29/11/2024

Học cách mổ cùng robot

Tại Việt Nam, một số cơ sở y tế đã triển khai ứng dụng robot vào phẫu thuật. Có những lưu ý gì khi dùng robot phẫu thuật?

 

Học cách mổ cùng robot 

 Tại Việt Nam, một số cơ sở y tế đã triển khai ứng dụng robot vào phẫu thuật. Có những lưu ý gì khi dùng robot phẫu thuật?

 

 

Học cách mổ cùng robot 
Bác sĩ tiến hành ca mổ bằng robot cho người ung thư dạ dày tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM – Ảnh: H.Khoa

Robot giúp gì cho phẫu thuật chỉnh hình thay khớp? Liệu các bác sĩ sẽ thất nghiệp khi robot đảm nhận phần phẫu thuật?

Phẫu thuật thay khớp trong chỉnh hình có vẻ giống một phần nghề thợ mộc. Nghĩa là các bác sĩ phải cắt một phần xương và đặt vào đấy những thành phần khớp nhân tạo sao cho phù hợp với dáng đứng thẳng và đi của con người. Khi làm công việc này, các bác sĩ phải canh các góc đặt sao cho các thành phần khớp tương thích rồi tạo trục khớp.

Trước khi có robot, các nhà sản xuất khớp cũng có những dụng cụ giúp bác sĩ canh các góc này. Tuy nhiên nhân vô thập toàn, nên nhiều khi các bác sĩ canh không chuẩn xác cho lắm. Từ đó, ý tưởng robot hỗ trợ phẫu thuật ra đời.

Robot sẽ định vị vị trí xương vùng khớp trong không gian ba chiều, đưa ra vị trí chuẩn xác của khớp nhân tạo sẽ đặt. Một cánh tay robot do con người cầm sẽ cắt xương đúng theo vị trí đã định sẵn. Sau khi cắt xương xong, khớp nhân tạo sẽ được đặt vào.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên mỗi khớp của con người còn có các phần mềm như bao khớp, dây chằng, cơ xung quanh để giữ vững khớp. Việc cân bằng lực của các thành phần này hết sức quan trọng để giúp sự thành công của quá trình thay khớp. Điều này robot vẫn chưa tính toán được. Vai trò của bác sĩ phẫu thuật nằm ở chỗ cân bằng các phần mềm này.

Một nghiên cứu của tác giả Fehring cho thấy nếu bác sĩ cân bằng phần mềm tốt có thể giảm được 25% tỉ lệ phải mổ lại của phẫu thuật thay khớp. Do đó trước khi đưa cánh tay robot vào để cắt xương, việc giải phóng và cân bằng phần mềm bác sĩ phải làm thật tốt.

Một nghiên cứu khác của Đại học Winconsin trên 300 ca thay khớp háng với robot chia ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 100 ca. Nghiên cứu cho thấy 100 ca đầu mổ với robot vẫn có những biến chứng như bình thường, thậm chí cao hơn so với các bác sĩ có kinh nghiệm. Tới 100 ca cuối cùng thì tỉ lệ tốt mới đạt mức cao. Như vậy “robot” vẫn phải học cách mổ, hay nói cách khác các bác sĩ vẫn phải học cách mổ chung với robot.

Nói một cách vui là nếu muốn có một đôi song kiếm tuyệt hảo thì cả hai cao thủ đều phải luyện nội công cho thật thâm hậu. Với bác sĩ, đó là kỹ năng bộc lộ khớp, cân bằng phần mềm, quyết định xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Với robot, đó là cải tiến liên tục độ chính xác, sự thông minh trong kỹ thuật cắt xương…

Trong hai ngày 8 và 9-4, tại Seoul đã diễn ra hội thảo về vai trò của robot trong thay khớp. Các nghiên cứu cho thấy vai trò của robot trong thay khớp ngày càng được khẳng định. Nhưng có một điều cần phải chú ý là những người đang sử dụng robot và báo cáo kết quả toàn là của các bậc “cao thủ” trong lĩnh vực thay khớp của thế giới. Do vậy nếu cơ sở y tế nào muốn ứng dụng robot thì việc đầu tiên là phải đào tạo một êkip thành thạo, trước khi mua con robot.

Chi phí phẫu thuật robot cao gấp 5-10 lần

Theo bác sĩ Phạm Duy Hiền – trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi T.Ư, người đầu tiên ở VN thực hiện phẫu thuật nội soi bằng robot, hiện ở Bệnh viện Nhi T.Ư đã có 6 phẫu thuật viên sử dụng được thiết bị này trong phẫu tích, cắt bỏ và khâu nối phục hồi các bệnh lý tiêu hoá, tiết niệu, cắt bỏ khối u phổi và lồng ngực cho người bệnh.

Học cách mổ cùng robot 
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật cùng với sự hỗ trợ của robot – Ảnh: Thúy Anh

Tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cũng có 6 phẫu thuật viên tương tự. Theo bác sĩ Hiền, hệ thống robot tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Bình Dân tương tự nhau, ngoài ra hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cũng đã đưa robot vào hỗ trợ trong điều trị bệnh lý cột sống, khớp và sọ não đạt hiệu quả tốt.

“Các phẫu thuật viên muốn giỏi phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot thì trước hết phải giỏi về lý thuyết, giải phẫu bệnh, nguyên lý sử dụng robot, làm chủ kỹ thuật và mổ giỏi trên thực nghiệm, sau đó mới là phẫu thuật giỏi trên người, đó là cả một quá trình học hỏi kéo dài” – bác sĩ Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện muốn mở rộng đầu tư hệ thống robot phẫu thuật nội soi gặp khó khăn vì hệ thống này rất đắt đỏ, có thể lên tới 100 tỉ đồng/con robot, hệ thống robot định vị hỗ trợ phẫu thuật bệnh lý sọ não, xương khớp, cột sống cũng có thể lên tới 40 tỉ đồng/con. Theo bác sĩ Hiền, chi phí cho ca mổ với sự tham gia của robot tại Bệnh viện Nhi T.Ư cao gấp 5-10 lần so với hình thức truyền thống.

Hiện mỗi ca phẫu thuật nội soi có sự tham gia của robot tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã được bảo hiểm y tế chi trả một phần (40% chi phí nếu bệnh nhi dưới 6 tuổi, 30% chi phí nếu người bệnh trên 6 tuổi), còn lại gia đình người bệnh chi trả.

Các bác sĩ cũng đang tiến tới phẫu thuật nội soi điều trị người bệnh có khối u ổ bụng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhờ sự hỗ trợ của robot, đường mổ cho người bệnh phải thay khớp nhỏ hơn, có thể thay khớp bán phần là những phần bị bệnh, hỏng, không cần phải thay hết như trước đây, người bệnh có thời gian hồi phục nhanh hơn, ở bệnh lý sọ não thì robot hỗ trợ giúp điều trị cho bệnh nhi dưới 2 tuổi…

Tuy nhiên, chi phí cao là một trong những vấn đề khiến nhiều bệnh viện e ngại đầu tư robot hỗ trợ phẫu thuật, chưa kể đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên lành nghề.

L.Anh

BS TĂNG HÀ NAM ANH, (Thư từ SEOUL)