Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chưa chuẩn bị kỹ, khó khả thi
Tuần qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được xem là cuối cùng trước khi phê duyệt tạm thời, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã bày tỏ ý kiến.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chưa chuẩn bị kỹ, khó khả thi
Tuần qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được xem là cuối cùng trước khi phê duyệt tạm thời, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã bày tỏ ý kiến.
Học sinh lớp 7A1 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong giờ học môn vật lý với tài liệu dạy học vật lý do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Nhiều ý kiến băn khoăn về điều kiện thực hiện, tính khả thi của dự thảo này. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những người trong ngành về dự thảo quan trọng này.
Ông Trần Trung Dũng (giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh):
Không rõ, chưa biết phải chuẩn bị thế nào
Trong dự thảo lần này, tôi băn khoăn vì thấy nhiệm vụ của lớp 10 không rõ, không hiểu là tiếp tục THCS hay bắt đầu bậc THPT. Bên cạnh đó, dự thảo quy định lớp 11, 12 có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1 nhưng lại thêm 3 môn bắt buộc có phân hóa là giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.
Như vậy, thực chất học sinh vẫn phải bắt buộc học 6 môn (chứ không phải 3 môn như dự thảo trước đây). Ngoài ra còn các môn tự chọn bắt buộc và tự chọn. Dân “máu” học như Hà Tĩnh có lẽ sẽ không bỏ môn nào mà chọn hết. Như vậy, không biết điều kiện dạy học có thể đáp ứng được không.
Theo dự thảo, học sinh có thể đăng ký các môn tự chọn ở trường khác. Nhưng ở tỉnh tôi có những huyện chỉ có 1 trường THPT thì học sinh biết chạy đi đâu để học. Hơn nữa khi chương trình này thực hiện thì cũng phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Cán bộ quản lý (hiệu trưởng) phải phát huy sự tự chủ cao mới đảm bảo sắp xếp, tổ chức dạy học đáp ứng nguyện vọng của người học.
Tất cả những vấn đề này chúng tôi còn chưa thấy rõ ràng, trong khi thời gian thực hiện đã tới gần.
GS-TSKH Nguyễn Cương (phó chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam):
Đánh giá học sinh thế nào, phải xác định rõ
Trong dự thảo có nhiều điểm không rõ liên quan tới định hướng đánh giá kết quả giáo dục. Ví dụ như dự thảo nêu “kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng”, cụ thể là các hình thức đánh giá nào, đặc biệt là đánh giá phẩm chất học sinh.
Chương trình tổng thể thì không thể cụ thể, chi tiết nhưng cũng phải có những khẳng định khái quát về việc này. Những vấn đề này rất quan trọng vì nó là cơ sở để xây dựng chương trình môn học.
Ví dụ vấn đề không thể chỉ dùng phương pháp trắc nghiệm khách quan khi kiểm tra đánh giá kết quả học tập các môn học của học sinh, đặc biệt là với môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý phải được làm rõ ở ngay khâu xây dựng chương trình lần này.
Việc nghiêng quá về trắc nghiệm khách quan ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã không điều chỉnh được thì nên tính tới việc này khi điều chỉnh khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Còn ôm đồm
Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tiến bộ, đã chú trọng tới phần thực hành nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, chương trình vẫn còn ôm đồm và khá nặng. Tiêu biểu nhất là chương trình bậc tiểu học bao gồm 8 môn bắt buộc và một số môn tự chọn nữa là hơi nhiều.
Tôi cho rằng với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh tiểu học, chỉ cần 6 môn bắt buộc (tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, đạo đức, khoa học thường thức, thể dục) và các môn tự chọn như tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Những lần đổi mới giáo dục gần đây đều cho thấy một sự bất cập, đó là không có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ sở giáo dục với trường sư phạm. Khi thực hiện giảng dạy chương trình mới ở các trường phổ thông thì giáo viên mới được bồi dưỡng, tập huấn nhưng chỉ bồi dưỡng theo kiểu qua loa, chiếu lệ, không hiệu quả.
Lần đổi mới này, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên chú trọng nhiều hơn đến vấn đề trên, cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng xem những ai cần bồi dưỡng, những ai cần đào tạo lại; thiếu bao nhiêu và cần đào tạo mới bao nhiêu giáo viên…
Đặc biệt là việc đào tạo phải theo tinh thần, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tức là công tác đào tạo giáo viên phải đi trước một bước chứ không nên để tình trạng chương trình hay nhưng giáo viên đứng lớp lại không đủ khả năng để chuyển tải hết những cái hay ấy cho học sinh như đợt đổi mới giáo dục năm 2000.
