29/11/2024

Chung cư cao cấp thiếu nước sạch

Nhiều người dân ở chung cư Thanh Đa View (P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải đi tắm, giặt ở nhà người quen, ăn cơm hàng quán… vì nước máy ở đây cúp đột ngột hoặc chỉ chảy rỉ rả thời gian ngắn trong ngày.

 

Chung cư cao cấp thiếu nước sạch

 Nhiều người dân ở chung cư Thanh Đa View (P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải đi tắm, giặt ở nhà người quen, ăn cơm hàng quán… vì nước máy ở đây cúp đột ngột hoặc chỉ chảy rỉ rả thời gian ngắn trong ngày.

 

 

 

Chung cư cao cấp thiếu nước sạch
Người dân ở chung cư Thanh Đa View phải dùng xô, chậu, chai nhựa để trữ nước – Ảnh: Q.Khải

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc đầu tư đường ống, đồng hồ nước cho hơn 130 căn hộ ở đây bằng kích cỡ đường ống, đồng hồ lắp cho một hộ dân bình thường!

Lấy nước hồ bơi 
làm vệ sinh

Khoảng 9h ngày 7-4, mở vòi nước tại các hộ dân ở chung cư Thanh Đa View nhưng không có nước.

Chỉ cho chúng tôi xem một vài thau, chai nhựa đựng nước ở góc bếp, bà Đoàn Thị Tuyết, một người dân ở tầng 15, cho biết hai người trong gia đình bà thay phiên nhau trong hai buổi sáng mới hứng được bấy nhiêu.

 
 

 

Bà Tuyết cho biết lượng nước ít ỏi này chỉ đủ nhu cầu vệ sinh cá nhân nên đi chợ bà phải mua thức ăn chế biến sẵn…

Theo người dân ở đây, nạn thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra khoảng 10 ngày qua khiến họ phải xách xô lên tầng thượng múc nước hồ bơi về để giội nhà vệ sinh.

Mỗi ngày, các nhân viên lau dọn vệ sinh ở chung cư cũng phải mất ít nhất 7-8 lượt lên tầng thượng xách nước từ hồ bơi để lau chùi chung cư.

Nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình để nấu ăn, uống. Chị Bùi Thị Thuỷ, một người dân ở tầng 9, cho biết liên tục cả tuần nay chị chỉ coi căn hộ của mình là nơi để nghỉ qua đêm.

Vì ban ngày đợi hai con đi học về, gia đình chị Thuỷ chở nhau qua nhà người quen ở tòa nhà Botanic (Q.Phú Nhuận) cách đó vài cây số để tắm rửa, giặt đồ.

“Chán cảnh này quá, tôi dự tính ra ngoài tìm một căn hộ nhỏ để thuê ở tạm trong thời gian này nhưng mấy ngày qua vẫn chưa tìm được” – chị Thuỷ ngao ngán.

Cũng theo người dân ở đây, đã có một số trường hợp người dân thuê căn hộ tại chung cư này phải đi tìm nơi ở khác, và một số gia đình chủ hộ đã “lánh nạn” ở nhà người quen hoặc thuê chỗ ở tạm vì không chịu nổi cảnh 
thiếu nước.

Công ty cấp nước 
cũng có lỗi

Theo ban quản trị chung cư Thanh Đa View, toà nhà này có 20 tầng, trong đó từ tầng 4 đến tầng 20 được dùng để ở (hiện có khoảng 100 hộ dân về ở).

Tuy nhiên, đồng hồ cấp nước (cỡ 15mm) và đường ống từ đồng hồ đưa nước vào bể chứa ngầm (dung tích 340m3) của toà nhà cũng chỉ có các cỡ 20mm đến 32mm.

Trong khi kích cỡ đồng hồ, đường ống này thường chỉ được lắp đặt cho một hộ dân sinh hoạt bình thường.

