29/11/2024

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cấm 5 ca khúc là cứng nhắc

Câu chuyện 5 ca khúc trước năm 1975 bị cấm đoán tùy tiện và vô lý, ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn trong danh sách chưa được cấp phép phổ biến đang gây bức xúc cho gia đình nghệ sĩ và công chúng.

 

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cấm 5 ca khúc là cứng nhắc

Câu chuyện 5 ca khúc trước năm 1975 bị cấm đoán tùy tiện và vô lý, ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn trong danh sách chưa được cấp phép phổ biến đang gây bức xúc cho gia đình nghệ sĩ và công chúng.

 

 

 

 

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cấm 5 ca khúc là cứng nhắc
Ca sĩ Thanh Bùi trong chương trình Nối vòng tay lớn (năm 2015), kỷ niệm 14 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Ảnh: H.L.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, đã đưa ra nhiều góc nhìn cởi mở về việc cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975.

Thứ trưởng: Đừng cứng nhắc, máy móc!

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cấm 5 ca khúc là cứng nhắc
Ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch – Ảnh: M.Hà

Về việc 5 bài hát trước năm 1975 bị Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành, Thứ trưởng Vương Duy Biên nêu quan điểm đó đều là những bài hát đã được cấp phép phổ biến, đã tồn tại nhiều năm thì vẫn nên để lưu hành bình thường.

Nếu có sai sót về mặt kỹ thuật như sửa lời hay tên tác giả thì Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cần điều chỉnh cho đúng.

 

“Chúng ta phải có cách ứng xử bao dung với các ca khúc trước năm 1975, bởi các nghệ sĩ sống dưới chế độ cũ thì họ phải có sự điều chỉnh phù hợp để tồn tại. Tôi tin rằng trong thâm tâm, đa số nghệ sĩ vẫn hướng về Tổ quốc.

 

Tất nhiên những bài hát nào đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, gây hận thù… thì cần phải cấm. Còn những bài hát về tình yêu đôi lứa, tình cảm con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước… thì thời đại nào, chế độ nào chẳng có, nên không thể cấm đoán” – ông Vương Duy Biên bày tỏ.

Ông Biên cho biết sẽ có ý kiến với Cục Nghệ thuật biểu diễn để giải quyết sự việc cấm lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 theo hướng đảm bảo quyền lợi của nghệ sĩ, quyền lợi của công chúng có nhu cầu nghe những bài hát đó và quyền lợi của những nhà tổ chức biểu diễn.

Ông nói: “Đây không phải là những tác phẩm mới, mà là những tác phẩm từng được cấp phép lưu hành nên sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải cho lưu hành bình thường, chứ không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng ủng hộ sự điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục trong việc quản lý, cấp phép bài hát. Cơ quan nhà nước cần xem xét những bài nào đi ngược lại quyền lợi của đất nước thì đưa vào danh sách cấm và đăng tải công khai.

Những bài hát nào không cấm thì nhân dân được quyền hát. Những tác phẩm mang lại giá trị nghệ thuật đúng đắn, lành mạnh cho người dân thì cơ quan quản lý phải tạo điều kiện.

“Những người làm công tác quản lý ở lĩnh vực này phải điều chỉnh cách ứng xử với nghệ sĩ và tác phẩm của họ để phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nếu cứ suy diễn thì bất cứ tác phẩm nào cũng có thể bị cấm.

Đừng quá cứng nhắc vì một hai câu chữ mà làm khó cho tác phẩm và nghệ sĩ. Không nên suy diễn câu chữ một cách máy móc để làm khó tác phẩm xưa. Hồi thanh niên, tôi cũng rất thích và chép nhiều thơ, bài hát, trong đó có cả những bài trước năm 1975 vào sổ tay đấy chứ” – ông Biên nhấn mạnh.

Về trường hợp ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến, ông Biên cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết thông tin này. Bởi lẽ trong thâm tâm ông vẫn nghĩ bài hát này đã được cấp phép phổ biến từ lâu rồi.

Ông nói rằng đây là ca khúc đã rất nổi tiếng, được mọi người yêu thích và hát ở mọi nơi. Vì vậy, ông sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nhanh chóng thẩm định và tạo điều kiện thuận lợi để sớm cấp phép phổ biến ca khúc này.

