02/11/2024

Nên lập bản đồ quan hệ cán bộ

Bài viết Lại chuyện “cả họ làm quan” (Tuổi Trẻ ngày 13-4) đã thu hút nhiều quan tâm bàn luận của bạn đọc. Các chuyên gia đã bàn thêm giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

 

Nên lập bản đồ quan hệ cán bộ

Bài viết Lại chuyện “cả họ làm quan” (Tuổi Trẻ ngày 13-4) đã thu hút nhiều quan tâm bàn luận của bạn đọc. Các chuyên gia đã bàn thêm giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

 

 

 

Nên lập bản đồ quan hệ cán bộ
“Gia phả làm quan” của gia đình phó bí thư thường trực huyện Kim Thành Lê Ngọc Sang – Đồ hoạ: V.Cường

TS LƯU BÌNH NHƯỠNG (uỷ viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Lập bản đồ để dân giám sát

“Cả họ làm quan”, cái đầu đề đã quá quen thuộc trên các trang báo thời gian gần đây bởi dư luận phát hiện vụ nọ nối tiếp vụ kia, người dân bức xúc.

Tôi nhìn ở khía cạnh tích cực thì thấy rằng càng ngày người dân càng quan tâm giám sát, phát hiện những vấn đề của bộ máy công quyền, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc, phải lưu tâm, phải trả lời.

Như vậy có nghĩa là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng “tìm người tài chứ không tìm người nhà” đang phát huy tác dụng.

Dư luận cũng luôn đặt vấn đề tại sao “con voi lại chui lọt lỗ kim”? Sau bao vụ việc, người ta lại tìm thấy một điểm chung trong các trả lời là “đúng quy trình”, hoặc “cơ bản là đúng quy trình nhưng có một vài sai sót cần rút kinh nghiệm”.

Tôi từng phát biểu rằng nếu đem ra phân tích thì quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta rất là chặt chẽ. Nhưng vấn đề là người ta đâu có làm theo 
cái quy trình ấy.

Để công khai việc này, tôi đề nghị Bộ Nội vụ cho lập “bản đồ quan hệ cán bộ”, trong đó nêu rõ các chức danh ở các cấp có vợ con, anh em, cha mẹ… đang làm gì, ở những cơ quan nào. Từ bản đồ đó để nhân dân, báo chí giám sát về tiêu chuẩn, hoạt động của cán bộ.

Tôi sang Litva thấy cơ quan Tổng công tố của họ lập bản đồ cán bộ, theo đó những người có quan hệ thân thuộc như vợ chồng, cha con, anh em không được làm cùng một cơ quan, đơn vị. Chúng ta cũng nên học tập họ mà lập bản đồ 
cán bộ như vậy.

Một chuyên gia về tổ chức cán bộ (nguyên hàm vụ trưởng Ban Tổ chức trung ương):

Công khai quy trình bổ nhiệm cán bộ

Không phải cứ người nhà của cán bộ là không tốt, không tài giỏi. Có khi người đó còn có quá trình phấn đấu, phát triển trước cả ông bí thư, chủ tịch.

Vậy khi người này lên bí thư, chủ tịch là lại “soi” cả những người thân của họ, những người có khi còn có quá trình phát triển, có năng lực, phẩm chất. Vì thế không thể gắn cho những người này cái mác là “một người làm quan, cả 
họ được nhờ” được.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đeo mác “đúng quy trình” nhưng là quy trình gì, quy trình chỉ 3 tháng, 6 tháng từ một chuyên viên mà lên cấp phó rồi cấp trưởng như một số trường hợp?

Để không phải mang tiếng “cả họ làm quan” thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính khách 
quan, công khai.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ. Theo đó sẽ áp dụng quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ mới gồm năm bước rất chặt chẽ, phát huy vai trò tập thể và nâng cao tính công khai minh bạch trong công tác 
nhân sự, cán bộ.

Tôi cho rằng quy trình mới, nhiều bước dân chủ hơn, chặt chẽ hơn sẽ khắc phục được những hạn chế trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Và quan trọng, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải thực hiện dân chủ, công khai, chứ nếu anh suy thoái thì dù quy trình năm bước hay mười bước cũng chẳng ăn thua.

