29/11/2024

Huỷ hoại đền Gióng vì sơn thếp

Sơn son thếp vàng sai cả thủ tục lẫn kỹ thuật đã làm hỏng toàn bộ các mảng chạm cũng như vì kèo của di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng.

 

Huỷ hoại đền Gióng vì sơn thếp

Sơn son thếp vàng sai cả thủ tục lẫn kỹ thuật đã làm hỏng toàn bộ các mảng chạm cũng như vì kèo của di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng.


 

Hủy hoại đền Gióng vì sơn thếp - ảnh 1

Hủy hoại đền Gióng vì sơn thếp - ảnh 2

Các mảng chạm ở đền Phù Đổng trước và sau khi bị sơn thếp trái quy địnhẢNH: BÌNH NGUYỄN – HIỆP TRỊNH

Trưởng nhóm Đình làng Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đã tá hỏa khi nhìn thấy những mảng chạm ở đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) bị sơn đỏ lòe loẹt. “Việc sơn thếp dày mỏng loang lổ đỏ lòm này đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản quý từ thế kỷ 17. Nếu đem so sánh với tư liệu ảnh từ 2008 sẽ thấy rất rõ tội ác trùng tu này”, ông Bình bức xúc. Đặt hai hình ảnh mới cũ cạnh nhau, có thể thấy những nét chạm nổi phượng, mây lửa bị nhồi đầy sơn đỏ, hoàn toàn không còn sự sắc nét cũng như mảng khối nữa.
Nhưng không chỉ có những mảng chạm bị sơn phết đỏ lòe. Vách, cửa, lan can của di tích cũng bị sơn nham nhở như vậy. Suốt cả dãy hành lang cũng đỏ ối hoặc hồng rực một cách khó hiểu. “Nếu nói vẻ đẹp trước khi bị sơn phết là 10 phần thì giờ chỉ còn 1 – 2 phần. Ai cho phép như thế với di tích là một tội ác phá hoại di sản”, ông Bình nói.
 
 
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Di tích gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.000 m2. Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích còn nằm ở hệ thống di vật, cổ vật đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu như: 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, tượng thờ mang giá trị nghệ thuật cao.
Hội Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 7 – 9 tháng 4 (âm lịch), là một trong những lễ hội nổi tiếng ở Bắc bộ, đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Tái hiện lại bản anh hùng ca Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, hội này cũng có những lớp văn hoá, tín ngưỡng khác như tín ngưỡng thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ nghề rèn sắt…

 

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết khi kiểm tra tại di tích đền Thượng, di tích quốc gia đền Gióng, việc sơn thếp cột, vì kèo nhà tiền tế, hậu cung đang được hoàn thiện. “Tuy nhiên, tại các chân cột, vị trí tiếp giáp các cấu kiện khác hình thức sơn không đều, chưa kín mặt gỗ, tạo sự nham nhở, không đảm bảo về mỹ thuật. Hai bức chạm khắc thế kỷ 17 – 18 hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng. Đây không phải màu sắc được ghi nhận tại hồ sơ xếp hạng di tích”, ông Tiến cho biết.

Hoàn toàn trái phép, rất khó phục hồi
TS Nguyễn Minh Khang, Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT-DL, cho biết theo hồ sơ đã được địa phương thoả thuận với Cục không có hạng mục sơn thếp bộ khung và mảng chạm. “Bộ và Cục chỉ thoả thuận cho phục hồi sơn thếp hệ khung. Phục hồi có nghĩa là phải đánh giá hiện trạng, trám vá và sơn vẽ theo mức độ xuống cấp. Việc này phải làm theo quy trình truyền thống và đáp ứng yêu cầu khoa học, nguyên tắc tu bổ. Hệ khung được hiểu là cột xà kẻ câu đầu, không bao gồm hệ vách, cửa, lan can…”, ông Khang nói.
Ông Trương Minh Tiến xác nhận: “Việc sơn thếp hai bức chạm nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 17 – 18, hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng không được UBND H.Gia Lâm phê duyệt để thực hiện trong việc tu bổ này”.
Ông Đinh Binh Tỉnh, Phó ban Quản lý di tích đền Gióng, cho biết: “Việc trùng tu di tích đền Gióng được chia làm 2 đợt, mỗi đợt được nhà nước chi 20 tỉ đồng. Tất cả các hoạt động xây dựng, trùng tu đều do nhà nước giám sát và điều hành. Chúng tôi và nhân dân chỉ có nhiệm vụ theo dõi tiến độ cũng như xem phần nào làm chưa tốt thì tiến hành góp ý”.
Trong khi đó, thông tin từ Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội sau khi xuống kiểm tra hiện trạng việc tu bổ sai này, chính các cụ ở địa phương đã góp tiền để sơn thếp mảng chạm này. Tốp thợ thi công ở đây đã thuyết phục họ “làm cố thêm” các mảng chạm với giá 50 triệu đồng.
Thanh tra Bộ VH-TT-DL Nguyễn Quốc Hiệp cho biết theo điều 13 luật Di sản, điều 4 Nghị định 98, điều 23 và 24 Nghị định 158 hướng dẫn thi hành luật này, các hành vi trùng tu trái phép gây huỷ hoại di tích như thế này sẽ bị xử phạt cá nhân đến 30 triệu đồng, xử phạt tập thể đến 60 triệu đồng. Ông Trương Minh Tiến nói Sở đã có văn bản gửi H.Gia Lâm yêu cầu kiểm tra và đề xuất phương án giải quyết theo quy định trước ngày 10.4 tới.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là những mảng chạm này hiện trong tình trạng rất khó phục hồi. “Nếu nước sơn này là sơn ta truyền thống thì không thể phục hồi. Còn nếu dùng sơn công nghiệp, có dùng chất tẩy tẩy đi cũng hỏng gỗ”, một chuyên gia bảo tồn chia sẻ. Nói cách khác, việc phục hồi mảng chạm giờ như ngàn cân treo sợi tóc, tỷ lệ thành công vô cùng thấp. Về điều này, ông Minh Khang cho rằng cần lập tức kiểm tra nhật ký công trường để biết quy trình đã thực hiện, vật liệu đã sử dụng để có thể có quyết định xử lý cứu chữa tiếp theo.

 

Trinh Nguyễn – Lê Tiến Dũng