Viện Toán học kiến nghị về tiêu chuẩn GS, PGS
Viện Toán học vừa có văn bản chính thức góp ý dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư gửi đến ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Viện Toán học kiến nghị về tiêu chuẩn GS, PGS
Viện Toán học vừa có văn bản chính thức góp ý dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư gửi đến ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT uỷ quyền cho các cơ sở đào tạo được cấp bằng tiến sĩ, Viện Toán học đã đặt ra quy chế: nội dung luận án phải được đăng trong ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí toán học quốc tế được Hội Toán học Mỹ điểm danh, hoặc có ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí ISI và 1 bài trên tạp chí quốc gia. Trong ảnh: GS.TSKH Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học) trao đổi học thuật với các nghiên cứu sinh – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
“Ví dụ quy định viết sách phục vụ đào tạo, thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh có bằng tiến sĩ… đều là những tiêu chuẩn mà quốc tế không dùng để xét phong GS. Có bạn bè quốc tế coi tiêu chuẩn này của VN là ấu trĩ, những tiêu chuẩn dễ gây hại cho khoa học” |
Trong văn bản dài 9 trang này, Viện Toán học khẳng định việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) và được sửa đổi, bổ sung theo từng giai đoạn là việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học.
“Nhiều điểm khác thường so với thông lệ quốc tế”
Theo Viện Toán học, ở các nước khoa học tiên tiến, dù việc phong chức danh GS, PGS hoàn toàn do trường tự chủ (như Mỹ, Anh, Đức…) hay có sự kiểm soát của nhà nước (như Ý, Pháp, Tây Ban Nha…), người ta về cơ bản chỉ chú ý tới chất lượng khoa học, năng lực và kinh nghiệm sư phạm; chỉ trong trường hợp hiếm hoi mới lưu ý thêm về đóng góp khác, trong đó có đóng góp về đào tạo.
Cũng có thể họ có những quy định, hướng dẫn nội bộ cho từng hội đồng, nhưng không thể tìm ra một bộ quy định công bố công khai nào. Ở những nước đó, ý kiến của chuyên gia hoàn toàn quyết định.
Do trình độ khoa học ở nước ta còn hạn chế, việc áp dụng máy móc thông lệ đó dễ dẫn đến sự lạm dụng, bè phái…, không chỉ không khuyến khích được nhân tài mà đôi khi còn dẫn đến xu hướng ngược lại.
Chính nhờ các quy định được ban hành công khai từ năm 2001 đến nay mà tuổi đời khi được phong của các GS và PGS ngày càng được hạ thấp, khuyến khích thế hệ trẻ dấn thân vào khoa học.
Vì vậy trong một thời gian nhất định nữa, không thể vì một số tồn tại xảy ra trong công tác phong chức danh GS, PGS mà bỏ các bộ tiêu chuẩn thống nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm khác thường so với thông lệ quốc tế, đã được ban hành trong các bản quyết định từ trước tới nay, chưa được sửa đổi. Viện Toán học đã đề xuất nhiều giải pháp để cải tổ những bất cập này.
Trước hết, cần tách khoa học tự nhiên thành một nhóm ngành riêng. Lý do được đưa ra là khoa học tự nhiên của Việt Nam đã tiếp cận được khá gần với trình độ quốc tế, trong đó có một số ngành đã đạt trình độ quốc tế.
Việc tách ra nhóm ngành khoa học tự nhiên sẽ tạo điều kiện nâng cao đòi hỏi về số công bố quốc tế chất lượng cao, đồng thời bỏ được các tiêu chuẩn xa lạ so với thông lệ quốc tế trong hướng khoa học này.
Rào cản đối với nhà khoa học trẻ
Riêng với nhóm ngành khoa học tự nhiên, Viện Toán học đề ra một loạt kiến nghị. Trong đó về việc nâng cao tiêu chuẩn GS, PGS, Viện Toán học đề nghị ở ngành khoa học tự nhiên, ứng viên GS phải có ít nhất 8 bài báo khoa học quốc tế và ứng viên PGS cũng phải có ít nhất 4 bài báo thuộc hệ thống ISI, cao hơn nhiều lần so với yêu cầu của dự thảo.
Cùng với đưa ra kiến nghị, Viện Toán học còn trình bày các luận điểm làm cơ sở cho các kiến nghị này. Với kiến nghị bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, Viện Toán học khẳng định: “Tương tự như viết sách hay đào tạo, không ai tính việc chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ trì/tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo là một tiêu chuẩn để xét trình độ của một nhà khoa học trong khoa học tự nhiên”.
“Suy nghĩ kỹ sẽ thấy đây là một rào cản đối với các nhà khoa học trẻ. Một ứng viên thật sự giỏi nhưng chẳng may bị hội đồng xét duyệt đề tài bác vì bất cứ lý do gì thì theo quy định hiện giữ, đương nhiên không được xét làm PGS/GS. Các hội đồng chức danh GS phải có đủ năng lực để xác định ứng viên thật sự có trình độ không, mà không cần phải tham khảo đánh giá của các hội đồng khác” – văn bản của Viện Toán học nêu rõ.
Về yêu cầu bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo, Viện Toán học kiến nghị thay tiêu chuẩn ứng viên PGS “có ít nhất 6 năm, trong đó có 3 năm cuối liên tục tham gia đào tạo từ trình độ ĐH trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ” thành “có ít nhất 6 năm tham gia đào tạo từ trình độ ĐH trở lên – tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ – và trực tiếp tham gia giảng dạy trong năm đăng ký hồ sơ”.
Viện Toán học cho rằng việc quy định thâm niên đào tạo có thể hợp lý, nhưng yêu cầu tính liên tục 3 năm cuối là một rào cản vô lý: “Việc làm này gây khó khăn cho những người đang ở nước ngoài, hay có thời gian công tác dài ở nước ngoài trở về. Mà chúng ta đều biết chỉ có những người thật sự giỏi mới được nước ngoài mời đến cộng tác nghiên cứu. Thời gian cộng tác càng dài có nghĩa là người đó càng giỏi.
Đưa ra rào cản kỹ thuật này làm khá nhiều người trẻ, giỏi phải đắn đo quyết định có trở về nước làm việc không, hoặc đắn đo có nhận lời mời (ít khi có được) sang nước ngoài một thời gian làm việc để nâng cao trình độ…”.
Một số kiến nghị đối với nhóm ngành khoa học tự nhiên – Bỏ yêu cầu về việc viết sách phục vụ đào tạo. – Bỏ yêu cầu bắt buộc hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ. – Bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo. – Bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo; nâng cao tiêu chuẩn PGS, GS; yêu cầu cụ thể đối với ủy viên hội đồng ngành… |
Không ai ngăn được nhà xuất bản in sách chất lượng kém… Về kiến nghị bỏ tiêu chuẩn viết sách với ứng viên nhóm ngành khoa học tự nhiên, Viện Toán học khẳng định khó tìm được nơi nào trên thế giới lấy việc viết sách làm tiêu chí để đánh giá năng lực của các nhà khoa học trong nhóm ngành khoa học tự nhiên dù thừa nhận trong hàng nghìn quyển sách xuất bản hằng năm thỉnh thoảng có những quyển trở thành kinh điển, đóng góp lớn cho công cuộc đào tạo và sự phát triển khoa học. Thực tế không ai ngăn cản được việc nhà xuất bản in sách có chất lượng khoa học kém (dù hình thức có thể rất đẹp), miễn là sách đó không vi phạm các luật bản quyền, tiêu chí chính trị, thẩm mỹ… Tác giả có thể in sách bằng chính tiền của mình mà không vi phạm bất cứ quy định nào. |