Cũng theo ban quản trị chung cư, với dung tích bể chứa ngầm như trên nhưng khoảng hơn 200m3 nước dành cho phòng cháy chữa cháy, phần 100m3 nước còn lại trong bể chứa thì có khoảng 40-48m3 được bơm lên tầng thượng, sau đó chảy về các hộ dân trong ngày đêm.

Tuy nhiên, theo dõi đồng hồ những ngày qua cho thấy lưu lượng nước về chung cư chỉ còn 30m3/ngày đêm, có thời điểm giảm còn 20m3/ngày đêm.

Lượng nước này không đủ bổ sung đầy nước trong bể chứa ngầm để bơm lên cho các hộ dân dùng, dẫn đến tình trạng thiếu nước.

Để giải quyết nhu cầu nước trước mắt, ban quản trị chung cư đã mua 40m3 nước vận chuyển bằng xe bồn đổ vào hầm chứa của chung cư, nhưng lượng nước này cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hiện tại.

Ban quản trị chung cư cho biết đã báo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thanh Yến để tìm hướng giải quyết, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết xong.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao thiết kế đồng hồ, ống cấp nước cho một hộ dân bình thường áp vào chung cư có quy mô hơn 130 hộ dân ở chung cư Thanh Đa View, ông Võ Văn Đệ – tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Yến – cho rằng do Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định trong quá trình cải tạo hệ thống cấp nước trước đây đã đề nghị lắp đặt như vậy.

Ông Đệ thừa nhận hiện nước qua đồng hồ, đường ống không đủ cho dân ở chung cư dùng, nhưng cho rằng hệ thống này đã bàn giao cho ban quản trị chung cư nên ban quản trị có trách nhiệm trong việc ký hợp đồng với công ty cấp nước để nâng cấp đồng hồ, đường ống lên cho phù hợp.

Trong khi đó, bà Mai Tố Uyên, thành viên ban quản trị chung cư, cho rằng khi chủ đầu tư bàn giao hệ thống cấp nước, ban quản trị chung cư đã không tiếp nhận vì thiết kế đồng hồ, đường ống nhỏ, hạ tầng chưa hoàn chỉnh.

Vì vậy, theo bà Uyên, ban quản trị chung cư chỉ đồng ý ký hợp đồng với công ty cấp nước để nâng cấp đồng hồ, đường ống khi chủ đầu tư cam kết chịu mọi chi phí và trách nhiệm phát sinh.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Ngọc Hùng – giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định – xác nhận trước đây đại diện Công ty cổ phần Thanh Yến có đề nghị cấp đồng hồ cỡ lớn cho chung cư nói trên.

Tuy nhiên, do đường Thanh Đa thời điểm đó thuộc diện cấm đào nên công ty cấp nước chỉ cấp tạm đồng hồ nhỏ. Ông Hùng cũng cho biết áp lực nước ở đây có giảm.

Về hướng giải quyết sắp tới, ông Hùng cho biết nếu đại diện chung cư có đề nghị việc nâng cấp đồng hồ, đường ống, công ty sẽ khảo sát, thiết kế, thi công trong vòng 10 ngày (không tính thời gian xin cấp phép đào đường).

Trong thời gian chờ đợi, công ty cũng có thể hỗ trợ cung cấp nước qua xe bồn với lưu lượng từ 10-15m3/ngày.

Chủ đầu tư chịu phí nâng cấp đồng hồ nước, đường ống

Ngày 7-4, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đệ cam kết sẽ chịu chi phí để nâng cấp đồng hồ nước, đường ống tại chung cư và hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Khi nghe thông tin này, bà Mai Tố Uyên cho biết sẽ họp thống nhất với ban quản trị chung cư đứng đơn đề nghị Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định thay đồng hồ, đường ống mới cho phù hợp.

Đồng thời, dùng kinh phí đóng góp của cư dân để tăng cường mua nước qua xe bồn cho người dân sử dụng tạm trong thời gian chờ thay đồng hồ nước và đường ống.

QUANG KHẢI