Cần một phiên bản Luật hồi tị

Hơn 240 phản hồi của bạn đọc đã có nhiều ý kiến cho rằng cần ngăn chặn tình trạng “cả họ làm quan”, vì sẽ dẫn đến thiếu dân chủ và mất cơ hội tuyển dụng người tài.

* Khi có người nhà làm lãnh đạo thì từ quy trình bổ nhiệm, quá trình đánh giá năng lực dù có đầy đủ cũng chưa chắc là công bằng và khách quan. Vì thực tế là vị trí và vai trò của người lãnh đạo luôn có tác động đến các quy trình, các đánh giá, các cuộc bầu bán.

Vì vậy, cùng lắm cũng chỉ bóc ra được các trường hợp bất chấp quy trình, thủ tục để bổ nhiệm, chứ khó xác định được việc bổ nhiệm có xứng đáng, 
chính xác hay không.

NG.NAM (nguyennam41000@…)

* Cứ giả thiết việc tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của huyện bị “lùm xùm” là đúng quy trình, con em của các vị cán bộ chủ chốt đều được đào tạo nghiêm túc, có phẩm chất, năng lực tốt thì cũng không nên bố trí khắp các vị trí cùng cơ quan, địa phương.

Bởi lẽ làm như thế sẽ rất dễ xảy ra thiếu dân chủ: Nếu ai trong số cán bộ dây mơ rễ má đó có khuyết điểm, sai phạm, việc đấu tranh, phê bình trong cơ quan sẽ rất khó thẳng thắn, nghiêm túc; khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, giới thiệu cấp uỷ… sẽ dễ bị chi phối; khi tuyển dụng nhân sự mới khó có cửa cho người khác lọt vào…

Quy trình công tác cán bộ đã được đề ra, nhưng nếu phát hiện sự bất cập thì cần nhanh chóng sửa đổi. Cần phải đưa ra những quy định không để họ hàng thân thích ở trong một cơ quan, hoặc nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở địa phương vì sẽ rơi vào tình trạng “gia đình lãnh đạo, gia đình trị”.

TRỊNH THANH PHI (trinhthanh38@…)

* Công ty tôi làm việc của Thuỵ Sĩ, khi ký hợp đồng người ta ràng buộc nếu có người thân làm cùng công ty phải khai báo quan hệ, trong ban giám đốc thì không có chuyện người thân cùng có mặt.

Đó là điều phải làm, tiếc là một số vị quan chức lại không nghĩ như vậy, nên quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” từ thời phong kiến đến nay vẫn không bỏ được.

NGUYỄN (thuytrong1992@…)

* Nhiều người thân trong một gia đình học hành giỏi giang, rồi về cống hiến cho bộ máy hành chính nước nhà thì không phải vấn đề gì xấu.

Tuy nhiên, khi đặt câu chuyện như vậy vào trong bối cảnh thời thế hiện tại, nhất là khi nhiều vụ án lợi dụng chức quyền đã xảy ra, thì mối quan hệ thân hữu trong cùng bộ máy hành chính công sẽ rất nhạy cảm.

Người tự trọng sẽ cân nhắc việc công tác chung với những thân hữu của mình để đảm bảo triệt để tính thanh liêm.

Thời vua Lê Thánh Tông, ông đã lo sợ chuyện cả họ cùng làm quan nên đã ban hành Luật hồi tị, trong đó quy định những người thân như anh em, cha con, bạn bè cùng học, thầy trò, người cùng quê không được làm chung một chỗ, nếu có phải báo cáo để lập tức thuyên chuyển đi nơi khác.

Sự đúng đắn của Luật hồi tị đã khiến các triều đại sau tiếp tục áp dụng. Sao chúng ta không học hỏi người xưa, ban hành một phiên bản Luật hồi tị để người dân khỏi bức xúc trước cảnh nhà nhà 
làm quan như vậy?

TẠ TƯ VŨ

LÊ KIÊN – ĐỨC BÌNH ghi