Cục kêu khó

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Chương, cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn h - thể thao và du lịch), lại cho rằng thời điểm hiện tại chưa thể sửa các quy định của pháp luật để đơn giản hoá thủ tục cấp phép bài hát.

Đáp lại các ý kiến trên Tuổi Trẻ ngày 10-4 rằng thay vì cấp phép nhỏ giọt từng bài hát sẽ tạo ra cơ chế “xin – cho”, cơ quan quản lý nhà nước cần lập danh sách những bài hát bị cấm vì đi ngược lại với lợi ích của đất nước, còn những ca khúc nào không cấm thì người dân và các nhà tổ chức biểu diễn được quyền tự do sử dụng, ông Nguyễn Đăng Chương nói rằng để làm được điều này rất khó. Bởi trong nghị định 79/2012 và nghị định 15/2016 đã có quy định rõ các bước trong việc cấp phép phổ biến bài hát trước năm 1975.

“Chúng tôi biết rằng hiện nay trong các quy định cấp phép bài hát cũng có những bất cập, nhưng trong thời điểm này vẫn phải thực hiện theo những quy định đó. Nếu chúng tôi làm trái luật thì chúng tôi sai.

Hơn nữa, không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể kiến nghị sửa luật được, dù biết rằng trong quá trình thực thi luật còn chưa bám sát thực tế đời sống, có những bất cập. Đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ kiến nghị để sửa quy định sao cho phù hợp với đời sống thực tế” – ông Chương cho biết.

Ông cũng biết rằng trong kho di sản đồ sộ các ca khúc sáng tác trước năm 1975, số lượng bài hát được cấp phép vẫn còn ít, nhưng vì không có đơn vị nào xin cấp phép nên Cục Nghệ thuật biểu diễn không có cơ sở cấp phép phổ biến. Cục Nghệ thuật biểu diễn rơi vào tình thế “bị kẹt”.

Ông Chương phân trần: “Tôi hoàn toàn đồng ý với những ca khúc đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần cấm, còn những ca khúc nói về tình cảm con người, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên… thì không nên cấm.

Nhưng muốn phổ biến thì phải có người đứng ra đề nghị cấp phép. Tôi biết rằng di sản các ca khúc trước năm 1975 có rất nhiều, nhưng khi người ta không có nhu cầu đề nghị thì sao chúng tôi có cơ sở cấp phép được”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Cấm 5 ca khúc là cứng nhắc
Nhạc sĩ Nguyễn Dũng

Nhạc sĩ Nguyễn Dũng (phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ):

Nên lập hội đồng quốc gia rà soát các ca khúc

Tôi đang là biên tập viên của Đài phát thanh và truyền hình Cần Thơ, ca khúc Nối vòng tay lớn đài có sử dụng nhiều, nhưng không ngờ tác phẩm này lại chưa được cấp phép.

Thời gian gần đây, phong trào biểu diễn các tác phẩm âm nhạc trước năm 1975 quay lại rầm rộ, không thể phủ nhận tính nghệ thuật và tính nhân văn trong ca khúc với sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, một số ca khúc mà bất cứ ai từng sống trong vùng tạm chiếm cũng biết là ca khúc này ca ngợi ai và phục vụ tầng lớp nào.

Vậy mà chỉ cần thay đổi một hai ca từ là được cấp phép biểu diễn ngay, song song đó có những ca khúc phổ biến mang tính tích cực, nhân bản lại không được cấp phép.

Về việc kiểm duyệt các ca khúc được sáng tác trước năm 1975, theo tôi nên có một hội đồng cấp quốc gia mà đứng đầu phải là một chuyên gia âm nhạc uy tín, có trách nhiệm với Đảng và Nhà nước thực hiện việc rà soát lại những ca khúc này, dù được cấp phép hay chưa.

Nên có tiêu chí và quy định về việc cấp phép, bãi bỏ việc xin – cho tuỳ tiện, có chế tài cho việc cấp phép sai và không cấp phép theo quy định.

VŨ VIẾT TUÂN