29/11/2024

Không thấy bóng dáng người thầy!

Góp ý của một nhà giáo có hơn 30 năm trong ngành giáo dục, về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ GD-ĐT công bố vừa qua.

 DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG:

Không thấy bóng dáng người thầy!

Góp ý của một nhà giáo có hơn 30 năm trong ngành giáo dục, về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ GD-ĐT công bố vừa qua.

 

 

 

Không thấy bóng dáng người thầy!
Trong giáo dục, vai trò của người thầy rất quan trọng. Trong ảnh: thầy trò lớp 12A6 Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học toán – Ảnh: Như Hùng

Là một giáo viên đang thực hiện công tác giảng dạy tại một trường THCS, có hơn 30 năm trong ngành và trải qua khá nhiều giai đoạn cải tổ, đổi mới của giáo dục, cầm trên tay hơn 40 trang dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, tôi rất vui mừng.

Thế nhưng, ngay từ bài tường thuật của Tuổi Trẻ về cuộc họp báo, để giới thiệu dự thảo chương trình mới, tôi đã thấy băn khoăn, vì lẽ: quan điểm và mục tiêu giáo dục là cái mà Bộ GD-ĐT chủ trì, nhưng giới thiệu về chương trình – là phần cụ thể hoá cho những quan điểm, mục tiêu đó – thì bộ lại gần như đẩy hết sang cho GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, là một trong những chủ biên của dự thảo chương trình, trình bày.

Trên thực tế, ban chủ biên và đội ngũ soạn thảo chương trình chỉ là “người thừa hành”, chứ không thể “thay lời muốn nói” của bộ trong việc công bố dự thảo. Vì việc công bố này bao gồm nhiều vấn đề, chứ không chỉ đơn thuần ở khâu nội dung. Và quả nhiên, có những việc GS Thuyết không thể trả lời báo giới.

Về nội dung dự thảo, tôi xin có mấy ý kiến như sau: thứ nhất, tôi đồng tình với những ý kiến của thầy Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Tuổi Trẻ ngày 16-4) về cái gọi là “ôm đồm” trong chương trình dự thảo.

Cái “ôm đồm” này đã tồn tại trong các chương trình trước đây và đã được chứng minh về tính xa rời thực tế của nó. Không chỉ cấp tiểu học với những môn học quá nặng mà một đứa trẻ từ 5 – 11 tuổi khó kham nổi, mà trong các môn học của bậc THCS cũng vậy.

Với số lượng môn học ở chương trình mới bậc THCS là 11 môn so với 13 môn (chương trình cũ), thực chất là hoàn toàn không “giảm tải” chút nào. Vì 11 môn đã phải “cõng” thêm 3 phần nội dung giáo dục mới – đó là hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập, nội dung giáo dục địa phương. Trong khi những phần này vốn đã được lồng ghép vào trong các bộ môn ở chương trình cũ.

Là người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của ThS Đặng Danh Hướng (Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội, Tuổi Trẻ ngày 16-4) về việc giáo viên chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới. Đây chính là điều mà các đơn vị, cơ sở giáo dục – người trực tiếp thực hiện việc đổi mới chương trình, trực tiếp triển khai chương trình – đang rất lo lắng.

Xem đi xét lại nội dung toàn dự thảo, quả tình chúng tôi không thấy có phần nội dung nào đáng kể cho vai trò của người thầy. Với chương trình này, mục tiêu này, vậy thời gian đào tạo ra một nhà giáo phù hợp với yêu cầu sẽ nằm ở khâu nào? Liệu có phải ta cứ hô lên ghép sử – địa với nhau là các thầy giáo sử sẽ đương nhiên nắm bắt kiến thức địa lý tương thích, để truyền tải cho học sinh? Hoặc cứ lắp ghép lý – hoá – sinh thành môn khoa học tự nhiên thì tự nhiên ta sẽ có người thầy giáo “ba trong một”?

Đã nhiều năm, trong vai trò người giáo viên đứng lớp, chúng tôi đã rất băn khoăn khi ít thấy có chương trình nào đề cập một cách đúng mức vai trò của người thầy. Suy cho cùng, mọi cải tổ, đổi mới gì liên quan đến sự học cũng vẫn phải đi từ khâu cơ bản – mà nhiều năm qua cũng cho thấy đó là khâu yếu nhất trong quá trình đào tạo – đó là người thầy.

Chương trình giáo dục nào cũng phải đạt cho được mục tiêu cơ bản, đó là cung cấp cho xã hội các thế hệ học sinh có chất lượng, đủ sức “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Thế nhưng, những thế hệ học sinh đó sẽ được đào tạo như thế nào, nếu như chương trình đào tạo đó thiếu hẳn bóng dáng của nhà giáo dục?

“Suy cho cùng, mọi cải tổ, đổi mới gì liên quan đến sự học cũng vẫn phải đi từ khâu cơ bản – mà nhiều năm qua cũng cho thấy đó là khâu yếu nhất trong quá trình đào tạo – đó là người thầy”.

 
LÂM MINH TRANG