Ám ảnh… học thuộc lòng!
Sau bài viết “Ai phát minh ra chuyện học”, nhiều bạn đọc là học sinh, sinh viên, giáo viên đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả về việc học sinh phải học thuộc lòng quá nhiều trong chương trình học hiện tại.
Ám ảnh… học thuộc lòng!
Sau bài viết “Ai phát minh ra chuyện học”, nhiều bạn đọc là học sinh, sinh viên, giáo viên đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả về việc học sinh phải học thuộc lòng quá nhiều trong chương trình học hiện tại.
Nhiều ý kiến cho rằng nên dạy học sinh tư duy, sáng tạo thay vì “nhai đi, nhai lại” những kiến thức xưa cũ.
“Nhà trường nên cương quyết nói không với việc kiểm tra bài kiểu học thuộc lòng. Khi giáo viên chấm bài cũng cần có sự khuyến khích những bài làm sáng tạo của học sinh |
Thầy Hoàng Long Trọng |
* Cô NGUYỄN HOÀI THU (hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang):
Làm thui chột cảm nhận của học sinh
Việc học thuộc lòng bài văn mẫu để áp dụng cho bài tập, bài thi của học sinh là sai hoàn toàn trong phương pháp giảng dạy hiện nay. Bởi giáo viên chỉ là người hướng dẫn để học sinh chủ động sáng tạo tìm hiểu các mặt kiến thức.
Tuy nhiên, sai lầm ấy hiện vẫn tồn tại trong nhà trường. Khi sắp đến kỳ thi, kiểm tra giáo viên lại viết những bài văn mẫu cho học sinh chép về học thuộc.
Hiện nhà trường vẫn còn lưu lại rất nhiều bài kiểm tra giống nhau từ câu chữ đến dấu chấm, phẩy. Chính cách dạy ấy đã làm thui chột cảm nhận của học sinh về kiến thức được học, bởi các em phải viết văn từ chính cảm xúc của mình.
Cách học văn hay nhất là phải tai nghe, mắt thấy, tay sờ. Còn học như một con vẹt, dù học nhiều đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ quên. Giáo viên phải dạy thật tâm, thật đúng để tự học sinh cảm nhận.
Có thể bài văn của các em còn ngô nghê, chưa sinh động như mong muốn của người lớn. Nhưng đó là cảm nhận trung thực từ các em, điều mà giáo viên phải trân trọng và khuyến khích.
* Sinh viên NGUYỄN THỊ THÙY TRANG (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM):
Nhớ đến vẫn còn sợ!
Nhớ đến thời học cấp II, III giờ tôi vẫn còn sợ “khổ hình” học thuộc lòng. Bao nhiêu là môn, nào là công thức toán, lý, hóa, sinh; rồi kinh khủng hơn là các môn “chính danh” học thuộc lòng như sử, địa, giáo dục công dân, công nghệ…
Học đặc nghẹt đầu, nhưng cứ thi xong là quên sạch, chả nhớ được chút nào. Đó là chưa kể phần học thuộc lòng môn văn.
Không chỉ dừng lại ở việc học dẫn chứng, chúng tôi còn học thuộc cả văn mẫu mà cô phân tích hay sách phân tích.
Thật sự hồi đó tôi thích học văn, nhưng không thể nào nuốt nổi những bài văn “cảm nhận của em, phân tích của em, đánh giá của em” mà bằng câu chữ, hành văn và cả cảm xúc của người khác.
Và thật sự, để đảm bảo được một điểm số “an toàn” thì khó có bạn nào dám viết cảm nhận thật của mình.
Càng nghĩ càng thấy buồn khi không chỉ mình, mà nhiều bạn học trò khác đã, đang và vẫn tiếp tục học theo kiểu ấy.
Chỉ mong giáo dục có thể thay đổi theo hướng chú trọng thực hành, tập trung giảng dạy những kiến thức thực tế, áp dụng được vào cuộc sống, đồng thời khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo. Đừng gò bó tất cả vào khuôn, khi mỗi cá nhân chẳng ai sinh ra giống ai được.
* Thầy HOÀNG LONG TRỌNG (Trường THCS Văn Lang, Q.1, TP.HCM):
Thói quen tồn tại rất lâu trong nhà trường
Các giáo viên văn, sử, địa, giáo dục công dân hay thậm chí cả môn công nghệ đều thường bắt học sinh phải học thuộc lòng.
Các em phải học thuộc những bài, những ý trong những lần kiểm tra miệng, rồi đến kỳ kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng phải làm theo những bài, những ý mà giáo viên đã cho.
Điều đó dẫn đến một thói quen đã tồn tại từ rất lâu trong nhà trường: thế hệ giáo viên A đào tạo nên thế hệ giáo viên B theo kiểu nhồi sọ học thuộc, sau đó thế hệ B này lại áp dụng hình thức đó lên học trò của mình…
Học thuộc lòng như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh. Khi học thuộc, các em không có không gian sáng tạo, tư duy của các em sẽ luôn rập khuôn theo cái có sẵn, vào những lối mòn cũ kỹ. Như vậy, chính giáo viên đã làm mòn đi khả năng sáng tạo và tư duy độc lập của học sinh.
Tai hại hơn, việc học thuộc còn ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của học sinh, các em thường hành động, suy nghĩ theo những lối cũ mà không tự quan sát, trải nghiệm; còn khi đối mặt với những điều mới mẻ, các em sẽ bị “khớp”, không biết phải hành xử như thế nào…
Cách đào tạo theo kiểu ép học thuộc như vậy rất nguy hiểm, nó khiến các em không đủ khả năng để hòa nhập vào môi trường năng động, toàn cầu hóa như ngày nay.
Bên cạnh đó, theo xu hướng ra đề kiểm tra hiện nay, nếu học sinh học thuộc, các em sẽ không thể làm tốt được các bài thi tuyển sinh.
* Ý kiến học sinh: Đôi lúc muốn quăng sách vở đi! Em phải học thuộc rất nhiều. Từ môn văn, sử, địa, giáo dục công dân đến lý, hóa, sinh. Cứ đến kỳ kiểm tra, môn nào thầy cô cũng phát cả xấp đề cương cho chúng em học. Em cảm thấy không thể nào nhồi nhét hết vô đầu được. Em phải chia ra rồi cố gắng học hết, nhưng em học kiểu “học vẹt” để mau mau thuộc. Học mà có khi chẳng hiểu gì. Một thời gian ngắn sau kỳ kiểm tra, thi cử là em quên hết sạch. Em thấy rất áp lực với những môn học thuộc lòng như vậy. Em từng tự hỏi, không biết đến bao giờ mình mới không phải học thuộc nữa. Đôi lúc chán quá, nản quá, em chỉ muốn quăng hết đề cương, sách vở đi… (Một học sinh lớp 9 ở TP.HCM) Đều theo mẫu cô viết sẵn Các bài văn em làm đều theo mẫu cô viết sẵn ở lớp học thêm. Chỉ cần học thuộc lòng rồi vào ghi lại y chang thì bài sẽ được đánh giá là đạt. Không chỉ môn văn, mà môn toán khi đi học thêm cô cũng cho làm bài tập sẵn những dạng a, b, c… Đến khi kiểm tra thì cô cho lại các dạng bài tập ấy để em và các bạn làm. Cho nên lớp em hầu hết các bạn đều học thêm ở nhà cô. (Một học sinh lớp 4 ở Q.Bình Thuỷ, Cần Thơ) Rất áp lực Với khối lượng kiến thức dàn trải ở nhiều môn, việc học thuộc lòng tốn quá nhiều thời gian của chúng em. Như môn ngữ văn, trong chương trình cơ bản có khoảng 10 tác phẩm văn học và 10 bài thơ. Việc mỗi ngày đều phải học thuộc lòng những bài dài dằng dặc để trả bài cũ khiến chúng em cảm thấy rất áp lực… (Bạn Trần Ngọc Hiếu Thảo, học sinh lớp 9A Trường THCS Ea Trul, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) |