Những đứa trẻ “cứ nhỏ xíu hoài”
“Mấy đứa này không cao thêm được, cứ nhỏ xíu hoài, chạy thận mấy năm thì 15 tuổi vẫn trông như đứa trẻ 7 tuổi. Thằng Hải hồi 7 tuổi vô đây nặng 19kg, giờ nó 13 tuổi, nặng 18kg”.
Những đứa trẻ “cứ nhỏ xíu hoài”
“Mấy đứa này không cao thêm được, cứ nhỏ xíu hoài, chạy thận mấy năm thì 15 tuổi vẫn trông như đứa trẻ 7 tuổi. Thằng Hải hồi 7 tuổi vô đây nặng 19kg, giờ nó 13 tuổi, nặng 18kg”.
Đến lớp học là niềm vui nhỏ bé của các bệnh nhi chạy thận ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) – Ảnh: Vũ Thuỷ |
Bà Mười, bà ngoại của bé Nguyễn Ngọc Hải (13 tuổi, quê Long An), kể về đứa cháu trai đang chạy thận ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) như vậy.
Ở khoa thận nội tiết của bệnh viện có gần 40 bệnh nhân nhí. Em nhỏ tuổi nhất hay đứa sắp bước vào tuổi thanh thiếu niên cũng chẳng thể nào vượt qua con số 20kg cân nặng.
“Con lên làm ôsin cho tụi nó”
Chạy thận mỗi tuần một lần nhưng Nguyễn Thọ Anh Tuấn (12 tuổi, quê Đắk Lắk) lại lên bệnh viện thường xuyên hơn những đứa trẻ khác.
Tuấn biết hầu hết đám trẻ mấy chục đứa phải chạy thận trong khoa, đứa mới chạy thận vài tháng, đứa 3-4 năm, đứa 6-7 năm, tuần nào cũng chạy thận đều đều ba lần và coi như bạn bè. Tuấn cũng có mặt ở bệnh viện này sáu năm rồi nhưng vẫn nhanh nhẹn hơn cả.
“Con chỉ chạy thận thứ tư thôi. Bữa nay con vô đây làm ôsin cho tụi nó” – Tuấn lém lỉnh giải thích sự có mặt của mình ở bệnh viện vào sáng thứ hai đầu tuần.
Bà nội không theo cùng mà 6h sáng em tự theo xe chở đám bạn chạy thận ở chung mái ấm từ Thủ Đức lên bệnh viện, quanh quẩn đợi bạn bè chia phiên chạy thận hai ca tới 4h chiều lại theo bạn lên xe, lục tục đi về.
“Đây là Thái, kia là Minh, Cẩm, Nhung, Hoàng, Lụa” – Tuấn chỉ vào giường của từng đứa bạn đang chạy thận và giới thiệu.
Những đứa trẻ gầy gò đang mệt mỏi trên giường, dây nhợ lủng lẳng cổ tay nhưng vẫn nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy Tuấn đi vào. Mỗi ca chạy thận 3-4 tiếng, lũ trẻ chỉ có thể nằm im trên giường.
Không đi tiểu được, hằng ngày các em không được uống nước nhiều mà chủ yếu ăn thức ăn khô như bánh mì chả, cơm, cháo đặc hay nhai đá viên rau ráu cho đỡ thèm nước. Thế nên lúc chạy thận lọc máu, đứa thèm nước mía, đứa thèm nước ngọt đều tranh thủ xin người thân mua cho uống.
Vậy là Tuấn cứ đi vòng vòng, hết ra hành lang chỗ các phụ huynh ngồi đợi con, cháu lại vòng vòng giường bệnh của lũ bạn nói chuyện. Đứa nào muốn ăn cơm, uống nước đều nhờ Tuấn chạy ra báo giùm cha mẹ.
“Tụi nó yếu lắm, không đi lại được như con, không được uống nước thoải mái nữa. Hải, Thái, Vy phải có người cõng. Thằng Hoàng, thằng Nguyễn không đi được luôn” – Tuấn kể về đám bạn với vẻ đầy cảm thông.
Con thích đi học
Lũ trẻ chạy thận, mỗi đứa mỗi cảnh. Tuấn thì cha mẹ đã chia tay và đều có gia đình riêng nên phải ở với bà nội ở mái ấm dưới quận Thủ Đức. Ngọc Hải (13 tuổi, quê Long An) ở trọ với bà ngoại, Ngọc Trâm (15 tuổi) cũng ở trọ với mẹ tại Bình Dương vì cha mẹ thôi nhau.
Vài đứa khác may mắn hơn thì còn cha hoặc mẹ dưới quê hay đi làm công nhân ở mấy khu công nghiệp trong thành phố. Người thân theo nuôi, hầu hết đều ăn cơm từ thiện, cơm chay miễn phí, chỉ dành dụm đủ tiền để lo cơm nước cho tụi nhỏ.
Tuần tuần, tháng tháng, đám trẻ gặp nhau trên cái giường chạy thận, người đầy những vết chai, trầy vì gãi ngứa, thỉnh thoảng lại vắng đi một đứa khi chúng phải chuyển viện hoặc đột ngột ra đi.
Nhưng cũng như bao đứa trẻ khác, đám trẻ thích học, thích đến lớp học viết, học toán ở phòng học đầy màu sắc trong khoa vật lý trị liệu của cô giáo Phạm Thị Rành. Hỏi thích đi học không, đứa nào cũng gật: “Con thích đi học lắm”.
Tuấn, Hồng Cẩm, Minh đều chưa biết chữ khi vào viện. Ở lớp, chúng được cô giáo Rành dạy viết chữ, đọc vần, học toán, lần lần cũng đã biết viết. Ngọc Hải học xong lớp 1, vừa kịp biết mặt chữ thì vào viện, đến giờ cũng viết được bài trong sách lớp 3.
Lớp học cũng theo ca chạy thận của mấy đứa nhỏ. Đứa nào chạy xong thì vào lớp với cô giáo. Vậy nên sĩ số học sinh trên bảng là 26 nhưng hầu như bọn trẻ không bao giờ xuất hiện đầy đủ.
Ca học chiều thứ hai, Tuấn ngồi ngay bàn đầu, nắn nót viết “Nhà bà có tủ, ghế, gỗ”. Cậu bé bảo thích đi học vì có thể viết được giống các bạn và được chơi trò chơi.
Ngồi sau cậu bé, Minh và Ngọc Cẩm đều khai “con mới học mẫu giáo”, hai đứa với hai cánh tay gầy nhẳng vẫn còn dán gạc sau ca chạy thận buổi sáng, cánh tay lồi lõm vì gắn kim tiêm nhiều lần đang hì hục ngồi viết từng chữ A, chữ O.
Bên kia, Lụa khá hơn vì đã học hết lớp 3, đang viết bài chính tả “Chim sẻ và bông hoa bằng lăng”.
Thỉnh thoảng lũ trẻ quay ra đùa giỡn, giành bút. Các em dường như quên bớt cái đau, cái nhức, quên ngày mai ngày kia lại phải nằm trên giường bệnh với máy chạy thận.
Chỉ vào bức tranh mang tên Hoài niệm treo trên tường, cô giáo Rành kể đứa bé vẽ bức tranh ấy đã mất.
“Chúng tôi vẫn lưu giữ vì bọn trẻ vẽ rất đẹp. Đó là những kỷ niệm cuối cùng các em để lại trên đời” – cô bảo.