ThS Đặng Danh Hướng (Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội):
Giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới
Có ý kiến cho rằng nên đào tạo lại giáo viên dôi dư để phục vụ các bậc học khác trong bối cảnh thực hiện chương trình mới, nhưng tôi thấy không khả thi, giáo viên đang dạy học sinh độ tuổi 15-18 xuống dạy lứa tuổi thấp hơn thì liệu mấy ai trụ được với nghề.
Với yêu cầu mới, tình trạng thiếu giáo viên các môn nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, tiếng dân tộc cũng là một bất cập vì chưa biết lấy từ nguồn nào ra. Việc định hướng nghề nghiệp chưa rõ, chưa có đủ thời gian cho việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thì việc để người học quyền tự chọn môn học sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tôi cho rằng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này vào năm 2018-2019 là quá sớm khi công tác đào tạo giáo viên còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà, Hà Nội): Giáo viên không có động lực, khó thành công Với một chương trình cần sự linh hoạt, mềm dẻo, sự tự chủ của các nhà trường là yếu tố quan trọng để chương trình thực hiện đúng với những mục tiêu đề ra. Trong dự thảo ở mục “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông” cũng nêu để đạt được nội dung, yêu cầu của chương trình này, các trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để đảm bảo chất lượng. Trên thực tế, đối với chương trình hiện hành còn đang có nhiều bất cập, việc xây dựng kế hoạch giáo dục riêng (chương trình nhà trường) khi thành công đã mang lại những chuyển biến tích cực ở một số trường. Năm 2013, hướng dẫn 791 của Bộ GD-ĐT về phát triển chương trình nhà trường ra đời đã mở ra một hướng cho các nhà trường thực hiện điều này. Tuy nhiên, những trường mạnh dạn thực hiện không nhiều, thực hiện thực sự thành công càng ít. Lý do tại sao lại như vậy? Điều này lệ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường, đặc biệt là sự đồng thuận, dám nghĩ, dám làm và khả năng khơi gợi, đánh thức đam mê, nhiệt huyết tiềm ẩn trong mỗi giáo viên của lãnh đạo nhà trường. Và theo tôi, “được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính” như ở dự thảo mục “Điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông” đã nêu là điều kiện tiên quyết để mỗi nhà trường thực hiện đúng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Trong bối cảnh hiện nay, khi nghề giáo còn nhiều bất cập trong việc sử dụng, đãi ngộ, đó là việc rất khó khăn với nhiều nhà trường. Bởi để thiết kế một kế hoạch dạy học linh hoạt, chú trọng đến giáo dục con người chứ không chỉ dạy chữ để đi thi, chúng tôi, những người từng thực hiện việc này, đã phải vượt lên rất nhiều trở ngại khách quan và chủ quan, đặc biệt là trở ngại trong chính bản thân mình. Câu chuyện thực tế này cho tôi thấy nếu chúng ta đưa vào thực hiện một chương trình mới với nhiều quan điểm tiến bộ, nhiều sự đổi mới đòi hỏi các nhà trường và đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên phải linh hoạt, tự chủ thì câu chuyện về “nuôi dưỡng nhiệt tình, động lực” cho đội ngũ cán bộ, giáo viên là vấn đề quan trọng. Tôi được nghe nói Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới đào tạo, đổi mới tập huấn giáo viên. Nhưng tôi e sự “tiếp nhận” của các nhà trường, của giáo viên với chương trình mới sẽ khó có thể đạt được nếu như lãnh đạo bộ chỉ đặt ra yêu cầu “đạt chuẩn trình độ” mà không nhìn nhận và có giải pháp để tạo được môi trường, cơ chế làm việc, chính sách sử dụng, đãi ngộ tốt hơn đối với nhà giáo. |
“Công tác đào tạo giáo viên phải đi trước một bước chứ không nên để tình trạng chương trình hay nhưng giáo viên đứng lớp lại không đủ khả năng để chuyển tải hết những cái hay ấy cho học sinh như đợt đổi mới giáo dục năm 2000″ |