01/11/2024

Tại sao lại tặng xe hơi cho cơ quan nhà nước?

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên khi thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công ngày 4-4.

 

Tại sao lại tặng xe hơi cho cơ quan nhà nước?

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên khi thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công ngày 4-4. 

 

 

 

Tại sao lại tặng xe hơi cho cơ quan nhà nước?
Một trong hai xe Lexus GX460 được công ty Công Lý tặng tỉnh Cà Mau sau đó tỉnh này đã trả lại – Ảnh: CTV

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận đây là vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, vừa qua dư luận xã hội đã phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ôtô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định.

Một số cơ quan, địa phương phải trả lại các xe này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng. Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản là quà biếu.

Có nên cấm tiệt?

 
 

 

Phân tích vấn đề này, ông Hải cho biết pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà.

Trường hợp không từ chối được phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp chỉ biếu xe hơi? Trong khi đó còn nhiều thứ rất cần cho an sinh xã hội như cầu, đường, nhà tình nghĩa…?”.

Ủy viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ranh giới giữa công và tư trong việc nhận quà biếu rất mong manh và dễ bị lạm dụng, do đó phải quy định rất chặt chẽ.

“Việc nhận quà của doanh nghiệp đúng là có nhiều vấn đề đáng bàn, ví dụ trên cùng một địa bàn mà doanh nghiệp này tặng quà, doanh nghiệp khác không tặng quà có thể dẫn đến bất bình đẳng trong đối xử” – ông Nhưỡng phân tích.

Ông cũng cho rằng nếu tặng, biếu để thực hiện từ thiện, giúp hỗ trợ an sinh xã hội thì 
hoan nghênh.

Bình luận về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: Tiêu chuẩn của anh chỉ được đi xe 1 tỉ đồng, nhưng anh lại ngồi chiếc xe 3 tỉ đồng do người ta tặng thì mới có chuyện, chứ nếu anh đi xe đúng tiêu chuẩn định mức thì ai nói gì.

Ông Hiển cũng lưu ý khi tài sản tặng đã trở thành tài sản nhà nước thì bảo trả lại là trả ngay cũng không hẳn đúng, mà phải theo quy định pháp luật như đấu giá hay các hình thức khác.

Đầu tư quá nhu cầu sử dụng là lãng phí

Thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phân tích:

“Có một số tài sản công, đặc biệt là cơ sở vật chất ban đầu, được cơ quan, đơn vị đầu tư quá nhu cầu sử dụng, sau đó lại đem cho thuê. Thật ra việc đầu tư quá nhu cầu sử dụng cũng là một hình thức lãng phí”.

Ông Lâm cho rằng “chắc chắn là việc cơ quan, đơn vị công lập đem tài sản đó đi kinh doanh thì không thể hiệu quả bằng các tổ chức chuyên nghiệp đem đi kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng nếu đầu tư quá nhu cầu sử dụng thì phần quá nhu cầu đó phải được cơ quan quản lý công sản của nhà nước thu hồi, sau đó mới tiến hành tổ chức đấu thầu, cho thuê lại theo cách thức chuyên nghiệp và nguyên tắc thị trường.

Quản lý tài sản phải gắn với trách nhiệm cá nhân, ví dụ một tài sản công bị hư hỏng do lỗi chủ quan trong quá trình sử dụng thì phải gắn với cá nhân, chứ không phải là hư hỏng thì đơn vị, tổ chức phải chịu”.

LÊ KIÊN