29/11/2024

Vỉa hè thông thoáng rồi… làm gì?

Hiện nhiều nơi ra quân dọn dẹp, trả vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Nhiều người băn khoăn liệu tình trạng buôn bán trên vỉa hè, lề đường có trở lại, hoạt động bảo kê cho vỉa hè sẽ tinh vi hơn?

 

Vỉa hè thông thoáng rồi… làm gì?

Hiện nhiều nơi ra quân dọn dẹp, trả vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Nhiều người băn khoăn liệu tình trạng buôn bán trên vỉa hè, lề đường có trở lại, hoạt động bảo kê cho vỉa hè sẽ tinh vi hơn?

 

 

 

Vỉa hè thông thoáng rồi... làm gì?
Người dân và du khách nước ngoài đi bộ trên vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 (TP.HCM) – Ảnh: HỮU KHOA

Tuổi Trẻ trò chuyện với ThS Nguyễn Ngọc Phước Đại, Viện Nghiên cứu phát triển TP, về việc sử dụng vỉa hè sao cho hiệu quả để vừa thông thoáng, sạch đẹp, vừa nhân văn lại không lãng phí.

* Thời gian vừa qua, việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường đã tạo sự quan tâm của cả lãnh đạo và người dân. Theo ông, đánh giá chuyện vỉa hè sao cho đúng?

– Vỉa hè, ngoài chức năng là lề đường dành cho người đi bộ, còn là một không gian giao tiếp lớn nhất của các đô thị. Ý nghĩa tồn tại khách quan, sự thật của vỉa hè đô thị to lớn hơn rất nhiều so với “cái gọi là vỉa hè” được đề cập đến trong quy hoạch hay trong các nghị định về an toàn giao thông.

Thực ra, người ta chỉ nói đến lề đường là phần lề phụ dọc hai bên một con đường dành cho người đi bộ, nơi trồng cây, cột điện và đặt hệ thống cống rãnh ở bên dưới. Vỉa hè hiểu theo nghĩa này không thấy có sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Vấn đề chính là ở chỗ đó, nếu thiếu sinh hoạt thì đúng là lề đường chứ không phải hè phố, không phải vỉa hè đô thị.

 
 

 

Lâu nay, trật tự trên vỉa hè và không gian vỉa hè của TP.HCM gần như ít được quan tâm dẫn đến việc sử dụng tuỳ tiện, nhếch nhác, mạnh ai nấy chiếm và có cả chuyện bảo kê thu tiền ngoài luồng. Vì vậy, những chiến dịch lớn – nhỏ giành lại vỉa hè cho người dân TP.HCM nói riêng và một số TP khác trong cả nước nói chung đang diễn ra rầm rộ như một làn sóng lớn đang quét đi những vấn đề mất trật tự, mất mỹ quan về đô thị nhằm tạo sự thông thoáng cho vỉa hè và an toàn trong giao thông.

Và điều đó cũng đồng nghĩa quét đi những mảnh đời – cuộc sống của một bộ phận cư dân có đời sống kinh tế phụ thuộc chính vào vỉa hè. Tuy nhiên, sau những đợt ra quân rầm rộ thì liệu có tình trạng “đâu lại vào đấy” như những lần trước? Câu chuyện đặt ra là cần có giải pháp tổ chức và quản lý không gian vỉa hè để điều đó được bền vững.

* Như vậy việc sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là nhu cầu có thật và cần thiết của cả người bán và người mua?

– Hiểu đúng bản chất vỉa hè mới có thái độ, sau đó có cư xử hợp lý. Dọn dẹp vỉa hè là bước đầu tiên để nó tránh nhếch nhác, tràn lan. Sau đó phải tổ chức lại để quản lý và khai thác sử dụng không gian vỉa hè hiệu quả. Không gian vỉa hè bao gồm lề đường, hệ thống kỹ thuật, công trình kiến trúc, con người, cuộc sống đô thị của con người trên vỉa hè…

Tất cả những cái đó tạo thành đời sống của vỉa hè. Người đô thị có sinh hoạt, vui chơi trên vỉa hè, có những gặp gỡ bất ngờ, quyết định mua sắm chớp nhoáng trên vỉa hè, tạo nên một không gian sinh hoạt cộng đồng bất chợt rất cần thiết cho đô thị. Nhiều đô thị trên thế giới đều vậy.

Vỉa hè thông thoáng rồi... làm gì?
ThS Nguyễn Ngọc Phước Đại – Ảnh: NGỌC HÀ

“Hiểu đúng bản chất vỉa hè mới có thái độ, sau đó có cư xử hợp lý. Dọn dẹp vỉa hè là bước đầu tiên để nó tránh nhếch nhác, tràn lan. Sau đó phải tổ chức lại để quản lý và khai thác sử dụng không gian vỉa hè hiệu quả

ThS Nguyễn Ngọc Phước Đại

* Làm sao để vỉa hè vừa thông thoáng cho người đi bộ, lại vừa có chỗ cho người bán hàng rong lẫn người dân muốn kinh doanh mua và bán ở mặt tiền nhà phố?

