29/11/2024

Đập bỏ biệt thự hơn trăm tuổi để mở rộng khách sạn

Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp tuyệt đẹp có tuổi đời hơn 100 năm, trong khuôn viên của khách sạn Heritage ở TP.Huế, đang bị phá dỡ khiến những người tâm huyết với kiến trúc đô thị tiếc nuối.

 

Đập bỏ biệt thự hơn trăm tuổi để mở rộng khách sạn

Ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp tuyệt đẹp có tuổi đời hơn 100 năm, trong khuôn viên của khách sạn Heritage ở TP.Huế, đang bị phá dỡ khiến những người tâm huyết với kiến trúc đô thị tiếc nuối.



Ngôi biệt thự đang được tháo dỡ  /// Ảnh: B.N.L

Ngôi biệt thự đang được tháo dỡẢNH: B.N.L

Năm 2016, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (đơn vị sở hữu ngôi biệt thự tại khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) gửi văn bản đến UBND TP.Huế đề nghị cho phép phá dỡ ngôi nhà nói trên với lý do công trình đã qua 100 năm sử dụng, hiện xuống cấp nghiêm trọng, không có phương án cải tạo khắc phục.

Từ đề xuất này, Sở Xây dựng đã họp bàn với Sở VH-TT, UBND TP.Huế, Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh…, sau đó đề nghị UBND tỉnh cho phép giữ lại ngôi biệt thự này với lý do: “Ngôi biệt thự phù hợp với quy hoạch và có thể hiện trong bản đồ Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan (ký hiệu QH-05) của tỉnh”.

Về mặt kiến trúc nghệ thuật, Sở Xây dựng nhận xét: “Các đường nét kiến trúc, hoa văn, hoạ tiết, gờ hoa, hoa văn trang trí mang phong cách kiến trúc Pháp tại VN (kiến trúc Đông Dương), trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Hình thức của ngôi biệt thự là cân đối, hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực”.
Tại cuộc họp bàn lần đó, đa số ý kiến thống nhất đề nghị giữ lại ngôi biệt thự vì đánh giá đây là công trình đẹp, có giá trị lịch sử, tiêu biểu trong chuỗi tiến trình phát triển kiến trúc của Huế từ kiến trúc cung đình đến kiến trúc Pháp cho đến đương đại. Mặc dù chưa nằm trong danh mục kiểm đếm cũng như danh mục các di tích lịch sử văn hóa được công nhận, nhưng vì mang dấu ấn xu hướng kiến trúc VN đầu thế kỷ 20 nên biệt thự này có giá trị về mặt lịch sử.
Đập bỏ biệt thự hơn trăm tuổi để mở rộng khách sạn

Ngôi biệt thự khi chưa tháo dỡ

Cho phép phá dỡ là “có vấn đề”?
Sau gần 1 năm xin phép và qua 2 lần Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt thuê Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thừa Thiên-Huế thẩm định chất lượng, kết quả xác định công trình đã xuống cấp, nguy hiểm cấp C (khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ, theo tiêu chuẩn xây dựng VN của Bộ Xây dựng).
Từ kết quả này, đầu tháng 12.2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao Sở Xây dựng và UBND TP.Huế hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tháo dỡ công trình. Ngày 17.3.2017, Sở Xây dựng đã có công văn hướng dẫn tháo dỡ biệt thự.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Phi Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt, khẳng định lý do phá dỡ ngôi biệt thự là “xuống cấp không thể khắc phục”. “Trước đó, chúng tôi cũng đã có dự kiến cải tạo ngôi biệt thự làm một bar giải trí, nhưng sau thấy không khả thi vì ngôi nhà bị mối mọt và xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn. Phá dỡ ngôi nhà, chúng tôi cũng cảm thấy tiếc nhưng không còn cách nào khác”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, ngôi biệt thự này đã tồn tại hơn 100 năm, qua quá trình chuyển đổi hiện công trình thuộc sở hữu tài sản của doanh nghiệp, không nằm trong danh mục công trình di tích lịch sử.
Doanh nghiệp phá dỡ biệt thự để thực hiện dự án đầu tư mở rộng khách sạn Heritage, trên cơ sở cải tạo khối khách sạn Heritage hiện tại và xây dựng mới khối khách sạn quy mô 15 tầng nổi, 1 tầng lửng, 1 tầng hầm tại khu đất trống về phía đông nam. Tất cả nhằm tạo thành một hệ thống khách sạn Heritage hợp nhất đạt tiêu chuẩn 4 sao với công suất 195 phòng lưu trú các loại.
Tuy nhiên, diễn biến “phá dỡ” này không thuyết phục được các nhà tâm huyết với kiến trúc đô thị cổ. Ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, đưa ý kiến: “Việc đập bỏ ngôi biệt thự ở khu đất số 5 Lý Thường Kiệt là một việc vô cùng đáng tiếc”.
Còn nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Thừa Thiên-Huế, nói thẳng: “Nếu việc đập bỏ này đã được cho phép thì rõ ràng là có vấn đề. Vì như vậy chính quyền đã không lắng nghe góp ý tâm huyết của các nhà chuyên môn, nhà văn hóa. Việc các ngôi biệt thự Pháp tại Huế ngày một thưa dần sẽ làm cho diện mạo Huế ngày càng thay đổi”.
Chậm triển khai chính sách bảo tồn
Theo ông Nguyễn Việt Tiến, để có thể bảo tồn những ngôi nhà kiến trúc Pháp ở Huế, từ khoảng năm 2003 (thời điểm ông Tiến đang làm Giám đốc Sở Xây dựng) đã có một hội thảo về quỹ kiến trúc Huế. Từ hội thảo này và rất nhiều lần sau đó, vấn đề bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp, chủ yếu ở bờ nam sông Hương, đã được đặt ra. “Nếu tôi nhớ không lầm thì UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao cho Sở Xây dựng chủ trì tiến hành kiểm kê, đánh giá quỹ kiến trúc Pháp tại Huế để làm cơ sở cho việc bảo tồn, sử dụng và phát huy giá trị. Tuy nhiên, không hiểu sao việc này Sở Xây dựng vẫn chậm triển khai. Chính việc chậm triển khai kiểm kê, đánh giá này, mà đến nay rất nhiều biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp đã bị mất dần. Nếu tỉnh Thừa Thiên-Huế không sớm kiểm kê, đưa ra chính sách bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp tại Huế, thì việc “đập bỏ” những ngôi biệt thự Pháp như ở khu đất số 5 Lý Thường Kiệt có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra. Và điều đó, đối với Huế là điều vô cùng đáng tiếc”, ông Tiến bức xúc.


 

Bùi Ngọc Long