5 năm chỉ khởi tố được 1 vụ vi phạm an toàn thực phẩm
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động nhưng việc xử lý hình sự chưa đủ tính răn đe và còn gặp khó.
5 năm chỉ khởi tố được 1 vụ vi phạm an toàn thực phẩm
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động nhưng việc xử lý hình sự chưa đủ tính răn đe và còn gặp khó.
Thực trạng trên được nêu ra tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chiều 20.4, cho ý kiến báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 – 2016.
Phải chỉ ra trách nhiệm của địa phương
Theo kết quả báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trình bày, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm do thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Giai đoạn 2011 – 2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người bị ngộ độc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca mắc mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn.
Trong khi đó, việc quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn yếu. Kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống từ 2011 – 2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phát hiện 9.056 hộ vi phạm. Tại một số địa phương đoàn đến giám sát, các tiểu thương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm; có tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc. Tình trạng vi phạm về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm. Số liệu thống kê của 48 tỉnh, TP cho thấy, trung bình số cơ sở thuộc diện phải cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng số 408.821 cơ sở sản xuất kinh doanh là rất thấp.
Một số đại biểu cho rằng phải chỉ ra những địa chỉ, trách nhiệm của địa phương để xảy ra nhiều vụ mất ATTP. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận: “Xử phạt không đủ răn đe nên xảy ra nhiều tình trạng vi phạm ATTP, trong sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các nhà sản xuất kinh doanh không chấp hành nghiêm các quy định ATTP, coi thường tính mạng người tiêu dùng. Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương”.
Nâng mức xử phạt
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn: “Theo thống kê của Bộ Công an, từ 2011 – 2016, số vụ về ATTP chuyển qua hình sự trên 300 vụ, nhưng cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 1 vụ. Vì sao như vậy?”.
Ông Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng việc xử lý hình sự rất khó khăn, hiện mới chỉ có danh mục chất cấm của Bộ NN-PTNT rõ ràng, xem xét trách nhiệm hình sự dễ, còn một số lĩnh vực khác chưa đầy đủ. Trong khi những xử lý hành vi về ATTP liên quan giám định, liên quan đến ngộ độc, độc tố… Do vậy, thống kê 5 năm qua, con số xử lý vi phạm hành chính nhiều hơn là xử lý hình sự. “Tới đây, bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ bổ sung tội danh ATTP cụ thể tội danh, tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, ông Vương nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, kiến nghị cần phải xác định trách nhiệm người đứng đầu mới tăng cường giám sát; cần đẩy nhanh tiến độ làm luật Hình sự, trong đó đưa vào luật mức xử phạt cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với vi phạm về ATTP.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc giám sát tối cao ATTP là sự lựa chọn đúng. Bà Ngân đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu cải tiến giải pháp sản xuất ATTP; thúc đẩy đầu tư nâng cấp các cơ sở giết mổ; đầu tư các thiết bị kiểm tra, kiểm soát, kiểm nghiệm… “Bây giờ mở ti vi ra là thấy vấn đề tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm… cuộc sống của người dân không yên bình, bị đe dọa bởi quá nhiều rủi ro rình rập. Nâng cao hình thức xử phạt trong luật Hình sự là đúng, nhưng tôi thấy nên nâng cao vai trò kiểm tra kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc
Sáng 20.4, Uỷ ban TVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, Uỷ ban TVQH cho biết pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho, biếu, hoặc tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt. Do đó, Uỷ ban TVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định cấm sử dụng ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng, cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc. Lý do, cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không. “Nếu biếu, tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ”, ông Hiển gợi mở.
Trường Sơn
|
Cân nhắc việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về ATTP
Một trong những giải pháp nhằm tăng cường sự quản lý, phối hợp giữa các bộ ngành được đoàn giám sát đề xuất đó là thành lập uỷ ban về ATTP ở cấp T.Ư. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: “Chúng tôi cũng cân nhắc, rõ ràng vấn đề ATTP có vị trí ngang với an toàn giao thông nên cần thiết phải có ủy ban này. Uỷ ban cấp độ cao hơn, sự quan tâm của chúng ta về vấn đề này cũng cao hơn. TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo ngang cấp sở”, ông Hiển nói.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, hầu hết các tỉnh đều lập ban chỉ đạo đến cấp xã. Uỷ ban quốc gia và ban chỉ đạo quốc gia chỉ là cái tên. Nếu thành lập uỷ ban, bộ phận thường trực đặt ở Bộ Y tế. Cần thiết là Văn phòng Chính phủ đứng ra làm đầu mối.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương lo ngại, trong hoàn cảnh khó khăn về kinh phí và biên chế, việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về vệ sinh ATTP sẽ rất khó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Có cần thiết hay không khi phải thành lập uỷ ban quốc gia trong khi đã có ban chỉ đạo liên ngành cấp T.Ư. Thành lập quá nhiều ban chỉ đạo, uỷ ban quốc gia để làm cái gì? Thay vì thành lập uỷ ban quốc gia, nên tăng cường quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ ngành mà luật đã giao y tế, nông nghiệp và công thương”.
|
Thu Hằng