– Đứng ở góc độ người dân, tôi khẳng định là cần và rất cần không gian vỉa hè thông thoáng, an toàn về giao thông, đồng thời thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh mua và bán trên vỉa hè tại vị trí mặt tiền nhà phố và các hoạt động khác kèm theo như vị trí đậu xe, ăn uống, vui chơi giải trí thư giãn, bất chợt vào ban ngày hoặc sau khi đã kết thúc ngày làm việc tại khu vực đô thị… Điều này rất cần!

Theo tôi, Nhà nước nên “cho” trước khi mong muốn được đón “nhận”. Điều cần thiết thực hiện sau chiến dịch giành lại mỹ quan trật tự vỉa hè là nên tổ chức quản lý khai thác và sử dụng không gian vỉa hè đó một cách hiệu quả và đúng mực, phù hợp với tình hình thực tế.

Thiết kế, tổ chức lại không gian vỉa hè là để quản lý và khai thác sử dụng đúng ý nghĩa tồn tại của không gian vỉa hè trong đô thị. Qua đó, có vị trí an toàn cho khách bộ hành, có chỗ sắp xếp cho người bán hàng rong – người có nhà mặt tiền sử dụng vỉa hè để kinh doanh các loại hình sinh hoạt đô thị (giữ xe, kinh doanh ăn uống, giải trí…) có trả phí.

Người bán hàng rong trên vỉa hè có vị trí ổn định, quán cà phê có sử dụng một phần vỉa hè vẫn được hoạt động hợp pháp, Nhà nước có nguồn thu từ cho thuê vỉa hè. Tất cả phải được chi trả một khoản chi phí cho điều đó trên không gian vỉa hè.

* Phí thu được từ việc cho thuê vỉa hè có bù nổi những khoản chi cho duy tu, bảo dưỡng, tổ chức sắp xếp trật tự không?

– Hiện trung tâm TP.HCM có khoảng 1,2 triệu m2 diện tích vỉa hè, nếu Nhà nước chỉ dành khoảng 400.000m2 (30% diện tích) cho thuê kinh doanh với giá khoảng 500.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng thu về khoảng 200 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí này sẽ đóng góp cho TP, trích một phần để duy tu bảo dưỡng thường xuyên vỉa hè như lát gạch, tổ chức cây xanh, tổ chức những dịch vụ công cộng cho người đi lại, nước uống, nhà vệ sinh, thùng rác, trạm xe buýt… trên khoảng diện tích 2/3 còn lại của không gian vỉa hè.

Có thể xã hội hóa điều này hoặc một đơn vị công ty nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện (công ty quản lý và khai thác vỉa hè như một công ty công ích nhà nước…), Nhà nước cần mở ra một chính sách để các công ty này hoạt động. Công ty quản lý sẽ đảm nhận tất cả mọi việc về tổ chức, quản lý và khai thác không gian vỉa hè, chịu trách nhiệm đầu tư và cho thuê, quản lý thay Nhà nước phần diện tích vỉa hè theo các thiết kế về không gian vỉa hè đô thị sau khi thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.

Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước kết nối với tất cả các ban, ngành trong TP (về xã hội lẫn kỹ thuật) để thực hiện từ khâu thiết kế, rồi đến đầu tư lẫn duy tu bảo dưỡng thường xuyên về mặt cảnh quan lẫn hạ tầng kỹ thuật nằm bên dưới không gian vỉa hè.

Nhiều thành phần sống nhờ vỉa hè

Tôi đã tự mình đi khảo sát và phát hiện rất nhiều thành phần – tầng lớp người tại TP.HCM sống nhờ vào vỉa hè. Một góc lề đường có cô bán xôi từ 6h-9h sáng, sau đó một xe thuốc lá bán từ 9h sáng đến 5h chiều và tiếp theo cũng cùng vị trí đó là xe hủ tiếu gõ bán từ 5h chiều đến 2h sáng hôm sau.

Điều đặc biệt mà hiển nhiên là tất cả những người có cuộc sống mưu sinh gắn liền với buôn bán trên vỉa hè đều phải nộp mỗi ngày từ 50.000 – 70.000 đồng phí không chính thức cho một nhóm người để được yên ổn buôn bán, trừ những khi không có đội trật tự đô thị đi tuần tra. Người khách mua xôi – thuốc lá – hủ tiếu gõ ở góc đường đó có đủ thành phần từ công chức, nhân viên văn phòng, anh phụ hồ, người giao hàng, người buôn bán, cư dân xung quanh…

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện