Người Việt cần thay đổi thói quen đi xe “tiểu nông”
Đại tá Trần Sơn (nguyên phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông – Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ quanh diễn đàn Văn hoá giao thông (VHGT).
Người Việt cần thay đổi thói quen đi xe “tiểu nông”
Đại tá Trần Sơn (nguyên phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông – Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ quanh diễn đàn Văn hoá giao thông (VHGT).
Nhiều người chạy xe không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ qua đường – Ảnh: Hữu Khoa |
Là chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy và chủ biên nhiều sách, tài liệu về pháp luật liên quan trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam, đại tá Trần Sơn chia sẻ rằng những người nước ngoài đến Việt Nam, một trong những vấn đề mà họ sợ nhất đó là giao thông.
Một nhà báo người nước ngoài từng viết trên tờ New York Times: “Để băng qua đường phố ở Hà Nội cần hệ thần kinh thép, một sự điềm tĩnh của Đức Phật hoặc cần một ly rượu mạnh”. Nói như vậy để thấy rằng tình hình giao thông của chúng ta rất phức tạp, ý thức người tham gia giao thông kém, hay nói rộng ra là VHGT kém.
|
* Thưa ông, chúng ta nói rất nhiều đến VHGT nhưng nhiều người thắc mắc VHGT là gì?
– Trên bình diện chung nhất, chúng ta có thể đưa ra khái niệm về VHGT hay văn hoá khi tham gia giao thông: “Văn hoá khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hoá nơi công cộng, là một tập hợp những đặc trưng về cách ứng xử, chấp hành các quy định chung về pháp luật, tuân theo các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ khi tham gia giao thông của một xã hội”.
Như vậy, VHGT được thể hiện trên nhiều tiêu chí, đặc trưng khác nhau nhưng khái quát lại gồm ba nhóm đặc điểm cơ bản khi tham gia giao thông, đó là tính pháp lý, tính cộng đồng và tính thẩm mỹ.
* Một quốc gia kém VHGT sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
– Hiện nay ở nước ta, tai nạn và ùn tắc giao thông trở thành “quốc nạn”. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn và hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông nhưng mức độ thiệt hại của nó không hề suy giảm, mà tình hình ngày càng nghiêm trọng.
“Hình ảnh người nông dân hiền lành, chất phác luôn là biểu tượng cho những đặc tính tốt đẹp, đã in đậm trong tâm trí của người Việt Nam. Tuy nhiên mặt trái của văn hoá “tiểu nông” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hoá và các sinh hoạt xã hội khác, trong đó có giao thông |
Đại tá Trần Sơn |
Mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi gần 30 mạng người, mỗi năm hơn chục nghìn người vĩnh viễn ra đi, hàng chục nghìn người bị thương tật vĩnh viễn và thiệt hại kinh tế ước tính đến hàng nghìn tỉ đồng. Cùng với đó là nạn ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường, điểm giao cắt trên các đường phố ở những đô thị lớn. Điều này dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Chúng ta đã tốn khá nhiều giấy mực tìm ra những nguyên nhân chủ yếu như sự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân, ý thức của người tham gia giao thông quá kém và chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây; quỹ đất dành cho giao thông còn thấp so với yêu cầu nên đường sá chật hẹp, xuống cấp nhanh, có quá nhiều biển báo cấm và biển báo hiệu trên một đoạn đường… Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa từ những khía cạnh của VHGT.
* Tại sao chúng ta kém về VHGT?
– Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng VHGT ở Việt Nam đang từ “tiểu nông” lên “tri thức”. Thói quen “tiểu nông”, mạnh ai nấy đi thể hiện từ việc không có văn hóa xếp hàng đến VHGT và rộng hơn là văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Các nhà nghiên cứu về an toàn giao thông cũng đã chỉ ra nhiều mặt trái của văn hóa “tiểu nông” liên quan đến VHGT. Thứ nhất, văn hóa “tiểu nông” thể hiện ở chỗ tính kỷ luật kém, tuỳ tiện, được chăng hay chớ, chấp pháp không nghiêm.
Hằng ngày chúng ta vẫn thấy rất nhiều hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, thiếu văn minh lịch sự trên xe công cộng, chất lượng và thái độ phục vụ hành khách yếu kém… Điều đó cho thấy sự thiếu kỷ cương và tuỳ tiện đã tạo thành thói quen, tâm lý ăn sâu vào mỗi người dân.
Thứ hai, văn hoá “tiểu nông” làm cho con người thường suy nghĩ một cách đơn giản, tùy tiện về công việc và vai trò họ đang làm. Cho nên người lái xe thường chưa nhận thức sâu sắc về “sứ mạng” của mình khi tham gia giao thông, rằng con người, hàng hoá, phương tiện… đang đặt sự an toàn lên trách nhiệm công dân của mình.
Phía người thực thi pháp luật còn chưa làm hết trách nhiệm của mình, còn xảy ra tình trạng “làm luật” bỏ qua những vi phạm. Đó là một trong những biểu hiện, căn nguyên của sự suy thoái về đạo đức.
Thứ ba, tính chủ quan, dựa vào khả năng ứng phó, tài xoay xở của mình, không nhìn xa trông rộng, quan niệm “tới đâu hay tới đó” cũng là biểu hiện của văn hoá “tiểu nông”. Chính vì thế thói phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, phá cả dải phân cách để đi ngang đường cao tốc, chắn barie vẫn cố tranh thủ vượt qua; làm nhà và các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông… diễn ra hằng ngày.
Thứ tư là thiếu tôn trọng, đoàn kết, bênh vực, bảo vệ những trường hợp yếu thế hơn như giúp đỡ trẻ em, người già, phụ nữ, người khuyết tật, cứu giúp vô điều kiện người bị nạn, rủi ro trên đường. Khi bị tắc đường thì không ai nhường ai, chỗ nào còn trống cứ đi, đi lên vỉa hè, lấn đường người khác.
Ai cũng muốn đi nhanh nhất, thuận tiện nhất, trong khi đường hẹp, mật độ phương tiện lớn và còn biết bao tình huống bất lợi khác phát sinh, dẫn đến cách “ứng xử” và thói quen đi “kỳ quặc”. Khi va chạm nhỏ cũng dễ dẫn đến xô xát nhau, người ngoài cuộc hoặc vô cảm, hoặc hiếu kỳ đứng nhìn gây cản trở giao thông.
Thứ năm, văn hóa “tiểu nông” có ảnh hưởng tiêu cực đến việc quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền. Đó là sự thiếu trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp còn thấp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Đó là tư duy về kế hoạch thiếu tính tổng thể, trong quy hoạch thì manh mún, không nhìn xa trông rộng và thiếu hệ thống. Điều đó thể hiện trong một số quyết định liên quan đến giao thông; làm đường cao tốc nhưng thiếu quy hoạch đường dân sinh, các cầu vượt; tình trạng sửa chữa đào đường lung tung kéo dài thiếu kiểm soát; các biện pháp đề ra thiếu tính khả thi, có khi còn phạm luật…
Chính sự lạc hậu, yếu kém của mạng lưới giao thông vận tải, việc thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý trong thực thi chiến lược, điều hành khai thác hệ thống vận tải và kết cấu kỹ thuật hạ tầng giao thông cũng là một trong những nguyên do gây ra ùn tắc giao thông và là yếu tố kích thích sự gia tăng những hành vi kém VHGT.
* Theo ông, phải xây dựng VHGT như thế nào?
– VHGT của mỗi người dân và mỗi cộng đồng không phải tự nhiên có được, mà nó hình thành trong quá trình giáo dục và tự giáo dục lâu dài từ khi còn nhỏ trong gia đình, trong nhà trường, sự gương mẫu của người lớn và tiếp nhận có chọn lọc hành vi VHGT diễn ra hằng ngày trong xã hội. Do vậy cần phải có cuộc vận động lớn, làm từng bước nhưng kiên trì và lâu dài để thay đổi dần thói quen giao thông “tiểu nông” thành thói quen VHGT.
Để xây dựng VHGT, cần xác định một số tiêu chí cụ thể, định hướng trong quá trình thực hiện. Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra 9 tiêu chí chung. Trên cơ sở đó, chúng ta cần đưa ra một số giải pháp xây dựng mà các chuyên gia từng thảo luận.
Đó là xây dựng giá trị nền tảng của VHGT và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội; đưa việc giáo dục tuyên truyền, phổ biến hành vi tôn trọng các quy định, quy tắc của pháp luật khi tham gia giao thông trở thành chương trình giáo dục chính thức trong trường học phổ thông; xây dựng chương trình tôn vinh VHGT trong cộng đồng.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư cùng với việc xã hội hoá đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; đánh giá định kỳ việc xây dựng VHGT trong xã hội.
9 tiêu chí chung xây dựng VHGT Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra 9 tiêu chí chung như tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; có ý thức văn hoá xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn. |