02/11/2024

Phải truy trách nhiệm nhà mạng về sim rác

Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh: ‘Cần phải truy trách nhiệm của các nhà mạng, việc tái phát con số sim lớn như vậy là do nhà mạng, Bộ yêu cầu nhà mạng xử lý triệt để, nếu không Bộ sẽ trực tiếp xử lý nhà mạng’.

 

Phải truy trách nhiệm nhà mạng về sim rác

Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh: ‘Cần phải truy trách nhiệm của các nhà mạng, việc tái phát con số sim lớn như vậy là do nhà mạng, Bộ yêu cầu nhà mạng xử lý triệt để, nếu không Bộ sẽ trực tiếp xử lý nhà mạng’.





Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời tại phiên chất vấn
 /// Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời tại phiên chất vấnẢNH: TTXVN

Chiều 18.4, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn giải đáp nhiều vấn đề nóng liên quan đến quản lý nhà nước của bộ này, trong đó có việc xử lý các nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội và vấn nạn sim rác tại phiên chất vấn của phiên họp thứ 9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, VN hiện có 45 triệu người có tài khoản Facebook, lượng người dùng YouTube cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. “VN đang hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa nên sự phát triển, thu hút của mạng xã hội (MXH) là tất yếu. VN không cần thiết hạn chế mà tận dụng chủ động MXH cho cuộc sống và sự phát triển”, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TT-TT) nêu quan điểm.
Yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.200 clip xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ở VN, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tận dụng triệt để MXH để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, tung tin sai sự thật hoặc thật giả lẫn lộn, gây hoang mang, tạo bất an cho xã hội. Theo Bộ trưởng Tuấn, ngày 26.12.2016, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực kể từ ngày 15.2 vừa qua. Đây là cơ sở để đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan quản lý để gỡ bỏ thông tin vi phạm. “Trước đây, việc yêu cầu các doanh nghiệp như Google, Facebook gỡ bỏ thông tin xấu, độc rất khó khăn, nhất là các vụ việc có yếu tố chính trị. Nhưng sau khi có Thông tư 38, Bộ TT-TT đã có cơ sở pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật VN”, Bộ trưởng TT-TT cho biết.
“Song song đó, còn nhiều phát ngôn thiếu chuẩn mực, tung tin giả, xúc phạm nhân phẩm, uy tín cá nhân của người khác trên MXH, đặc biệt là trên các trang mạng nước ngoài. Để đối phó với tin giả trên MXH cần có thông tin chính xác và kịp thời trên các kênh thông tin báo chí, vì khi thông tin trên báo chí chính thống không kịp thời thì người dân sẽ tập trung vào các trang MXH”, theo Bộ trưởng Tuấn.
Bộ TT-TT vừa thành lập tổ xử lý thông tin trên MXH với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Công an để xử lý vi phạm một cách hiệu quả nhất. Năm 2015, Bộ xử lý 11 trường hợp, năm 2016 xử lý 4 trường hợp, năm 2017 xử phạt 10 trường hợp lên MXH nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ TT-TT đã phát hiện và cảnh báo các doanh nghiệp VN về việc Google gắn quảng cáo của các doanh nghiệp này với các video clip phản động, bịa đặt bôi nhọ lãnh đạo trên kênh YouTube của Google. “Cảnh báo đã dẫn đến việc các đại lý quảng cáo lớn ở VN cắt quảng cáo hàng loạt qua hệ thống của Google thời gian qua. Trên cơ sở đó, Google đã đồng ý thiết lập cơ chế riêng để Bộ TT-TT yêu cầu Google gỡ bỏ số lượng lớn video clip vi phạm trên YouTube”, ông Trương Minh Tuấn nói.
“Vừa qua chúng ta phát hiện hơn 2.200 video clip xấu độc, chủ yếu nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh YouTube và Bộ TT-TT đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.200 clip này. Đến ngày 12.4, Google đã gỡ bỏ hơn 1.299 video clip xấu độc trên YouTube theo đề nghị của Bộ TT-TT, trong đó có một kênh phản động với hơn 500 video clip”, Bộ trưởng Tuấn cho biết.
Nếu không xử lý sim rác, Bộ sẽ trực tiếp xử lý nhà mạng
Buổi chất vấn nóng lên khi các đại biểu nói về vấn nạn sim rác và tin nhắn rác. Các đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà mạng trong việc này vì gây bức xúc dư luận nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để; các cửa hàng, đại lý của nhà mạng cho bán sim rác tràn lan. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá: “Vấn nạn này diễn ra nhức nhối, để xảy ra tin nhắn rác là do nhà mạng cho đại lý bán sim rác tràn lan, có lúc người dân bị sử dụng thông tin cá nhân mà không hay biết và tôi cũng là nạn nhân. Ở Nhật Bản tôi muốn mua sim điện thoại phải có hộ chiếu, sau 6 ngày mới có sim, còn VN thì bán sim tràn lan, không cần giấy tờ gì cũng mua được”.
Tại sao chưa giải quyết triệt để và cứ bán sim rác? Bộ trưởng Tuấn cho rằng do lợi ích của nhà mạng quá lớn, lợi ích của đại lý và của người sử dụng (do khuyến mãi nhiều nên dùng).
Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh: “Cần phải truy trách nhiệm của các nhà mạng, việc tái phát con số sim lớn như vậy là do nhà mạng, Bộ yêu cầu nhà mạng xử lý triệt để, nếu không Bộ sẽ trực tiếp xử lý nhà mạng” và nói thêm, từ năm 2016 đến nay thu được 20 triệu sim rác, trên thực tế số liệu còn lớn hơn. Giải pháp trước mắt cần phải làm là thu hồi đầu số điện thoại 11 số nhằm phòng chống sim rác, hiện nay kho số 10 số vẫn còn nên phải thu đầu số 11 số. Đồng thời tăng cường khuyến khích dùng sim trả sau, giảm bớt sử dụng sim trả trước.
Kết thúc buổi chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận tình hình an toàn an ninh mạng ngày càng nhức nhối, phức tạp, tinh vi, nhiều vụ tấn công mạng gia tăng, đặc biệt là phát tán phần mềm độc hại. Ông Hiển ghi nhận các giải pháp Bộ trưởng Tuấn đưa ra và trong thời gian tới, đề nghị đẩy mạnh công tác kiểm tra các cổng thông tin lớn, cảnh báo, ứng cứu xử lý, giải pháp hữu hiệu trong các cuộc tấn công mạng. Hiện nay, việc xử lý các cá nhân, tổ chức đăng thông tin trên MHX chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, vì vậy phải tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật, Nghị định 172, Nghị định 174 để phù hợp pháp luật VN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị tăng cường giám sát, đảm bảo thực hiện các lời hứa, các bộ, ngành sẽ cùng với Chính phủ tháo gỡ những vấn đề phát sinh mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

 

Trường Sơn – Ngọc Lê