Hàng loạt tác phẩm điêu khắc thực hiện theo đơn đặt hàng của TP.HCM đang xuống cấp dần ở công viên Tao Đàn và công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc Q.9 (TP.HCM) khiến các nghệ sĩ và công chúng không khỏi xót xa.
Đừng để tượng chết mòn
Hàng loạt tác phẩm điêu khắc thực hiện theo đơn đặt hàng của TP.HCM đang xuống cấp dần ở công viên Tao Đàn và công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc Q.9 (TP.HCM) khiến các nghệ sĩ và công chúng không khỏi xót xa.
Tháng 11.2015, một trại điêu khắc quốc tế do Bộ VH-TT-DL và UBND TP.HCM tổ chức với kinh phí gần 15 tỉ đồng đã kéo dài suốt một tháng tại TP.HCM, quy tụ 120 tác giả (trong đó có 27 nghệ sĩ nước ngoài). Trước đó, qua 204 tác phẩm phác thảo gửi về cho ban tổ chức, các tác giả của 50 tác phẩm xuất sắc đã được mời tham dự trại.
Ban đầu, các tác phẩm tượng đoạt giải được dự tính sẽ đặt tại các vị trí trung tâm của TP.HCM để làm đẹp cho không gian công cộng của đô thị. Tuy nhiên cho đến nay, cả vườn tượng điêu khắc quốc tế này như bị “bỏ rơi” trong khuôn viên công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc ở Q.9. Tác phẩm Niềm vui của điêu khắc gia Trần Mai Hữu Quý với những gương mặt rạng ngời được làm bằng poly giả đồng sau khi đưa ra trưng bày trong dịp tết ở đường hoa Nguyễn Huệ đã bị gãy nát, nằm chất đống. Cạnh đó, phần bệ đá Thiên sử xanh của Phan Quân Dũng với hình ảnh chợ Bến Thành bị sụt lún, bể ra nham nhở. Tác phẩm Sài Gòn xích lô của Nguyễn Hoàng Ánh làm từ đá granite trắng, tạo tác kỳ công được đặt trên hai thanh gỗ cũ trông rất sơ sài. Xót nhất là tượng Tổ chim của điêu khắc gia Mikhail Sobolev (Nga), phần bệ đang vỡ dần và đang có nguy cơ sụp. Một vài tượng có khe trống phần thân thì biến thành nơi chứa rác, thức ăn, nước uống vô tội vạ.
Tượng nứt nẻ thảm hại ở công viên văn hóa Tao Đàn
Trước đó, năm 2005, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức một trại điêu khắc, thu hoạch được 40 tác phẩm ưng ý nhất của các nhà điêu khắc tên tuổi trên toàn quốc như Phạm Văn Hạng, Trần Thanh Nam, Đinh Rú, Hoàng Tường Minh, Phạm Mười, Lê Minh Huy, Đỗ Như Cẩn… Tuy nhiên, do không tìm được chỗ đặt nên sau khi được đưa từ công viên Gia Định về trú tạm ở công viên văn hóa Tao Đàn, các bức tượng vẫn nằm rải rác ở đó không theo chủ đề nào gần 12 năm nay, hầu như đều xuống cấp. Nhiều tượng bị nứt nẻ phần thân, trầy xước, thậm chí nước mưa thấm đọng lâu ngày làm tượng bám rêu. Bức tượng Gia tài người lính đang bị nghiêng lún; tác phẩm Ngày mới có khuôn mặt người thì phần đầu bị nứt, một số bục tượng bị sụp. Và mặc dù để ở công viên nhưng tượng hầu như không có chú thích nội dung, chủ đề, không đề tên tác giả nên nhìn vào chẳng biết tác phẩm của ai, muốn nói gì. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn: “Đây phải gọi là một bãi tượng lộn xộn chứ không gian nghệ thuật gì. Trong khi trên đường phố nhiều nơi rất thiếu tượng điêu khắc để trang trí thì chúng ta nỡ lòng nào tập kết toàn bộ tác phẩm xuất sắc của một trại điêu khắc về… phơi ở đây”.
Các tác phẩm nghệ thuật khác bị trầy xước hoặc phải kê đỡ trên những thanh gỗ bập bênh tạm bợ
Nên tổ chức bán đấu giá
Sẽ nghiên cứu về đề xuất đấu giá tượng
Chiều 7.4, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM, một vị phó giám đốc sở này cho biết: “Đề xuất đem tượng điêu khắc của trại sáng tác ra bán đấu giá và xã hội hóa việc đặt tượng, có sự góp sức của doanh nghiệp là ý kiến đáng ghi nhận, một điểm mới mà chúng tôi sẽ cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bàn bạc kỹ thêm”.
Sau khi trại điêu khắc quốc tế năm 2015 kết thúc, giữa năm 2016 ban tổ chức trại có hẳn một đề án định vị trí đặt tượng, gồm: khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Bến Bạch Đằng, công viên hầm Thủ Thiêm, khu vực đường Hoàng Sa – Trường Sa, khu vực trước Nhà thi đấu Rạch Miễu, bến thuyền du lịch cầu Thị Nghè. Ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tiết lộ: “Khi tiến hành xuống thực địa tìm hiểu kỹ thì có quá nhiều nơi không còn phù hợp. Phố đi bộ Nguyễn Huệ trong quy hoạch không còn được đặt tượng. Ban điều hành đường hầm Thủ Thiêm thì cho rằng nếu đặt tượng ở vị trí đã định sẽ làm ảnh hưởng đến hầm. Còn số tượng định đặt ở khu vực ngoài trời thì liên quan đến tầm nhìn, độ lùi trong giao thông để không xảy ra tai nạn nên các cơ quan chức năng vẫn chưa đi đến thống nhất”.
Ông Bùi Hải Sơn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nói thẳng: “Nếu tìm không ra chỗ nào đặt tượng thì nên mang tượng ra bán đấu giá, phần kinh phí thu được trả lại cho ngân sách tổ chức hoặc sử dụng hỗ trợ sáng tác cho các nhà điêu khắc trẻ, hoặc giúp đỡ trẻ em mồ côi thì sẽ còn nhân văn và hiệu quả hơn”. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Tôn Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, chia sẻ: “Đây là những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, công trình sáng tạo của nhiều điêu khắc gia nổi tiếng VN và thế giới. Do trại sáng tác sử dụng nguồn kinh phí nhà nước nên trước mắt TP cần ưu tiên, sớm thống nhất các phương án bố trí ở khu vực công cộng, những nơi đang cần đặt tượng trang trí đường phố. Còn không thì đem bán đấu giá công khai”.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh, tác giả của Sài Gòn xích lô, nói: “Tất cả số tượng điêu khắc được trao giải từ năm 2015 đến nay vẫn chưa sử dụng, như vậy TP.HCM chưa giữ đúng lời hứa với các tác giả. Lúc ấy, chúng tôi chỉ nhận ít tiền bồi dưỡng và ký cam kết phải trao tượng cho TP mang đặt tại những vị trí công cộng nhằm quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng. Theo tôi, nên liên hệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoặc nhà tài trợ chọn vị trí phù hợp để họ bỏ tiền ra tài trợ. Như vậy, quyền sở hữu bức tượng ấy của nhà nước vẫn được bảo đảm, tác giả sáng tác cũng hài lòng mà không gian đô thị lại sớm có tượng trang trí để phục vụ đời sống tinh thần của người dân mà ngân sách vẫn có lợi”.