block A lớn có hai block nhỏ tạm gọi A1, A2), mỗi tầng trong block nhỏ có sáu căn hộ. Chủ đầu tư quy định đánh số thứ tự căn hộ theo block, ví dụ số căn hộ block A1 đánh từ 1-6, còn số căn hộ block A2 đánh số từ 7-12.

Đến khi quận áp dụng cách đánh số khác, số căn hộ ban đầu bị đảo lộn hoàn toàn: căn hộ block A1 chuyển thứ tự thành từ 7-12, còn block A2 lại có thứ tự từ 1-6. Thành ra số nhà của người dân vừa lệch số tầng vừa sai số căn hộ.

Ông L. và nhiều người dân ở chung cư nói trên cho biết việc số nhà “nhảy” lộn xộn, không đúng hợp đồng mua bán ban đầu khiến họ gặp khó khăn.

Nhiều người đã đăng ký các giấy tờ: hộ khẩu, tạm trú, hồ sơ xin việc, giấy khai sinh… theo địa chỉ số nhà do chủ đầu tư đưa ra. Chưa kể các hoá đơn tiền điện, tiền nước… cũng ghi theo số nhà cũ, nay đều phải cập nhật, sửa đổi.

Nhiều người còn lo số nhà do quận cấp không đúng như số nhà trong hợp đồng mua bán nhà, nhà người này ở nhưng lại là số nhà trong hợp đồng của người khác nên không biết có ảnh hưởng đến pháp lý khi xảy ra tranh chấp hay không…

Sẽ hỗ trợ người dân 
làm lại giấy tờ

Chủ đầu tư dự án chung cư TP nói trên cho biết khi có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải tự đánh số căn hộ để giao dịch với khách hàng.

Hiện nay cả quyết định 05/2006 của Bộ Xây dựng và quyết định 22/2012 của UBND TP.HCM ban hành đều có hướng dẫn đánh số tầng, số căn hộ trong dự án chung cư.

Tuy nhiên trong khi quyết định 05/2006 cho phép chọn một trong hai cách đánh thứ tự tầng dưới cùng (tầng trệt) là số 0 hoặc 1, thì quyết định 22/2012 lại thống nhất cách đánh số tầng trệt là số 0.

Mỗi chủ đầu tư chọn một cách đánh, trong khi quận chỉ áp dụng theo quyết định 22 của UBND TP nên dẫn đến tình trạng số nhà do quận cấp bị lệch số tầng so với số nhà ghi trong hợp đồng mua bán ban đầu.

Còn về số thứ tự căn hộ, chủ đầu tư chung cư TP thừa nhận do lúc đầu đánh theo chẵn lẻ để dễ quản lý, nhưng không đúng quy định nên dẫn đến sai lệch.

Về vấn đề này, Công an Q.12 đã hướng dẫn chủ đầu tư làm giấy xác nhận số nhà cũ và số nhà mới là một để phía công an làm thủ tục sửa đổi địa chỉ, giấy tờ cho người dân đúng với số nhà mới do quận cấp. Chủ đầu tư đã cam kết hỗ trợ về mặt giấy tờ để người dân sửa đổi lại một số giấy tờ cho phù hợp, thuận tiện giao dịch sau này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Phi Hùng – phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – khẳng định chỉ có số nhà do UBND quận cấp mới có giá trị pháp lý. Số nhà do chủ đầu tư tự cho hoàn toàn không có giá trị để đưa vào các giấy tờ hành chính, hay thực hiện các giao dịch khác của người dân.

Ở đây, chủ đầu tư hoàn toàn sai khi tự đánh số nhà cho dự án của mình. Để khắc phục, người dân bị ảnh hưởng tự liên hệ trình bày sự việc với UBND quận, UBND quận sẽ xác minh thông tin và xác nhận sơ đồ vị trí số nhà cho người dân. Tương tự, số tầng do chủ đầu tư tự đặt cũng không có giá trị pháp lý.

Tầng 12A trở thành tầng 13, khách hàng phản ứng

Thực tế có trường hợp người đi mua nhà thường “né” số tầng 4, tầng 13 vì cho rằng đây là số xui xẻo. Do vậy khi đánh số, chủ đầu tư lách bằng cách đánh số tầng 4 thành tầng 3bis hoặc 3A, tầng 13 thành 12bis hoặc 12A để bán được nhà. Trong khi quy định hướng dẫn cách đánh số nhà hiện nay chỉ cho phép đánh số tự nhiên từ 0, 1, 2… nên số nhà mới do quận cấp của các căn hộ trên sẽ trở về nguyên hiện trạng tầng 4, tầng 13.

Nhiều người đã phản ứng với chủ đầu tư vì cho rằng nhà họ trúng số tầng xui xẻo. Như trường hợp ông N.V.T. mua căn hộ tại một dự án chung cư ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Căn hộ ông T. ở tầng 13, nhưng trong hợp đồng chủ đầu tư đổi thành 12A. Sau này, chủ đầu tư thông báo để được làm thủ tục cấp giấy hồng, cư dân phải ký lại thỏa thuận cấp số nhà mới.

Theo đó, nhà ông T. trở về nguyên trạng tầng số 13. Cho rằng bị chủ đầu tư “lừa gạt”, ông T. cùng cư dân trong tầng 13 đã kéo lên phản ứng. Sự việc nhùng nhằng đến nay chưa được giải quyết.

Liên quan đến việc này, ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng trường hợp các chủ đầu tư đã đặt số tầng là 12A thay cho tầng 13, nay chủ đầu tư muốn giữ nguyên thì có thể linh động giải quyết bởi việc này phù hợp tập quán, tâm linh của người dân, lại không ảnh hưởng đến trật tự chung. Sở Xây dựng TP sẽ có thông báo về việc này đến các quận, huyện.

DƯƠNG NGỌC HÀ – TIẾN LONG